Việt Nam sẽ có doanh nghiệp trái cây lớn nhất thế giới ?

Với 80.000 ha đất dự kiến phủ kín các loại cây trái, trong tương lai Công ty nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai có khả năng trở thành công ty sản xuất, xuất khẩu trái cây lớn nhất thế giới.

Đây là kết quả của thương vụ hợp tác lớn nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán VN đối với 2 doanh nghiệp trong nước là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco).

Sở hữu quỹ đất khổng lồ

Tính đến hết năm 2017, hai doanh nghiệp trái cây lớn nhất thế giới được xác định là Del Monte và Dole Food.

Trong đó, Del có diện tích cây ăn trái sở hữu là 25.374 ha, diện tích đi thuê là 18.049 ha, còn Dole Food có tổng diện tích cây ăn trái 47.348 ha.

Nếu so với hai “anh cả” này, quy mô vườn cây ăn trái của Công ty nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HNG) với hiện khoảng 19.000 ha và sang năm 2020 sẽ tăng lên 30.000 ha, chưa thể sánh bằng.

Tuy nhiên, HNG lại có một vị trí đáng gờm khi đang sở hữu diện tích đất nông nghiệp khổng lồ, lên đến hơn 80.000 ha trải rộng trên lãnh thổ của 3 quốc gia VN, Lào, Campuchia.

Đặc biệt, sau khi được bơm vốn từ Thaco sau thương vụ hợp tác lớn nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán VN đối với 2 doanh nghiệp trong nước, HNG đang ráo riết chuyển đổi và phát triển vườn cây ăn trái từ đất trồng cao su và cọ dừa hiện tại.

Vì thế, khả năng HNG vượt qua các công ty hàng đầu thế giới về quy mô trồng, sản xuất trái cây nằm trong tầm tay.

Chuối đang mang lại doanh thu lớn cho HNG

Tại báo cáo đánh giá về hoạt động sản xuất, kinh doanh trái cây của HAGL với tựa đề “In Fruit They Trusted”, do CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BSC) thực hiện cuối năm 2017 cho thấy nếu so sánh với các đơn vị trồng cây ăn trái lớn tại khu vực châu Mỹ và châu Âu, nông trại trồng táo/lê có diện tích lớn nhất là 3.642 ha, trồng nho có diện tích lớn nhất là 16.187 ha và trồng quả hỗn hợp có diện tích lớn nhất là 3.361 ha, đều nhỏ hơn so với diện tích của HAGL.

Hiện chuối là trái cây mang lại doanh thu chủ lực cho HNG. So với Philippines, “đối thủ” và cũng là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, quy mô của HNG áp đảo.

Từng qua Philippines nghiên cứu rất kỹ về thị trường, ưu – nhược điểm khi bắt tay với HAGL cách đây 1 năm, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, cho biết :

Công ty trồng nhiều nhất Philippines là 17.000 ha nhưng họ mất 5.000 ha vì bệnh parama nên chỉ còn 12.000 ha. Hiện tại Công ty HNG đang trồng 11.000 ha chuối, Thaco thêm khoảng hơn 4.000 ha, tổng diện tích trồng chuối tính chung đã vượt mặt đối thủ.

Đáng nói, quy mô này vẫn đang tiếp tục tăng trong nỗ lực chuyển đổi từ cao su, cọ dầu sang cây ăn trái như nói trên.

Với quy mô cây ăn trái ngày càng lớn, hạ tầng cho xuất khẩu trái cây cũng được 2 doanh nghiệp này chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL tại Chu Lai, Thaco đã phát triển chuỗi giá trị logistics với dịch vụ vận tải nông nghiệp chuyên dụng phục vụ cho việc xuất khẩu trái cây, gồm:

Vận chuyển vật tư nông nghiệp cung cấp cho các vùng trồng; vận chuyển đường bộ trái cây và nông sản từ Lào, Campuchia, tây Nguyên về cảng Chu Lai và cảng Cát Lái (TP.HCM); cung ứng hệ thống kho lạnh bảo quản trái cây và bãi container lạnh; vận chuyển đường biển phục vụ xuất khẩu.

Các tuyến vận chuyển đường bộ gồm: Gia Lai – Chu Lai, Koun Mom (Campuchia) – Chu Lai, Attapeu (Lào) – Chu Lai, Snuol (Campuchia) – Cát Lái; vận chuyển đường biển phục vụ xuất khẩu trái cây từ cảng Chu Lai đến các cảng Thượng Hải, Đại Liên, Thiên Tân (Trung Quốc)…

“Dự kiến trong năm 2019, Chu Lai Logistics sẽ vận chuyển hơn 3.200 container, gồm gần 1.800 container trái cây và hơn 1.400 container là hàng hóa tổng hợp đối lưu cho các tuyến vận chuyển.”

“Đặc biệt, Thaco cũng đã đầu tư xây dựng kho lạnh trái cây diện tích gần 5.000 m2 và bãi container lạnh hơn 10.000 m2; đội xe đầu kéo sơ mi rơ moóc lạnh, container lạnh 45 feet giúp nông sản, trái cây và các mặt hàng đông lạnh khác được bảo quản nguyên vẹn, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt chất lượng cao nhất khi đến tay khách hàng”, ông Đức nói.

Cú bắt tay giữa ông trùm xe hơi và bầu Đức đang tạo ra công ty sản xuất trái cây hàng đầu thế giới

Ống tưới nhỏ giọt chiều dài bằng 5 vòng trái đất

Được mệnh danh là “ông trùm ô tô” nhưng dù chỉ mới thực sự đầu tư vào mảng nông nghiệp hơn 1 năm qua nhưng ông Trần Bá Dương tỏ ra am hiểu sâu sắc lĩnh vực này.

Ông Dương nhận định, nông nghiệp hiện nay đi theo hai hướng. Một là diện tích nhỏ, công nghệ cao. Hai là diện tích lớn, sản xuất công nghiệp, quản trị – chất lượng an toàn. HNG đang đi theo hướng thứ hai. “Nhật bán trái xoài cả triệu đồng do thị trường Nhật có nhu cầu và nước này không có lợi thế về đất.

Chúng ta trồng trái xoài một triệu đồng/trái thì diện tích còn lại làm gì? Và thị trường người ăn trái xoài 1 triệu đồng cũng rất ít. Vì vậy, chúng tôi chọn thị trường phù hợp để phát triển”, ông Dương nói.

Không chỉ thị trường phù hợp mà lựa chọn “công nghệ phù hợp” cũng được ông Dương giải thích rõ ràng.

Theo ông Dương, sở dĩ trước đây người ta hay nói “bí quyết công nghệ” thực ra là kỹ thuật. Do trước đây chủ yếu làm thủ công, chế tác, kể cả lắp ráp xe nên khi áp dụng kỹ thuật, công nghệ, cơ giới hóa đều được hiểu là công nghệ cao và có tình trạng lạm dụng chữ “công nghệ cao”.

Còn nguyên tắc là công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường chứ không phải cao hay thấp. Tuy nhiên, sản xuất quy mô lớn hiện nay đòi hỏi sự chuẩn hóa. Vì vậy, công nghệ kỹ thuật phải gắn liền với công nghệ quản trị.

Ví dụ trồng loại chuối đó thì làm đất, chăm sóc, vặt râu, bẻ bùa, chọn ngày chọn giờ, ngay cả chuyện “thọc huyết” để buồng chuối gãy xuống, người công nhân kê vai vác để chuối không được trầy xước…ra sao đều phải được quản lý.

“Nói công nghệ là cho cả chuỗi sản xuất này. Người ta làm một cách nhịp nhàng với nhau và quản trị nó, đó là công nghệ. Còn công nghệ cao là có thể đưa mùi, chất, độ màu… vào trái cây.”

“Muốn làm được điều này phải nghiên cứu R&D ra giống, biện pháp tưới, phân, chích… Công nghệ cao thường áp dụng với điều kiện thị trường nhỏ, cao cấp và đất ít. Làm công nghệ cao, có khi chỉ cần một sân vườn cũng có thể tạo ra một thu nhập rất lớn”, ông Dương giải thích.

Nhìn từ góc độ đó, HNG đang có lợi thế cực lớn với Thaco có thế mạnh về cơ khí, quản trị và vốn, còn HNG nắm trong tay quỹ đất, thị trường, vị trí thuận lợi…

“Chúng tôi cung cấp các giải pháp cho HNG ngay tại nông trường. Cũng như ngày trước xây ngôi nhà nhỏ, phải bê từng bao xi măng 50 kg. Nhưng nay làm các tòa nhà cao tầng, bê như vậy thì đến bao giờ mới xong nên phải chế tạo ra các bồn chuyên dụng lớn vận chuyển một lúc hàng trăm tấn”.

“Câu chuyện của HAGL cũng vậy, phải nghiên cứu và chế tạo các thiết bị chuyên dụng để đạt năng suất cao nhất. Giả pháp tưới, chăm sóc, làm đất… chúng tôi cung cấp giải pháp cho HAG ngay tại nông trường.”

“Thế nên khi làm quy mô lớn, cơ giới mới có giá trị. Chỉ tính hệ thống ống tưới nhỏ giọt hiện nay của HAGL dài bằng 5 vòng trái đất, còn ròng rọc chuyển trái cây từ nông trường vào kho cứ 300 ha là 13 km”, ông Dương giải thích cụ thể.

Từ năm 2016, HAGL đã tiến hành trồng nhiều loại cây ăn trái như thanh long, chuối, chanh leo… và xuất bán toàn bộ trong các siêu thị tại Bắc Kinh, Đại Liên, Thượng Hải (Trung Quốc).

“VN trồng chuối lâu đời nhưng trồng chuối xuất khẩu thì mới có 1 – 2 doanh nghiệp với sản lượng rất ít nên chúng ta chưa có tên trên bản đồ xuất khẩu chuối. Tuy nhiên hiện nay, nhiều “ông lớn” xuất khẩu chuối Philippines đang ớn mình.”

“Ở Thượng Hải, Đại Liên giờ ngập chuối HAGL vì mỗi ngày chúng tôi đang xuất qua đó 30 container. Sang năm mỗi ngày chúng tôi xuất bán 100 container thì đi đâu cũng là chuối của HAGL”, ông Đức tự tin.

Mục tiêu trở thành “vựa trái cây” thế giới

Có sản lượng, có chất lượng, có thị trường… vấn đề nhiều người quan tâm là xây dựng một thương hiệu chuối cho Việt Nam ra thế giới.

Thế nhưng theo ông Trần Bá Dương, hiện nay HNG chưa làm thương hiệu, chiến lược là công ty là sản xuất bán cho nhà cung cấp, việc còn lại là của các nhà cung cấp. Tư duy này khá lạ trong bối cảnh VN đang khát khao một thương hiệu nông sản từ nhiều thập niên nay.

Thực tế, là nước xuất khẩu gạo, tiêu, cà phê… điều hàng đầu thế giới song nông sản Việt khó xây dựng thương hiệu do nền nông nghiệp trong nước còn nhỏ lẻ, manh mún, sản lượng – chất lượng thiếu sự đồng nhất, không đáp ứng yêu cầu thị trường nên hầu hết chỉ bán thô.

HNG khắc phục hết những yếu điểm đó nhưng lại chưa có ý định xây dựng thương hiệu khiến không ít người ngạc nhiên. Ông Trần Bá Dương lý giải, nhiều người đang tư duy từ A-Z, (hệ sinh thái) nhưng thế giới lại tư duy chuỗi giá trị.

Trong chuỗi giá trị đó có nhiều doanh nghiệp, nhiều nước cùng tham gia và tận dụng thế mạnh của nhau. Hàn Quốc khởi đầu gia công cho Nhật nhưng hướng tới sản phẩm riêng và đã chớp được thời cơ để có những thương hiệu lớn.

Đài Loan cũng gia công cho Nhật nhưng hướng tới những tập đoàn chuyên về gia công. Foxconn không có sản phẩm iPhone nhưng sản xuất điện thoại cho các hãng khác và trở thành một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử, máy tính lớn nhất thế giới, chủ yếu chế tạo theo hợp đồng với các đơn vị khác.

“Có những tập đoàn không có thương hiệu giày nhưng sản xuất số lượng giày rất lớn. Lại có những công ty sản xuất số lượng ít giày nhưng có thương hiệu.

Giữa một công ty chỉ sản xuất 50.000 đôi giày có thương hiệu và một công ty sản xuất 500.000 đôi giày cho các hãng khác, cái nào lợi thế hơn phải được tính toán kỹ. HNG sở hữu quỹ đất rất lớn, có thể tạo ra một sản lượng lớn nên chúng tôi quyết định tập trung vào sản xuất.

“Làm nông nghiệp quy mô lớn, không nên làm từ gốc đến ngọn mà chỉ cần cắt khúc sản xuất và làm cho chặt khúc đó. Phải có lựa chọn phù hợp”, ông Dương nhấn mạnh.

Cái bắt tay giữa “ông trùm” xe hơi và bầu Đức

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác giữa Thaco và HAGL, ông Đức đã nói những câu rút ruột: “Từ nhận thức của một người đi qua nhiều thăng trầm trong đời kinh doanh, tôi cho rằng bên cạnh ý chí và nỗ lực, mình vẫn cần phải có được những người đồng hành tin cậy.

Dù trải qua nhiều biến động nhưng nhờ tính chính trực, HAGL quyết tâm sẽ xây dựng một doanh nghiệp minh bạch, có những đóng góp không ngừng cho xã hội ở nhiều phương diện và chính điều này mà HAGL đã nhận được thiện cảm to lớn của công chúng, dư luận và của cả giới truyền thông”.

Những ai theo dõi quá trình hình thành, phát triển cho tới giai đoạn khủng hoảng thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản của Tập đoàn HAGL suốt hơn 2 thập niên qua sẽ hiểu sâu sắc điều này.

Là tập đoàn kinh tế lớn với tổng tài sản lên đến 53.000 tỉ đồng, hơn 1 thập niên trước, HAGL là nhà phát triển bất động sản hàng đầu VN với quỹ đất lớn.

Thế nhưng, việc chuyển toàn bộ sang cao su, cọ dừa khoảng chục năm về trước đã đẩy HAGL vào khó khăn không lối thoát khi đến thời điểm thu hoạch, giá cao su giảm mạnh.

Bị mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn, tập đoàn này xoay đủ cách để tạo dòng tiền. Từ nuôi bò Úc thịt, liên kết sản xuất sữa cho đến chuyển sang trồng cây ăn trái, nhưng doanh thu không đủ trả nợ.

Cổ phiếu lao dốc, ngân hàng “đóng cửa”, tài sản bán được đồng nào các nhà băng siết đồng đó… đẩy ông Đoàn Nguyên Đức vào khủng hoảng trầm trọng.

Ông Trần Bá Dương kể, trước khi gửi lá thư tay, ông Đức đã 2 lần gọi điện cho ông “nhờ mua cổ phiếu vì giá giảm mạnh quá nên các công ty chứng khoán bán giải chấp”.

Ông Dương cũng kể vui “ông Đức nói ông không giúp tôi thì tôi bán hết, về”. Rồi hai ông cùng nhau lên Gia Lai, qua Lào, Campuchia… khảo sát. Giữa mênh mông cao su và cọ dừa hoang tàn đã khiến ông Dương không thể chối từ việc hồi sinh vùng đất chết đó.

Ngày 8.8.2018, HAGL đã cùng Thaco chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Thaco đầu tư vào 2 công ty là Công ty CP nông nghiệp quốc tế HAGL (HNG) và HAGL Myanmar với tỷ lệ cổ phần sở hữu lần lượt là 35% và 51% (sẽ nâng lên 65%).

Sau 1 năm, Thaco đã đầu tư tổng số tiền 22.194 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD), giúp HAGL cơ bản ổn định dòng tiền và tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp.

Dự tính đến giữa năm 2020, HNG sẽ có lời và như phân tích trên, cú bắt tay giữa 2 doanh nghiệp quy mô lớn, phát huy tối đa lợi thế mỗi bên đang đưa HNG trở thành nhà sản xuất trái cây hàng đầu thế giới.

Theo Thanh Niên