Zing kiện TikTok: Ai được lợi?

Song song vụ kiện TikTok, Zing cũng đang tranh chấp pháp lý với Nhạc Của Tui. Việc VNG kiện TikTok lên Toà án Nhân dân TPHCM đang gây xôn xao dư luận với số tiền bồi thường thiệt hại lên tới 9,5 triệu đô la Mỹ (khoảng 221,5 tỷ đồng) tương đương 150 bản ghi mà VNG cho rằng TikTok đã lấy trái phép của Zing để sử dụng cho hơn 11 triệu clip lan truyền khắp thế giới.

Ngoài ra, phía VNG yêu cầu TikTok chấm dứt xâm phạm bản quyền, gỡ bỏ tất cả các đoạn nhạc khỏi ứng dụng và trang web, xin lỗi công khai. Luật sư Phạm Duy Khương (Giám đốc điều hành ASL Law) giả định, nếu Zing nắm quyền sở hữu, là quyền cao nhất với các bản ghi, thì kể cả TikTok có ký trực tiếp với nghệ sĩ thì TikTok vẫn xâm phạm của Zing như thường. Còn nếu Zing nắm những quyền yếu hơn như quyền sử dụng hoặc quyền khai thác không độc quyền, khi đó các tác giả, nghệ sĩ vẫn có quyền ký riêng với bên khác, Zing không làm gì được.

Trong trường hợp nghệ sĩ đã ký độc quyền với Zing về việc sử dụng bài hát (không chuyển quyền sở hữu sang cho Zing) mà vẫn tiếp tục ký với TikTok thì sẽ xảy ra tranh chấp giữa Zing và nghệ sĩ chứ không phải với TikTok nữa. Zing chỉ có thể có quyền sở hữu nếu là đơn vị bỏ tiền đầu tư, đặt hàng, thuê các tác giả, nghệ sĩ sáng tác và sản xuất hoặc mua đứt bài hát từ tác giả, khi đó tác giả chỉ còn quyền nhân thân và Zing nắm quyền tài sản đối với bài hát.

Mới đây, Forbes Việt Nam dẫn một báo cáo khảo sát quý một năm nay của DecisionLab, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, từ 20% trong quý một lên 30% trong quý hai. Cũng thời gian này, số người dùng thế hệ Z (sinh sau 1996) tìm đến TikTok đã tăng từ 32% lên 56%.

Nhìn chung giới chuyên gia cho rằng, việc chứng minh thiệt hại của nguyên đơn cũng như sự hưởng lợi từ hành vi xâm phạm bản quyền của bị đơn không hề đơn giản trong các vụ kiện dân sự có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Ngoài việc phải chứng minh thiệt hại có giá trị tương đương hơn 221,5 tỷ đồng, VNG cũng phải chỉ ra được là thiệt hại đó gây ra bởi ai, TikTok hay người dùng TikTok…

Một ca sĩ giấu tên, đang ký hợp đồng quản lý và phát hành với Sony tỏ ra hơi bất ngờ khi nghe về vụ kiện. Anh cũng hy vọng Zing có đầy đủ chứng cứ để theo đuổi vụ kiện cũng như có sự thay đổi, hợp đồng chặt chẽ hơn với nghệ sĩ, trước khi nhiều người bức xúc vì nhạc của họ bị sử dụng vào kinh doanh nhưng lại không được chia sẻ quyền lợi. Tất nhiên đây là các nghệ sĩ đã có tên, chứ lúc nào cũng có khá nhiều các nghệ sĩ mới, hoạt động tự do, bằng mối quan hệ nhờ người của các trang nghe nhạc trực tuyến đẩy bài mà không đòi hỏi quyền lợi gì.

Anh cho hay từ khi được Sony đại diện phát hành, nhạc của anh có mặt trên tất cả các nền tảng trả phí như Keeng, Nhaccuatui, Spotify, Apple music… cũng như các nền tảng miễn phí cho người dùng (nhưng nghệ sĩ vẫn được trích %) như Instagram, Tiktok, Facebook. Anh phỏng đoán Tiktok hẳn phải làm việc với các nghệ sĩ thì mới có file nhạc để sử dụng, còn nếu tải nhạc từ nguồn độc quyền của Zing sẽ có công cụ quét và bị báo cáo không thể sử dụng ngay.

Ông Nhan Thế Luân, người điều hành Nhạc Của Tui nêu ý kiến: Nếu thực sự những bài hát đã được một đơn vị độc quyền thì nơi khác sử dụng sẽ có bộ lọc để chặn ngay. Vậy phải chăng bên Zing chưa có bộ lọc đó hoặc vẫn có kẽ hở trong quản lý các sản phẩm độc quyền khiến cho bên thứ ba vẫn có thể sử dụng. Ông Luân cho rằng, Tiktok với kho nhạc khổng lồ, khó có chuyện chỉ vì 150 bản nhạc mà để rơi vào kiện tụng.

Thực tế việc các trang nhạc trực tuyến đồng thời sở hữu trực tiếp bản ghi nghe có vẻ cũng không được hợp lý lắm vì như thế trang nhạc đó có thể biệt đãi những sản phẩm độc quyền của mình, dẫn đến sự đối xử không công bằng với các nghệ sĩ khác. Vì vậy những đơn vị như Nhạc Của Tui không trực tiếp làm việc này mà sẽ để các công ty nhánh chuyên quản lý tác phẩm và phát hành tới các nền tảng khác cho nghệ sĩ nào tin tưởng và có nhu cầu.

Ông Luân cho hay Zing cũng vừa kiện Nhạc Của Tui hồi tháng Hai năm nay, và Nhạc Của Tui cũng đã dùng 600 bài độc quyền của mình để kiện lại Zing tháng Bảy vừa rồi. Ông cho biết thêm: “Khi độc quyền, tôi lo phân phối bài cho các bên chứ không phải dùng làm lợi thế cạnh tranh (chỉ phát hành qua kênh của mình)”.

Ông Luân cho biết đã cố gắng nhiều lần đối thoại, muốn hợp tác với Zing nhưng không thành công nên đành phải kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Ông khẳng định trong những vụ kiện kiểu này, cả hai bên đều thiệt hại, chỉ có YouTube hay Spotify là được lợi vì sẽ có thêm được nhiều khách hàng Việt Nam.

Một chuyên gia giấu tên trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc dự đoán trong vụ kiện này Zing khá bất lợi. Việc Tiktok chỉ sử dụng 30 giây nhạc cho một clip là rất linh động về bản quyền, và sẽ khó cho tòa án Việt Nam phân xử đúng sai.

Luật sư Phạm Duy Khương nêu quan điểm: “Đã gọi là cạnh tranh thị trường, ai cũng muốn muốn giữ miếng bánh dành mình, và vấn đề về bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ trở thành công cụ để bảo vệ thị phần, chống lại việc đối thủ mở rộng thị trường”. Chưa biết thắng thua nghiêng về bên nào nhưng nhờ vụ bị kiện này, rất có thể Tiktok sẽ được người dùng Việt Nam biết đến và sử dụng nhiều hơn.

Theo Tiền Phong

Nguồn: https://www.tienphong.vn/van-hoa/zing-kien-tiktok-ai-duoc-loi-1715659.tpo