Các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế ổn định

Trường Giang

Mặc dù chịu ảnh hưởng diễn biến bất lợi của tình hình thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế ước xuất siêu 7,55 tỷ USD, góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với sự phục hồi khó khăn, bất ổn cả về tài chính lẫn lạm phát tăng cao cùng với tác động liên tục tranh chấp giữa Nga – Ukraine. Các nền kinh tế lớn Mỹ, châu Âu chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại, tiếp tục biến động phúc tạp khó lường.

Kinh tế Việt Nam là thị trường mở xuất nhập khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật… Do đó bất kỳ sự chậm lại hoặc gián đoạn nào trong nền kinh tế toàn cầu sẽ có tác động đáng kể đến hiệu quả thương mại, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo thống kê 4 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế hàng đầu như (Mỹ, EU, Anh…).

Hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế đã tăng trưởng chậm lại (chỉ số thương mại hàng hóa toàn cầu tháng 3 giảm còn 92,2 điểm) khiến tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương sản xuất công nghiệp trong cả nước tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,8%).

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo thường đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1% (cùng kỳ tăng 8,5%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm ở 11 địa phương trên cả nước, trong đó có những địa phương là trọng điểm sản xuất của cả nước.

Về xuất nhập khẩu: Xuất khẩu trong 4 tháng ước đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,1%); nhập khẩu ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16,27%).

Trong đó giảm nhiều ở khai khoáng giảm 14,3%; nhóm CNCBCT giảm 13,9%; nhóm nông lâm sản giảm 6,8%. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm như: Mỹ giảm 21,6%, EU giảm 10,8%, Hàn Quốc giảm 69,6%, Trung Quốc giảm 13,1%…

Mặt khác do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa.

Đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Bên cạnh việc giảm lượng thì so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất.

Mặc dù chịu ảnh hưởng diễn biến bất lợi của tình hình thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế ước xuất siêu 7,55 tỷ USD, góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Thị trường trong nước trong 4 tháng đầu năm luôn giữ ở mức ổn định: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm tăng 12,8% so với cùng kỳ. Nhìn chung, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường.

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.