Việt Nam: Giao dịch qua biên giới tăng khu vực giảm toàn cầu

Hoàng Nguyên

Giao dich thương mại qua biên giới Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 4 trong khu vực nhưng lại tụt 6 bậc so với thế giới

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới tại báo cáo môi trường kinh doanh, liên tục trong hai năm từ 2016 đến 2017 Việt Nam giữ vững vị trí thứ tư trong 10 nước Asean về chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và chi phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu đều có sự chuyển biến tích cực so với năm trước.

Tăng “sân nhà”

Năm 2016 thời gian giao dịch thương mại qua biên giới, bao gồm thời gian làm các thủ tục tại cửa khẩu và thời gian chuẩn bị hồ sơ, đối với hàng nhập khẩu là 138 giờ, giảm 32 giờ. Đối với hàng xuất khẩu là 108 giờ, giảm 32 giờ.

Hai năm tiếp theo, 2017-2018 thời gian giao dịch thương mại qua biên giới đối với hàng nhập khẩu là 132 giờ giảm 6 giờ, đối với hàng xuất khẩu là 105 giờ, giảm 3 giờ. Chi phí giao dịch thương mại qua biên giới đối với hàng xuất khẩu cũng như nhập khẩu đều giảm 19 USD.

Theo phân tích chi tiết về thời gian và chi phí giao dịch thương mại qua biên giới của đại diện Ngân hàng Thế giới tại hội nghị “Thúc đẩy cơ chế một của quốc gia, cơ chế một của Asean và tạo thuận lợi cho thương mại” tháng 7/2018, nhằm xác định ưu tiên cải cách qua đó giảm chi phí thương mại và tăng cường năng lực canh tranh của Việt Nam,  thời gian thuộc về trách nhiệm của hải quan chỉ chiếm 11% đối với hàng nhập khẩu và 4% đối với hàng xuất khẩu.

Thời gian thuộc  trách nhiệm của đơn vị xếp dỡ, lưu kho tại cảng và logistic chiếm 28% đối với hàng nhập khẩu và 50% đối với hàng xuất khẩu.

Thời gian thuộc trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành là  lớn nhất. Trong đó thời chuẩn bị hồ sơ xuất nhập khẩu và ra báo cáo kiểm tra chất lượng chiếm đến 61% đối với hàng nhập khẩu và 46% đối với hàng xuất khẩu.

Bóc tách chi phí thì cao nhất là chi xếp dỡ, lưu kho tại cảng và logistic chiếm đến trên 63% đối với hàng xuất, nhập khẩu. Tiếp đến chi phí chuẩn bị hồ sơ và kiểm tra chất lượng chiếm từ 25-27%. Chi phí hải quan và phí thuê môi giới hải quan chỉ chiếm trên dưới 10%.

Giảm toàn cầu

Tuy nhiên tính chung trên toàn thế giới, năm 2018 vị trí xếp hạng  giao dịch qua biên giới của Việt Nam lại giảm 6 bậc, đứng thứ 100/190 quốc  gia và vùng lãnh thổ.

Trong khu vực, chỉ số thương mại qua biên giới ghi nhận sự tiến bộ của malaysia tăng 13 bậc, từ vị trí 61 lên vị trí 48/109. Đặc biệt Lào có bước nhảy vọt đáng kinh ngạc khi tăng 48 bậc, từ 124 lên vị trí  76/109. Một con số vượt xa Việt Nam.

Đạt được sự tiến bộ này, theo nhận định của WB, Lào đã đơn giản hóa quy trình thông quan hàng tại cửa khẩu.

Bước thụt lùi của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam vẫn theo nhận định vủa WB, đầu tiên phải kể đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa phủ được tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Các hệ thống công nghệ thông tin được xây dựng, phát triển dựa trên yêu cầu nghiệp vụ qua nhiều giai đoạn và nhiều mục tiêu khác nhau.

Đặc thù văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên có sự thay đổi trong khi các hệ thống công nghệ thông tin phải qua rất nhiều bước, nhiều thủ tục nên mức độ đáp ứng đôi khi không theo kịp các quy định mới của pháp luật.

Cơ chế một cửa quốc  gia và cơ chế một của Asean cũng là nguyên nhân hạn chế thương mại qua biên giới.

Trong khi số lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, văn bản quy phạm pháp luật  còn chồng chéo, một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, ngành.

Điểm yếu nữa là kết cấu hạ tầng giao thông không đồng bộ, thiếu kết nối, thiếu nguồn lực để hiện đại hóa, nâng cao năng lực bốc xếp,…Những hạn chế đó khiến hệ thống cảng, kho bãi chưa phát huy hết năng lực, làm chi phí logistic tăng cao.

Góc độ địa phương, tuy có số lượng kho bãi lớn nhưng nằm rải rác, dàn trải, không có định hướng cụ thể nên hiệu quả kinh doanh của hệ thống kho bãi này không cao

Ngay cảng Cát Lái có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước nhưng hạ tầng cũng thiếu đồng bộ, kết nối. Tình trạng kẹt xe liên tục gây thiệt hại cho doanh nghiệp, đẩy chi phí logistic lên cao.

Như vậy ngoài nỗ lực của hải quan trong việc đem lại những kết quả tích cực, để nâng cao chỉ số xếp hạng  giao dịch thương mại qua biên giới cần có sự tham gia, cố gắng của các cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng, doanh nghiệp logistic và cộng đồng doanh nghiệp nhằm  khai thác đồng bộ các giải pháp giảm thời gian và chi phí giao dịch thương mại qua biên giới.