Việt Nam sẵn sàng cho thương mại điện tử

Quỳnh Anh (Theo Retail News Asia)

Ảnh minh họa (Internet)

Một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết Việt Nam đã tăng ba bậc lên vị trí thứ 63 trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho thương mại điện tử toàn cầu mới nhất, tốt hơn so với một số nước cùng khu vực.

Với số điểm 61,6 điểm trên thang điểm 100, Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều so với Indonesia (thứ 83), Philippines (thứ 96), Lào (thứ 101), Campuchia (thứ 117) và Myanmar (thứ 130), theo B2C (business to customer) Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển công bố trong tuần này.

Bảng xếp hạng đã đo lường 152 nền kinh tế trên thế giới về mức độ sẵn sàng tham gia vào thương mại trực tuyến dựa trên bốn chỉ số có mối tương quan cao với mua sắm trực tuyến: truy cập máy chủ internet; độ tin cậy của dịch vụ bưu chính; tỷ lệ dân số sử dụng Internet; và tỷ lệ dân số trên 15 tuổi có tài khoản với tổ chức tài chính hoặc nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động.

Theo báo cáo, gần 70% người Việt Nam sử dụng Internet và 31% cá nhân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ngân hàng di động.

Về tỷ lệ truy cập máy chủ internet và độ tin cậy của bưu điện, Việt Nam đạt lần lượt là 64% và 83%.

Báo cáo cũng cho thấy người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chiếm 36% người dùng Internet và 18,7% trong dân số 96 triệu người.

Thụy Sĩ đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp theo là Hà Lan và Đan Mạch.

Shamika Sirimanne, Giám đốc bộ phận công nghệ và logistic của UNCTAD cho biết “đại dịch Covid-19 đã khiến việc đảm bảo các quốc gia đi sau có thể bắt kịp và tăng cường khả năng sẵn sàng cho thương mại điện tử trở nên cấp thiết hơn. Chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo nhiều người có thể tận dụng các cơ hội thương mại điện tử hơn.”

“Nếu không, các doanh nghiệp và người dân sẽ bỏ lỡ các cơ hội do nền kinh tế kỹ thuật số mang lại và họ sẽ ít chuẩn bị hơn để đối phó với các thách thức khác nhau” bà nói

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử được chính phủ Việt Nam phê duyệt vào năm ngoái, doanh thu của ngành sẽ đạt 35 tỷ đô la vào năm 2025 và chiếm 10% tổng doanh thu. Chính phủ cũng đặt mục tiêu 55% dân số mua sắm trực tuyến vào năm 2025.

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đã mở rộng 18% vào năm ngoái lên 11,8 tỷ đô la, là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong lĩnh vực này giữa đại dịch Covid-19.