Xe công nghệ ở TP HCM “đục nước béo cò”
Mức giá vận chuyển nhu yếu phẩm của các hãng xe công nghệ đang tăng chóng mặt ở TP HCM

Giá vận chuyển tăng gấp 2-3 lần; chỗ cần shipper nhất thì người dân đặt hàng hoài không được. Cần có quy định cũng như chế tài cụ thể đối với dịch vụ giao hàng bằng xe công nghệ

“Cứ ngỡ sau 0 giờ ngày 16-8, thời điểm TP HCM cho phép mở rộng dịch vụ ship liên quận thì giá vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng xe 2 bánh của các hãng xe công nghệ sẽ giảm nhưng chúng tôi đã lầm. Họ ăn dày quá!” – chị Nguyễn Thị Hằng, ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM mở đầu câu chuyện.

“Sốc toàn tập”

Bằng chứng mà chị Hằng đưa ra là trưa 16-8, lên app của Grab đặt dịch vụ giao hàng từ chợ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) đến đường Tân Kỳ – Tân Quý, quận Bình Tân (TP HCM), chị Hằng tá hỏa khi giá cước lên đến 124.000 đồng.

“So với ngày thường, giá đã tăng gấp 2,5 lần, còn so với Grab tiết kiệm giao hàng trong 4 giờ trước đây chị thường dùng thì mức giá trên tăng gấp 3,5 lần” – chị Hằng so sánh.

Do tiếp tế lương thực cho người thân nên Hằng bấm bụng đặt dịch vụ nhưng chị cũng không quên gọi điện thoại nhờ cơ quan báo chí lên tiếng giúp.

“Gói hàng trị giá 300.000 đồng mà tiền phí vận chuyển đã gần nửa thì quả là khó chấp nhận. Mong các cơ quan truyền thông lên tiếng về việc này, bởi giờ không đặt ship hàng của các hãng xe công nghệ thì không biết đặt ai” – chị Hằng bức xúc nói.

Thường xuyên đặt dịch vụ Grab liên quận để tiếp tế lương thực cho người thân bị bệnh tự cách ly tại nhà, chị Ngô Thị Đà (quận Tân Phú, TP HCM) cũng than trời vì giá dịch vụ tăng quá cao.

“Cả nhà bạn tôi 6 người F0 đang điều trị tại nhà. Để hỗ trợ bạn, tôi nấu vài món gửi đến nhà bạn (huyện Hóc Môn) nhưng lần nào cũng vậy giá vận chuyển cũng luôn cao ngất. Một cuốc xe trung bình 10 km phải trả 210.000 đồng, lúc trước chỉ chưa đến 100.000 đồng là cao rồi” – chị Đà kể.

Tương tự, dù trao đổi qua điện thoại nhưng chúng tôi cảm nhận khá rõ nỗi bức xúc của anh Thanh (ngụ huyện Hóc Môn) khi cho hay anh gửi ít thực phẩm cho bạn tại quận Phú Nhuận, quãng đường gần 10 km nhưng dịch vụ giao hàng siêu tốc của Grab báo giá 245.000 đồng.

Cũng như chị Hằng, cả anh Thanh và chị Đà đều cho rằng đây là cái giá của sự độc quyền sau khi các hãng xe công nghệ “giết hết” xe truyền thống, cũng như đang một mình một chợ trong thời điểm TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu, ở đó”.

Không chỉ giữ mức giá quá cao, theo phản ánh của chị Hằng, các tài xế xe công nghệ còn làm lơ trước nhu cầu của người dân ở các khu cách ly, phong tỏa.

Chứng minh cho việc này, chị Hằng kể sáng 8-8, chị lên app của Grab tìm tài xế giao hàng từ huyện Hóc Môn đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (quận 1) để gửi thực phẩm và đồ dùng cá nhân cho 2 mẹ con em gái đang điều trị Covid-19.

Thế nhưng gần 1 giờ vẫn không tài xế nào nhận chuyến. Đến lúc có tài xế nhận, chưa kịp mừng thì 2 phút sau tài xế gọi lại “năn nỉ” chị hủy chuyến giúp.

Dù chị giải thích với tài xế chỉ gửi những thực phẩm thiết yếu đến bệnh viện cho người điều trị Covid-19 nhưng tài xế vẫn không nhận với lý do sợ bị phạt. Sốt ruột, chị Hằng chuyển qua app của Gojek tìm tài xế nhưng tìm mãi vẫn không ai nhận.

Chiều 9-8, mất hơn nửa ngày, chị Trương Thị Tuyết Nga (quận Tân Phú) vẫn không tìm được tài xế công nghệ gửi thực phẩm đến Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương cho em gái mới sinh, đang điều trị Covid-19 tại đây.

Trong khi đó, theo anh Nguyễn Trường, cư dân một chung cư đang bị phong tỏa y tế ở TP Thủ Đức, thì hơn chục ngày qua, anh phải nhờ người quen bên ngoài tiếp tế chứ không thể đặt xe công nghệ giao hàng.

“Việc tiếp tế lương thực, thuốc men đến các khu dân cư, chung cư bị phong tỏa, cách ly y tế là việc bức thiết. Theo tôi, chính vì có các khu cách ly, phong tỏa thì chính quyền mới cho xe công nghệ hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Vậy mà họ luôn từ chối không nhận hàng chở đến các khu cách ly, phong tỏa là việc khó chấp nhận” – anh Trường lập luận và mong các cơ quan liên quan phải có cách giải quyết thực trạng này.

Lòng vòng lý giải

Một tài xế xe công nghệ tên Tân cho rằng trước ngày 16-8, tài xế đi liên quận sợ bị phạt nên hủy chuyến, kế đến do khan hiếm tài xế nên các hãng xe phải khuyến khích tài xế chạy liên quận bằng cách tăng giá cước gấp đôi.

Cũng theo tài xế Tân, giá dịch vụ tăng cao nhưng nhận một cuốc xe tài xế cũng hồi hộp, vì qua nhiều chốt, bị hạch hỏi, xuất trình giấy tờ này nọ, chưa kể nhiều chốt khó, tài xế phải quay về trả hàng hay bị phạt.

Liên quan giá cước, đại diện hãng Grab cho biết thực tế người dân đặt dịch vụ giao hàng gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua do số lượng đối tác tài xế tại TP HCM giảm trong khi nhu cầu đặt mua hàng hóa của người dân tăng cao trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố.

“Để giải quyết tình trạng này, trong những ngày qua, chúng tôi đã đẩy mạnh việc cung cấp bảng tên thẻ cứng và băng đeo tay cho đối tác tài xế, bảo đảm các đối tác có thể lưu thông trên đường và giao nhận hàng hóa đúng theo chỉ thị của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 4-8, chúng tôi cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ khoản phạt vi phạm hành chính, hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/trường hợp, trong trường hợp đối tác bị xử phạt vi phạm hành chính trong khi thực hiện chuyến xe dù đã thực hiện đúng quy trình vận hành theo yêu cầu của Grab và quy định của cơ quan chức năng” – đại diện hãng Grab nói.

Các tài xế xe công nghệ dễ dàng qua chốt kiểm soát nếu đang trên đường vận chuyển hàng thiết yếu.

Đại diện hãng Ahamove cũng lý giải thời gian qua, hãng này giảm khoảng 30%-50% tài xế đối tác.

Nhiều tài xế còn hoạt động nhưng thường xuyên tắt app do sợ bị phạt khi di chuyển liên quận bởi mỗi chốt kiểm soát xử lý mỗi kiểu, nhiều tài xế liên tục gọi về trung tâm nhờ hỗ trợ.

Để hỗ trợ các bác tài, Ahamove bỏ một số quy định về thời gian tối thiểu hoàn thành đơn hàng đồng thời tăng “nhẹ” phí dịch vụ để hỗ trợ tài xế an tâm di chuyển, giao hàng đến các khu cách ly với thời gian chờ đợi hoàn tất chuyến hàng kéo dài.

“Phí dịch vụ tăng, chúng tôi mong khách hàng thông cảm trong thời gian này” – đại diện Ahamove cho hay.

Trước lý giải sợ bị phạt của tài xế và hãng xe, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM khẳng định trong thời gian toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì shipper được giao hàng thiết yếu liên quận.

Riêng từ ngày 16-8, so với trước thì thời gian được giao hàng là 24/24 giờ (thay vì từ 6 giờ đến 18 giờ) và được giao hàng thiết yếu cho người dân có nhu cầu (trước đây chỉ ship liên quận cho người dân ở khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19).

Ngoài ra, theo ghi nhận của chúng tôi, trước ngày 16-8, rất ít tài xế xe công nghệ bị phạt, lực lượng chức năng nhắc nhở là chủ yếu – nếu giao hàng ngoài khu phong tỏa, cách ly y tế.

Do đó, việc tài xế, hãng xe lập luận tăng giá cước vì sợ bị phạt hay do bị hạch sách là khó có thể chấp nhận.

Và lập luận này bị chính các hãng xe công nghệ “đánh sập” khi sau ngày 16-8, shipper được thoải mái chạy liên quận nhưng giá vẫn ổn định ở… mức cao, bất chấp sự bức xúc của khách hàng!

Hơn nữa, với lập luận cung vượt cầu nên phải tăng giá cước cũng là một cách lập luận khó chấp nhận và nói thẳng đây là cách làm giá.

Bởi chi phí đầu vào không tăng nếu không muốn nói là giảm, vì trong những ngày giãn cách, đường sá thông thoáng nên việc tiết kiệm nhiên liệu là điều không cần tính toán cũng thấy.

Gay gắt hơn, anh Nguyễn Trường cho rằng nếu các hãng xe công nghệ cứ mãi lập luận như trên thì thành phố cũng nên cho dừng hoạt động, thay vào đó phát huy tối đa các tổ mua hộ tại các phường – xã; huy động lực lượng là sinh viên, thanh niên tình nguyện tham gia vận chuyển hàng thiết yếu trong những ngày giãn cách.

Cần chấn chỉnh ngay!

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, nhận định dịch vụ giao hàng thông qua các hãng xe công nghệ tại TP HCM đang là dịch vụ độc quyền, do đó việc điều tiết hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, vừa bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch là điều hết sức cần thiết.

“Không thể để tình trạng thiếu shipper liên quận mà người dân phải gánh chịu phí cao hoặc không tiếp tế được thuốc men, thực phẩm cho người thân đang điều trị tại các khu cách ly, bệnh viện…

Sở Giao thông Vận tải và Sở Công Thương phải làm việc với các hãng xe công nghệ đưa ra các giải pháp tối ưu, tránh để người dân gánh chịu mức giá trên trời!” – ông Tính nhấn mạnh.

Theo Người Lao Động

https://nld.com.vn/thoi-su/xe-cong-nghe-duc-nuoc-beo-co-20210817213146085.htm