Xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hoá

Hạ My

Máy kiểm tra chất lượng vàng do các nhà khoa học Việt Nam sản xuất

Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định “Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam” để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quy chế đặt ra tầm nhìn, xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Mục tiêu của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam theo dự thảo, là xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao, từ đó tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả của quy trình sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp;

Đồng thời khuyến khích chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế và xuất khẩu theo hướng tập trung vào các ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu Việt Nam trong quá trình hội nhập;

Một mục tiêu nữa mà chương trình hướng đến là tăng cường liên kết và phối hợp hoạt động của các cơ quan và tổ chức hữu quan trong một hệ thống đồng bộ để gia tăng hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cạnh tranh từ quá trình phát triển thương hiệu

5 hoạt động chính

Theo dự thảo các hoạt động của Chương trình đầu tiên là hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Trong đó bao gồm nghiên cứu, đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chí thương hiệu quốc gia tại các doanh nghiệp, phổ biến, cung cấp thông tin, thuê chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước và đào tạo, tập huấn.

Hoạt động lớn thứ hai là hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ở trong và ngoài nước. Trong đó hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hoá và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá.

Hoạt động này còn bao gồm việc hỗ trợ tổ chức sự kiện, hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm, đào tạo, tập huấn, thuê chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế và xây dựng, phát hành các sản phẩm thông tin.

Nội dung hoạt động tiếp theo là thông tin, truyền thông cho Chương trình ở trong và ngoài nước. Theo đó, thuê các tổ chức và chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước xây dựng, phát triển, quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia Việt Nam; tư vấn lập kế hoạch và thực hiện Chương trình;

Nội dung này cũng bao gồm cả hỗ trợ điều tra, nghiên cứu thị trường để định hướng cho các hoạt động thông tin, truyền thông cũng như khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế về thông tin, truyền thông cho Chương trình.

Bên cạnh đó còn có hỗ trợ quảng bá, truyền thông về Chương trình và các doanh nghiệp có sản phẩm thuộc Chương trình tại các sự kiện ngoại giao, kinh tế, thương mại, xúc tiến thương mại – đầu tư – du lịch và trên các phương tiện truyền thông.

Tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn để quảng bá về Chương trình và nội dung Chương trình và xây dựng, duy trì trang thông tin điện tử đa ngôn ngữ và các phần mềm ứng dụng cho Chương trình.

Việc tổ chức, tham gia sự kiện, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, xây dựng và phát hành các sản phẩm thông tin để truyền thông cho Chương trình cũng nằm trong nội dung hỗ trợ này.

Hoạt động chính thứ 4 mà dự thảo đề cập đến là xúc tiến thương mại được quy định tại Điều 3 Nghị định 28/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương.

Và cuối cùng là các hoạt động định kỳ, thường xuyên của Chương trình. Theo đó, xây dựng mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển theo từng thời kỳ của Chương trình hay xây dựng hệ thống tiêu chí, biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Xét chọn các thương hiệu sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí của Chương trình và tổ chức Lễ Công bố các tổ chức, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.

Tiếp đến là bình chọn các tổ chức, doanh nghiệp, sản phẩm đạt các giải thưởng trong khuôn khổ của Chương trình, tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam thường niên và tổ chức các Tuần lễ Thương hiệu Việt Nam trong và ngoài nước cuối cùng là tổ chức, tham gia các sự kiện về thương hiệu trong và ngoài nước

Dự thảo cũng quy định các hành vi bị cấm như gây ảnh hưởng tới uy tín, tạo ra các liên tưởng tiêu cực đến hình ảnh và thương hiệu quốc gia.

Đặc biệt là có hành vi gian lận, lừa dối khi tham gia Chương trình, lợi dụng hình ảnh và thương hiệu quốc gia để phục vụ cho những mục đích xấu, vi phạm pháp luật.