Vụ đánh gãy hai tay người giao hàng: Cơ chế nào bảo vệ shipper?
Người thân, đồng nghiệp đến thăm, động viên shipper Đạt trước khi bước vào ca mổ - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chỉ vì phí ship 30.000 đồng, shipper Lâm Anh Đạt bị đánh gãy hai tay. Ngày 19-2, bác sĩ Bệnh viện Quân y C17 đã phẫu thuật sắp lại xương cho anh, anh Đạt đã tỉnh táo và trở lại phòng điều trị.

Sự việc xảy ra do ông Trương Đình Nhạt (thôn 1, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) từ chối nhận hàng nhưng không thanh toán 30.000 đồng phí ship hàng và cùng vợ đánh gãy hai tay shipper Lâm Anh Đạt (24 tuổi, ngụ huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).

Đến chiều 19-2, ca mổ sắp lại xương hai cánh tay bị đánh gãy của Đạt đã thành công. Chị Lâm Thị Thúy Viên – chị gái của Đạt – cho biết khi bác sĩ Bệnh viện C17 mở bột cánh tay trái ra vệ sinh trước khi vào phòng mổ cố định xương bị gãy mới thấy rõ chấn thương phần mềm của Đạt là nghiêm trọng đến mức nào.

Cũng theo chị Viên, từ khi Đạt bị vợ chồng ông Nhạt đánh gãy hai tay đến khi bước vào phòng mổ, gia đình ông này vẫn không liên lạc hỏi thăm sức khỏe hay xin lỗi Đạt.

“Hành vi côn đồ, sau khi đánh gây thương tích, vợ chồng ông Nhạt dửng dưng bỏ mặc hậu quả do mình gây ra càng khiến gia đình tôi bức xúc hơn. Ông ấy quá xem thường pháp luật”, chị Viên nói.

Chị Nguyễn Thị Nữ, đồng nghiệp của Đạt, cho biết sự việc xảy ra với Đạt làm giới shipper rúng động. Làm nghề phục vụ khách hàng, họ gặp muôn vàn tình huống oái oăm trong quá trình giao nhận, kiểm tra hàng.

Tuy nhiên, hầu hết chỉ là lời qua tiếng lại cho xong chuyện chứ chưa bao giờ có trường hợp bị đánh gãy hai tay dã man như với Đạt.

Liên quan đến sự việc shipper trong quá trình giao hàng có đòi người mua trả phí ship 30.000 đồng, bà Hàn Thị Thủy, phó giám đốc truyền thông đối ngoại của Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm, khẳng định anh Đạt thu phí hoàn trả sản phẩm là đúng.

Theo bà Thủy, công ty không có bất kỳ quy định nào về việc khách phải trả phí ship nếu từ chối nhận hàng, thỏa thuận bên nào trả phí ship là việc giữa người mua và người bán.

Trong khi đó, theo shipper Đạt, khi người mua (Nhạt) từ chối nhận hàng, Đạt đã đưa điện thoại cho người bán và người mua nói chuyện với nhau, người mua sau đó thông báo cho Đạt không thu 200.000 đồng tiền hai cây hoa đỗ quyên mà chỉ thu phí ship 30.000 đồng để mang cây về, song người mua đã không chịu trả phí ship này và đánh gãy hai tay Đạt.

Theo bà Thủy, công ty sẽ hỗ trợ chi phí phẫu thuật và điều trị bệnh cho Đạt. “Chúng tôi cử người theo dõi tại bệnh viện để hỗ trợ gia đình chăm sóc sức khỏe cho Đạt cũng như chi trả các khoản ứng viện phí thay cho gia đình”, bà Thủy nói.

Cơ chế nào bảo vệ shipper khi bị “bom hàng”?

Nhìn nhận về sự việc, nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng nên xem lại quy trình chuyển phát, tránh cãi vã giữa shipper và khách. Đồng thời, công ty chuyển phát cần có cơ chế riêng mạnh mẽ hơn để bảo vệ shipper trong những trường hợp “nhạy cảm” khi khách “bom hàng”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, CEO FastShip Phạm Văn Hoàng cho biết đã gặp nhiều trường hợp shipper bị khách đánh nhưng chưa khi nào thấy vụ việc kinh khủng như nam shipper ở Quảng Ngãi như vậy.

Nghề shipper rủi ro luôn chầu chực khi trúng phải shop lừa đảo, khách nhận hàng giả thì người giao hàng “lãnh đòn”. “Tại sao phải trả tiền ship khi tôi không nhận hàng?” – ông Hoàng nói về những câu hỏi như vậy của khách hàng mà shipper thường xuyên đối diện.

Ông Hoàng nói kinh nghiệm vận hành FastShip, shipper giao hàng có hai dạng như giao hàng cho sàn thương mại và giao hàng cho các shop. Các gian hàng trên sàn thương mại quy định khá chặt chẽ.

Hàng của sàn khi giao gặp vấn đề, khách không cự cãi với nhân viên mà có thể bấm nút hoàn trả hàng, phản ánh là sẽ có bộ phận xử lý.

Còn với các cửa hàng nhỏ, khách hàng và chủ shop thỏa thuận mua bán, shipper giao hàng nhưng chi phí ship là câu chuyện mỗi nơi mỗi khác.

Có thể khách thỏa thuận với khách trả phí ship khi nhận hàng, nhưng khi hoàn trả hàng lại không nói xử lý như thế nào, từ đó gây khó cho shipper.

Thực tế, khi cửa hàng lên đơn, đơn vị chuyển phát thường thu tiền ship của chủ shop. Trường hợp khách từ chối nhận hàng và shipper không đòi được tiền ship thì nên báo lại chủ shop để hoàn đơn, chính chủ shop phải trả thêm tiền ship cho đơn vị giao hàng.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Thắng – tổng giám đốc Công ty CP Bưu chính VN (Vintrans) – cho biết trong quy trình xử lý trường hợp khách không trả phí ship thì sẽ có đội ngũ của công ty giải quyết, không để khách và shipper cãi qua lại với nhau. Vintrans áp dụng quy trình này nên không có trường hợp cãi vã, đánh nhau của shipper.

Phí giao nhận hàng là do hai bên tự thỏa thuận

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng theo quy định tại điều 530 và 533 Bộ luật dân sự năm 2015 thì trong trường hợp này, người bán hàng và đơn vị vận chuyển đã xác lập “hợp đồng vận chuyển”. Thông thường bên thuê vận chuyển sẽ là người trả phí, trừ khi có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp cụ thể trên, vì bên bán và bên mua có thỏa thuận về việc bên mua muốn hoàn trả hàng thì phải thanh toán tiền phí vận chuyển hoàn trả hàng. Như vậy, lúc này nghĩa vụ trả phí hoàn trả hàng sẽ thuộc về người mua hàng.

Hiện nay, đối với lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, pháp luật chưa có quy định về mức cước phí vận chuyển mà các bên sẽ tự thỏa thuận phí. Phí thỏa thuận thông thường sẽ dựa vào yếu tố khối lượng hàng hóa, quãng đường vận chuyển.

Trong trường hợp này, cước vận chuyển liên quan đến việc hoàn trả hàng sẽ do các bên thỏa thuận và mức phí này đã được thống nhất giữa người bán và người mua (người mua trả) theo phí mà trước đó người bán đã thỏa thuận với bên giao hàng tiết kiệm (30.000 đồng). Như vậy, nếu người mua đã đồng ý trả phí hoàn thì khi đại diện của người vận chuyển thu tiền, người mua phải trả tiền này.

Theo luật sư Phát, hành vi gây thương tích của người mua với bên vận chuyển là hoàn toàn vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, luật sư Trần Hậu (Đoàn luật sư Đà Nẵng) nhận định việc ông Trương Đình Nhạt sử dụng tuýp sắt đánh shipper Lâm Anh Đạt gãy cả hai tay có dấu hiệu rõ ràng của tội “cố ý gây thương tích”.

Ngoài ra, theo lời kể của shipper Đạt, người vợ cũng có tham gia hành hung. Đây là dấu hiệu cùng thực hành, cùng giúp sức cho người chồng đánh người khác và theo quy định pháp luật được xem là đồng phạm trong vụ án này.

Theo Tuổi Trẻ