Virus corona, phương tiện truyền thông và uy tín

Hoàng Ngân (Theo DW)

Mặc dù thế giới đã đứng yên trong nhiều tuần qua, nhưng vẫn khó nắm bắt được mối đe dọa vô hình xung quanh chúng ta, đặc biệt là những ngày này, khi hoa mùa xuân nở rộ và tiếng chim hót.

Có những điều trong thế giới này không thể được cảm nhận trực tiếp bằng các giác quan. Những thứ như biến đổi khí hậu, phóng xạ và đặc biệt là đại dịch. Như nhà xã hội học người Đức Niklas Luhmann đã chỉ ra từ lâu, những điều như vậy chỉ có thể được hiểu thông qua giao tiếp.

Và khi nói đến COVID-19, chúng ta cũng phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông để biết thông tin. Trừ khi biết ai đó bị ảnh hưởng cá nhân bởi đại dịch, chúng ta không thể trải nghiệm đầy đủ những gì đang thực sự xảy ra.

Con người tin tưởng vào các phương tiện truyền thông để biết cuộc sống đã thay đổi như thế nào, hàng triệu người đã mất việc làm, hàng triệu người đã bị nhiễm bệnh và hàng trăm ngàn người đã chết.

Mọi người vẫn bị cô lập ở nhà, hình ảnh những con đường vắng và người người đeo khẩu trang. Các chuyến đi thường xuyên đến siêu thị tạo trải nghiệm duy nhất về cảm giác đối với tình huống này.

Làm thế nào để đối mặt với mối đe dọa?

Đó là lý do tại sao các trang tin tức lại một lần nữa trở nên có liên quan, không chỉ bởi cập nhật các sự kiện và số liệu từng phút, mà còn cung cấp những biện pháp hạn chế nào các chính trị gia xác định là cần thiết cho sự an toàn.

Không, còn nhiều hơn thế. Những gì chúng ta học được từ các bài báo và lượm lặt từ các cuộc thảo luận với bạn bè và hàng xóm quyết định cách chúng ta đối mặt với đại dịch. Có phải chúng ta sợ hãi? Hoảng sợ? Không quan tâm? Có phải chúng ta chán nản, hoặc tự tin tình hình sẽ được cải thiện?

Chúng ta nghe về đại dịch COVID-19 từ các phương tiện truyền thông và truyền miệng – nhưng làm thế nào để độc giả biết tin tưởng ai? Mọi người có thể dựa vào các cửa trang tin tức đáng tin cậy trong những thời điểm nguy hiểm này

Martin Muno nói

Lưu lượng độc giả truy cập các phương tiện truyền thông gia tăng mạnh mẽ không phải là chuyện bất ngờ. Các trang tin tức như DW của Đức đang ghi nhận số lượng kỷ lục độc giả đọc tin trên trực tuyến và truyền hình. Nhưng làm thế nào có thể chắc chắn rằng không có thông tin sai lệch?

Các trang truyền thông xã hội tràn ngập tin tức giả mạo , với hàng triệu câu chuyện về cách tỏi có thể bảo vệ bạn khỏi virus corona và những điều vô nghĩa khác.

Các trang web như vậy một lần nữa đã chứng minh là vườn ươm cho thông tin sai lệch, và trong trường hợp này, tin tức giả mạo có thể khiến cuộc sống của con người gặp nguy hiểm.

Facebook và các nền tảng khác đang nỗ lực hơn bao giờ hết để hạn chế sự lan truyền thông tin sai lệch, nhưng đơn giản là họ không thể sử dụng đủ công cụ kiểm tra thực tế để ngăn chặn làn sóng này.

Sự trở lại của hãng tin truyền thống

Sự nghiêm trọng của tình hình hiện tại đã khiến nhiều người chuyển sang các phương tiện truyền thông truyền thống để lấy thông tin.

Một nghiên cứu gần đây của hãng tin Reuters khi thăm dò ý kiến người dân ở Argentina, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh và Hoa Kỳ thấy rằng, độc giả đã tin tưởng các cơ quan báo chí nhiều hơn so với các trang truyền thông xã hội.

Ngoài ra, những người có trình độ học vấn thấp có xu hướng phụ thuộc ít hơn vào các hãng tin đáng tin cậy, họ thích nhận thông tin thông qua phương tiện truyền thông xã hội.

Nghiên cứu của Reuters cũng cho thấy mọi người tin tưởng các chuyên gia và đại diện từ các tổ chức y tế thậm chí còn nhiều hơn cả các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, làm thế nào để những chuyên gia đưa ra thông điệp? Đó là, thông qua các hãng tin tức.

Những báo cáo như vậy nhắc nhở các nhà báo có trách nhiệm to lớn đi kèm với nghề nghiệp. Phải cố gắng hết sức để trình bày những thông tin có liên quan và trung thực nhất có thể trích xuất từ tất cả các tin tức trên thế giới.

Chúng ta phải tách gạo ra khỏi vỏ trấu khi nói đến những tuyên bố đôi khi mâu thuẫn từ các nhà virus học, nhà kinh tế và chuyên gia tự xưng. Và cuối cùng, phải trình bày thông tin đó một cách hấp dẫn và dễ hiểu.

Tất nhiên, đó là quy trình chuẩn ngay cả khi không có khủng hoảng. Nhưng nhiệm vụ đã trở nên khó khăn hơn bởi thực tế giờ đây chúng ta phải sàng lọc thông tin với sự giúp đỡ của ít nhân viên hơn, hầu hết họ không ở trong phòng tin tức mà tự làm việc ở nhà.

Với cuộc khủng hoảng cắt giảm ngân sách quảng cáo, nhiều cơ quan truyền thông đang phải đối mặt với những thách thức tài chính rất nghiêm trọng.

Các cơ quan này đã bị giảm thu vì họ có nghĩa vụ cung cấp miễn phí các bài báo và video liên quan đến virus corona.

Chúng ta đang sống trong một tình huống nghịch lý, trong đó thông tin được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, ngay cả khi các tổ chức đó đang đấu tranh cho sự sống còn về mặt tài chính.

Nhưng có một điều chúng ta có thể làm: đó là chúng ta có thể trả tiền cho thông tin chúng ta đọc, hầu hết các hãng tin tức đáng tin cậy đều đáng giá.