Vingroup nêu năm đề xuất thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Trung Nguyên

Theo Võ Quang Huệ – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và đóng góp tới 40% tổng GDP.

Các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm nếu sẵn sàng đổi mới sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thực sản xuất hiện đại.

Là Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup cũng đang trải qua quá trình thay đổi toàn diện, xác định tầm nhìn dài hạn là trở thành Tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Thương mại và Dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Khởi đầu của chiến lược này là việc khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng với khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam có tầm vóc thế giới, và mang lại sự thay đổi đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Tổ hợp VinFast được lắp đặt dây chuyền sản xuất hiện đại ứng dụng công nghệ 4.0. Trong đó, ngày 14 tháng 6 năm 2019, nhà máy sản xuất ô tô sẽ chính thức đi vào hoạt động và thay đổi diện mạo cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.

VinFast cũng đầu tư mạnh mẽ cho quá trình R&D để có thể rút ngắn thời gian và nhanh chóng đi ngang với các quốc gia phát triển trong một số lĩnh vực như xe điện, điện tử, công nghệ thông minh…

Song hành cùng việc phát triển R&D, VinFast sẽ dần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của dự án, khi nhiều công đoạn sẽ được sản xuất ngay tại Việt Nam. Hiện tại, khu công nghiệp phụ trợ – chiếm khoảng 30% diện tích Tổ hợp nhà áy VinFast tại Hải Phòng cũng đã dần được phủ kín.

Với đề án sản xuất quy mô lớn ngay từ đầu, VinFast sẽ có nhu cầu cao trong tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng, thông qua việc thành lập Trung tâm Đào tạo VinFast, cũng như thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc.

Với những bài học thực tiễn từ VinFast, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 diễn ra tại Hà Nội hồi đầu tháng 5, đại diện tập đoàn Vingroup cũng có một số ý kiến để góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển.

Đó là, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó Chính phủ cũng cần tiếp tục tạo điều kiện cho Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt Kiều

Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách để thúc đẩy công  nghiệp phụ trợ phát triển, bởi lĩnh vực này đóng vai trò bổ trợ rất lớn cho ngành công nghiệp ô tô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Và cuối cùng Chính phủ cũng tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Vingroup nhận thấy sắp tới đây sẽ có thêm công ty khác sẽ chọn Việt Nam để xây dựng các nhà máy cung cấp dịch vụ đến các nước trong khu vực châu Á. 

Liên quan đến vai trò của ngành công nghiệp ô tô trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, cũng tại Diễn đàn, đại diện THACO chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN, xe du lịch sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh rất gay gắt và không cân xứng với các nước trong khu vực.

Thái Lan, Indonesia có thị trường ô tô nội địa lớn hơn Việt Nam nhiều lần (1,5 triệu xe/năm còn Việt Nam mới đạt 300 ngàn xe/năm) và có lịch sử phát triển từ rất lâu (trên 50 năm).

Trong khi công nghiệp ô tô Việt Nam thì chỉ mới thật sự phát triển trong vài năm gần đây, đồng thời nền công nghiệp ô tô ở các nước này được bảo hộ rất lâu và hiện nay vẫn được duy trì nhiều chính sách hỗ trợ.

Hiện nay, số lượng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN về rất nhiều (thống kê 3 tháng đầu năm 2019 đạt 39.000 xe các loại, bằng 1/2 cả năm 2018 là 78.200 xe).

Do vậy, đại diện THACO kiến nghị cần có chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành xe sản xuất trong nước.

Đồng thời cho tiến hành hậu thanh kiểm tra điều kiện để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% là: tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu đạt 40% đối với các xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN nhằm tránh gian lận thương mại và thất thu thuế.

Vì để đạt được tỷ lệ nội địa hóa 40% là rất khó, nhất là đối với những mẫu xe du lịch cao cấp.