Xử lý rác thải không chỉ là chôn lấp

Nguyễn Trang

Đô thị hóa tỷ lệ thuận với khối lượng rác thải phát ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, những nỗ lực xử lý rác thải dường như vẫn tập trung nhiều hơn vào phần hậu cần, thu gom và xử lý, mà ít chú ý đến tái chế, phục hồi và các hoạt động hỗ trợ cần thiết.

Đô thị hóa kéo theo tăng rác thải

Đây là thông điệp đưa ra tại hội thảo quản lý rác thải rắn tại vùng ven đô, đô thị vừa và nhỏ khu vực Đông Nam Á.

Hội thảo nhằm mục đích thúc đẩy các thực hành tốt cho một dịch vụ quản lý chất thải hiệu quả và bền vững tại các vùng ven đô, đô thị vừa và nhỏ khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Nguyễn Hữu Ninh, Trưởng đại diện của Tổ chức Gret, những thách thức môi trường do chất thải sinh hoạt và công nghiệp phần lớn là do sự phát triển kinh tế và dân số ngày càng tăng.

Đông Nam Á là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới trong vòng 20 năm qua. Sự gia tăng các hoạt động kinh tế và thu nhập dẫn đến những thay đổi sâu sắc về tính năng động, lối sống và thói quen tiêu dùng, dẫn đến gia tăng lượng rác thải phát sinh.

Còn theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (Báo cáo về chất thải 2.0) đã đưa ra dự đoán rằng lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người ở Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng 30% trong 15 năm tới. Khu vực này có khối lượng rác thải và tỷ lệ gia tăng rác thải cao nhất trên thế giới

Tại các quốc gia Đông Nam Á là những quốc gia có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất thế giới. Năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa lên đến trên 50%, có tới trên 60% dân số đô thị hoặc 70% tổng dân số ở các quốc gia Đông Nam Á sống tại các đô thị vừa và nhỏ (khoảng 300.000 dân).

Khu vực thành thị tỷ lệ thu gom đạt 77% trong khi đó khu vực nông thôn tỷ lệ thu gom chỉ đạt 44%. Nhưng, những nỗ lực xử lý rác dường như tập trung nhiều hơn vào phần hậu cần, thu gom và xử lý, chứ ít chú ý hơn đến tái chế, phục hồi và các hoạt động hỗ trợ cần thiết.

Quản lý chất thải ở đô thị vừa và nhỏ, khu vực ven đô còn ít được chú ý hơn. Đô thị hóa nhanh chóng và phát triển công nghiệp mạnh mẽ khiến lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng. Chính quyền địa phương và các tác nhân có liên quan gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý rác một cách có hiệu quả.

Như đã nói, các mô hình xử lý rác hiện nay thường tập trung vào thu gom và xử lý, mà ít chú ý tới phòng ngừa, tái chế và phục hồi, và do đó, có nhiều hạn chế như không quản lý chất thải một cách hợp lý, lãng phí tài nguyên tiềm năng, tác động môi trường tiêu cực cao, v.v.

Xử lý rác không chỉ là vấn đề chôn lấp, thu gom hay công nghệ, phải huy động được sự tham gia của cộng đồng. Vẫn theo các chuyên gia môi trường, đã xuất hiện mô hình mới được thúc đẩy bởi chính quyền địa phương, trong đó ưu tiên các công ty tư nhân và xử lý rác tập trung.

Một ví dụ là lĩnh vực thu gom và tái chế chất thải phi chính thức tại Việt Nam như lực lượng đồng nát đã giúp tái chế một khối lượng chất thải đáng kể. Kinh nghiệm khác nhau của các đơn vị thu hồi chất thải phi tập trung hoặc các dịch vụ dựa trên cộng đồng đã cho thấy hiệu quả của họ.

Tham gia của cộng đồng

Vĩnh Phúc, một tỉnh lân cận của Hà Nội, minh họa rõ cho hiện tượng này. Vĩnh Phúc từ lâu đã đối mặt với việc thiếu đất do nhu cầu về nhà ở và các cơ sở công nghiệp tăng lên, các xã bán đô thị gặp khó khăn trong việc lấy đất để xử lý lượng rác thải ngày càng tăng. Liên minh Hợp tác xã Vĩnh Phúc, Chi cục bảo vệ môi trường, Trung tâm Sông Hồng, Tổ chức Gret thực hiện dự án PRO3 để góp phần cải thiện điều kiện sống tốt hơn ở 25 xã nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án hướng đến ba mục tiêu cụ thể.

Đó là giảm độ bão hòa của các bãi chôn lấp và tác động tiêu cực của xử lý chất thải đến môi trường. Mục tiêu thứ hai là tăng cường năng lực của các hợp tác xã môi trường (ECs) để hoạt động ổn định và có lợi nhuận, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp và để thích ứng với mong đợi

Và cuối cùng là xuất bản tài liệu tham khảo về quản lý chất thải như báo cáo nghiên cứu, sổ tay và hướng dẫn  và thúc đẩy đối thoại về quản lý chất thải bền vững ở khu vực bán đô thị

Dự án cũng hướng đến việc tìm ra một giải pháp sáng tạo để xử lý chất thải như nghiên cứu để đưa ra kế hoạch chiến lược, cải thiện các bãi chôn lấp hiện có, nghiên cứu thị trường để tái chế; thí điểm chuỗi giá trị tái chế đầy hứa hẹn (phân bón, gỗ,)

Để cải thiện giám sát các cơ sở xử lý chất thải rắn, thông qua dự án để tiến hành nghiên cứu tác động môi trường, nâng cao năng lực cho chính quyền và xây dựng cơ sở dữ liệu tỉnh dựa trên internet để giám sát hiệu suất.

Vẫn theo đại diện của Tổ chức Gret, trước khi thực hiện dự án, năm 2014, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo ra khoảng 753 tấn chất thải mỗi ngày, tương đương 0,74 kg mỗi người. Quản lý chất thải sinh hoạt chủ yếu dựa vào đốt rác, tác động đến môi trường tự nhiên. Mặc dù hai phần ba là chất thải hữu cơ, không có cơ sở xử lý dành riêng cho loại chất thải này, thường được chôn trực tiếp hoặc đốt một phần. Kết quả là, hầu hết các bãi chôn lấp đã bão hòa khi các lò đốt nhỏ được sử dụng không thể đốt cháy vật liệu hữu cơ một cách nhanh chóng.

Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát vào năm 2016, đã có 296 bãi rác trong bảy khu vực ở Vĩnh Phúc. Cơ sở hạ tầng trong tình trạng kém và không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường. Bảy mươi phần trăm các bãi chôn lấp này đã bão hòa.

Các xã nông thôn đã sử dụng 34 lò đốt quy mô nhỏ để hỗ trợ xử lý chất thải. Tuy nhiên nó không nhận được sự giám sát hoạt động hay môi trường nên hoạt động này cũng chưa hiệu quả.

Hầu hết các hợp tác xã môi trường được thành lập để chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt vào năm 2012. Tuy nhiên, nguồn nhân lực và tài chính bị hạn chế, sự can thiệp từ cơ chế quản lý và hợp đồng ngắn hạn đã ngăn cản ECs phát triển các chiến lược dài hạn hiệu quả

Với việc triển khai dự án, hơn 50 khóa đào tạo đã được thực hiện về các vấn đề liên quan đến chất thải, bao gồm quản lý vận hành hợp tác, luật pháp và các quy định, an toàn lao động. Quản lý bãi rác, vận hành lò đốt và quản lý xung đột. Đặc biệt cơ sở trùn quế Tân Phong tiến hành sản xuất phân trùn quế từ rác thải sinh hoạt hữu cơ và được trang trại Vân Hội Xanh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm 5 năm.

Trong khi đó, mạng lưới các hợp tác xã môi trường tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập trong khuôn khổ dự án PRO3 với 32 thành viên có mục đích trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên và tham quan học hỏi các mô hình kinh doanh thành công tại các tỉnh khác. Ngoài ra dự án cũng giúp xây dựng hợp phần thu thập số liệu về quản lý rác thải sinh hoạt và tích hợp vào hệ thống quan trắc môi trường của tỉnh Vĩnh Phúc.