Xuất khẩu trực tuyến-con đường nhanh nhất để có đơn hàng

Nguyễn Trang thực hiện

ông Phạm Tấn Đạt - CEO Fado

Xuất khẩu trực tuyến là phương thức nhanh nhất giúp doanh nghiệp có được đơn hàng một cách nhanh chóng.

Còn những lợi ích nào khác và làm gì để tận dụng hiệu quả kênh bán hàng này, ông Phạm Tấn Đạt – CEO Fado, một nền tảng hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa ở Việt Nam thông qua thương mại điện tử đến khắp nơi trên thế giới, chia sẻ một số thông tin cần thiết trên Thương gia & Thị trường

– PV:  Ông đánh giá thế nào về năng lực cũng như nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam trong việc bán hàng trên thương mại điện tử?

+ Ông Phạm Tấn Đạt: Tôi cho rằng vấn đề nằm ở việc hạn chế về tư duy lẫn năng lực so với các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay chỉ có các doanh nghiệp thương mại biết ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh.

Còn doanh nghiệp sản xuất chưa quan tâm dùng thương mại điện tử để xúc tiến, xây dựng thương hiệu lẫn bán hàng. Doanh nghiệp sản xuất sản xuất muốn tìm người mua sản phẩm chứ không muốn xây dựng kênh bán hàng online lẫn offline

-PV: Phải chăng doanh nghiệp sản xuất nói riêng chưa tập trung cho thương mại điện tử cũng một phần do họ gặp khó khăn khi triển khai kênh bán hàng này và ông có lời khuyên nào cho các thương nhân tiếp cận với công nghệ mới ?

+ Ông Phạm Tấn Đạt: Đối với doanh nghiệp đã nhận thức được điều này thì nên đầu tư vào đào tạo nhân sự có kiến thức kỹ năng về vận hành website, gian hàng trực tuyến. Giống như bạn mở một cửa hàng truyền thống, nếu không có nhân viên trông coi, bán hàng thì không thể có doanh số.

Thương mại điện tử cũng thế, nhưng hệ thống thương mại điện tử phức tạp hơn cửa hàng nên để vận hành gian hàng cần đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng hơn, nhân viên vận hành phải am hiểu về hệ thống thương mại điện tử mới có thể khai thác những ưu việt, thế mạnh của thương mại điện tử so với phương thức truyền thống, giúp website/gian hàng của doanh nghiệp tăng trưởng đột phá tạo ra doanh số gấp nhiều lần so với cửa hàng truyền thống trong thời gian ngắn.

PV – Fado trong vai trò hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm qua các nền tảng thương mại điện tử quốc tế, ông nhìn nhận thế nào về điểm yếu, điểm mạnh khi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sân chơi này?

+ Ông Phạm Tấn Đạt: Như tôi đã nói, tư duy, kiến thức, kỹ năng, nguồn nhân lực vận hành thương mại điện tử của ta đều yếu hơn doanh nghiệp nước ngoài, bên cạnh năng lực cạnh tranh của sản phẩm chưa cao.

Việt Nam có nhiều sản phẩm tốt, có lợi thế cạnh tranh, nhưng doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất OEM cho thương hiệu nước ngoài, nếu doanh nghiệp biết chuyển đổi, xây dựng thương hiệu riêng trên môi trường thương mại điện tử từ năng lực sản xuất của mình sẽ sớm thành công.

PV – Theo ông, thương mại điện tử dành cho đối tượng doanh nghiệp nào, doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ hay mọi thành phần, quy mô?

+ Ông Phạm Tấn Đạt: Lâu nay, phương thức truyền thống để hàng hoá Made in Vietnam tìm đến các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc là tham gia triển lãm, tìm đến văn phòng xúc tiến thương mại, đại sứ quán hay phái đoàn của Việt Nam tại nước ngoài.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể đón đoàn đối tác đến thăm doanh nghiệp, thông qua các nhà môi giới nhập khẩu…

Nhưng các doanh nghiệp nhỏ chứ đừng nói là siêu nhỏ sẽ không có kinh phí, cơ hội để thực hiện các phương thức xúc tiến như trên. Nếu có cũng hạn chế, nên không có nhiều lựa chọn đối tác mua hàng để bán được giá cao.

Để giải quyết bài toán này, tôi cho rằng xuất khẩu trực tuyến là phương thức nhanh nhất giúp doanh nghiệp có được đơn hàng một cách nhanh chóng.

Tôi ví dụ, chỉ cần mở gian hàng miễn phí hoặc có phí chỉ từ 1400 USD/ năm tại Alibaba.com thì doanh nghiệp đã tiếp cận được tới 290 triệu doanh nghiệp mua hàng từ 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia mua bán cùng 2 triệu cửa hàng trên nền tảng online này

Về vấn đề quy mô, theo tôi doanh nghiệp ở mọi quy mô đều cần chuyển đổi vào nền kinh tế số. Doanh nghiệp nhỏ thì xây dựng thương hiệu, tìm kiếm khách hàng. Doanh nghiệp lớn thì định vị, bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị thương hiệu.

PV – Qua thực tế khảo sát của PV Thương gia & Thị trường, có một số doanh nghiệp cả lớn và nhỏ cho rằng họ đã có thị trường sẵn, sản xuất không kịp bán và không cần đến thương mại điện tử. Quan điểm của ông về ý kiến này thế nào?

+ Ông Phạm Tấn Đạt: Trong một thế giới phát triển nhanh, thị trường biến động, không có cơ hội nào chắc chắn, không có lợi thế nào là ổn định mãi mãi. Nên việc đa dạng khách hàng đối tác là điều tất yếu.

Tôi tôn trọng quan điểm của chủ doanh nghiệp. Nhưng như tôi đã nói, thương mại điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mà còn giúp xây dựng và lan tỏa thương hiệu sản phẩm với chi phí tối ưu và thời gian nhanh nhất

PV – Trong tương lai, Fado có kế hoạch gì để hỗ trợ doanh nghiệp Việt bán hàng thông qua thương mại điện tử?

+ Ông Phạm Tấn Đạt: Hiện tại Fado chủ động tổ chức các khóa học trực tuyến cho các doanh nghiệp đã có gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com, mục tiêu khai thác hiệu quả gian hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh chào hàng trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt với các nước khác.

Fado còn đồng hành với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) thực hiện chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững tại các tĩnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên, và Bắc Trung Bộ. Tập trung hỗ trợ các ngành nghề mây, tre, đan. Các sản phẩm từ cây sen, dừa…

Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với VCCI để đào tạo kiến thức về thương mại điện tử, kinh doanh quốc tế cho các hội viên VCCI

Đối với các doanh nghiệp không có nhân lực phụ trách, công ty sẽ cung cấp dịch vụ vận hành gian hàng trên môi trường online. Ngoài ra, Fado cũng giúp doanh nghiệp các dịch vụ logistics, thủ tục pháp lý,… để nhanh chóng tiếp cận khách hàng toàn cầu.

PV – Dưới góc độ quản lý và xây dựng chính sách, chúng ta cần làm gì để thương mại điện tử thực sự đi vào cuộc sống doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế số?

+ Ông Phạm Tấn Đạt: Tôi cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ thương mại điện tử phát triển đồng đều trên cả nước.

Về công nghệ các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng tốt nhưng vẫn đề nằm ở tư duy, quan điểm của doanh nhân như tôi đã nói.

Chính vì thế việc tích cực tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức tư duy áp dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp cũng rất cần thiết.

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, thương mại điện tử là cách tối ưu chi phí và nhanh nhất để doanh nghiệp phát triển nên Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp phát huy, tận dụng tối đa lợi ích mà thương mại điện tử mang lại.

Xin cảm ơn ông và hẹn gặp ông ở một chủ đề khác của thương mại điện tử