Việt Nam có hay chưa mô hình kinh tế chia sẻ?

Nguyễn Trang

Kinh tế chia sẻ sẽ thay đổi sự vận hành kinh tế toàn cầu

.

Kinh tế chia sẻ sẽ là một trong những nền tảng của “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nhưng chưa thấy mô hình kinh tế “nền tảng” này rõ nét ở Việt Nam.

Ảnh hưởng to lớn của Uber, Grab Taxi đến dịch vụ vận chuyển hành khách khiến cho khái niệm kinh tế chia sẻ được nhắc đến nhiều tại Việt Nam. Nhưng theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), kinh tế chia sẻ là việc tiến hành giao dịch với sự hỗ trợ của các nền tảng số trên cơ sở lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận giữa các cá nhân hay tổ chức sẵn có hoặc dư thừa các nguồn lực như tài sản, hàng hóa hay dịch vụ với bên có nhu cầu tiêu dùng những nguồn lực đó. Theo cách hiểu hẹp, kinh tế chia sẻ giới hạn ở giao dịch phi lợi nhuận giữa cá nhân với cá nhân.

Bản thân bộ Giao thông Vận tải trong quyết định “thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, thuật ngữ kinh tế chia sẻ cũng không thấy được nhắc đến. Dường như cơ quan quản lý nhà nước về giao thông này có khuynh hướng coi các hãng như Grab Taxi hay Uber là các đơn vị công nghệ cung cấp dịch vụ kết nối.

Theo phân tích tại Báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử Việt Nam EBI 2018 của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM),  hoạt động của Grab Taxi và Uber ở Việt Nam xa rời mô hình kinh tế chia sẻ, đặc biệt là theo nghĩa hẹp của khái niệm này. Nhiều bác tài là những lái xe chuyên nghiệp, hoạt động kinh doanh toàn thời gian. Thậm chí có những người đầu tư phương tiện để kinh doanh. Rất ít tài xế công nghệ kết hợp chuyến đi của mình với hành khách có cùng hành trình để tối ưu chi phí và tăng hiệu quả xã hội.

Tương tự như Uber hay Grab, mô hình hoạt động của Airbnb ở Việt Nam trong lĩnh vực du lịch có khuynh hướng là một sàn trực tuyến kết nối bên đầu tư phòng cho thuê với bên thuê, giống dịch vụ của các đại lý du lịch trực tuyến với khách sạn. Chưa có số liệu tin cậy về tỷ lệ được chia sẻ so với tổng cơ sở lưu trú tham gia Airbnb, nhưng theo đánh giá của VECOM “tỷ lệ này chắc không cao”.

Luật Du lịch có những quy định khá thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu hành và lưu trú. Tuy nhiên, hầu như chưa có chính sách hay quy định nào về du lịch trực tuyến, bao gồm hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến theo mô hình kinh tế chia sẻ được ban hành.

Trong những năm qua người ta đã nhắc nhiều tới lợi ích của kinh tế chia sẻ. Nhưng ở Việt Nam những doanh nghiệp như Uber, Grab Taxi hay Airbnb chưa hẳn đã hoạt động hoàn toàn theo mô hình này và tác động tới kinh tế xã hội chưa được đánh giá đầy đủ. Ngoài ra, chưa có doanh nghiệp hay tổ chức nào hoạt động theo mô hình này theo nghĩa hẹp nhưng có ảnh hưởng lớn

Trở lại với hai hãng vận tải cung cấp dich vụ taxi công nghệ, VECOM cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước  về vận tải, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, lao động, thương mại điện tử và thuế cần sớm xác định rõ ràng mô hình hoạt động  của loại hình doanh nghiệp này để có chính sách quản lý phù hợp về cạnh tranh lành mạnh, thu thuế và giám sát các xung đột xã hội.

Xa hơn nữa, “Việt Nam cần nghiên cứu những lợi ích của mô hình kinh tế chia sẻ và xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp cũng như các tổ chức khác cung cấp dịch vụ mô hình này trên nguyên tác chung là nâng cao hiệu quả kinh tế”, VECOM cho biết.