Việt Nam sẽ có công ty công nghệ tỷ USD

Mỹ Huyền – Thanh Tuyền

Việt Nam sẽ có 5 công ty công nghệ giá trị 1 tỷ USD vào năm 2025, con số này tiếp tục tăng gấp đôi trong 5 năm tiếp theo.

Đây là thông tin từ Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) đến năm 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

Theo chiến lược này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng một trong các công nghệ đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và tăng gấp đôi vào năm 2030.

Tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển dự kiến đạt ít nhất 1,5% GDP đến năm 2025. Đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 30 nước dẫn đầu về số sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên.

Cùng với đó, việc định hướng lớn là Việt Nam sẽ phát triển CMCN 4.0 gồm áp dụng công nghệ trong xây dựng Chính phủ điện tử; nâng cấp và chuyển đổi hệ thống sản xuất kinh doanh hiện tại để tối ưu phân bổ nguồn lực; đầu tư, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ.

Việt Nam được đánh giá có mức độ sẵn sàng tham gia CMCN 4.0 khá thấp. Lý do là hệ thống thể chế, pháp luật về kinh doanh có nhiều điểm không phù hợp với nhu cầu đổi mới, sáng tạo.

Việc ứng dụng các công nghệ đặc trưng như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, chuỗi khối, dữ liệu lớn… vào sản xuất kinh doanh còn chậm và gặp nhiều rào cản.

Hiện nay, Việt Nam có một nhóm các công ty công nghệ khá lớn, chủ yếu là trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Nhiều công ty hàng đầu đã chuyển hướng sang các công nghệ của CMCN 4.0, chủ yếu là điện toán đám mây và phân tích dữ liệu.

Mặc dù vậy, doanh thu chính của ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) vẫn chủ yếu đến từ hoạt động gia công phần mềm. Trong khi đó, các công ty rất thận trọng cho việc đầu tư vào công nghệ của CMCN 4.0 và áp dụng các ý tưởng đột phá.