Vì sao Pfizer muốn tiêm vắc xin Covid-19 mũi thứ 3 ?
Pfizer đang đề nghị cấp phép cho mũi tiêm bổ sung của công ty này

Nhà sản xuất vắc xin Pfizer đã nhấn mạnh việc cần phải tiêm nhắc lại vì các nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech ngừa Covid-19 giảm dần theo thời gian.

Trong báo cáo quý 2/2021 công bố ngày 28.7, Pfizer đưa ra dữ liệu cho thấy tiêm liều vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech thứ 3 giúp tăng mức bảo vệ trước biến thể Delta, CNN đưa tin.

Theo đó, mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta tăng gấp 5 lần ở người 18 – 55 tuổi được tiêm nhắc lại. Trong khi đó, ở người 65 – 85 tuổi, mức độ kháng thể sau khi tiêm liều vắc xin thứ 3 tăng gấp 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ 2.

Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer, ông Albert Bourla, ngày 28.7 thừa nhận trên Đài CNBC rằng hiệu quả vắc xin mạnh nhất – ở mức 96,2% – trong 1 tuần đến 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai.

Sau mỗi 2 tháng, con số này giảm trung bình 6%. Khoảng 4 – 6 tháng sau khi tiêm 2 liều, hiệu quả vắc xin chỉ còn khoảng 84%. Kết quả này có được sau khi Pfizer/BioNTech nghiên cứu hơn 44.000 người trên khắp nước Mỹ và các quốc gia khác.

Pfizer cũng đưa ra khuyến nghị tiêm liều thứ 3 dựa trên các nghiên cứu ở Israel, đất nước đã tiêm 2 liều cho gần 60% dân số bằng vắc xin Pfizer/BioNTech, theo The New York Times.

Nghiên cứu Đại học Hebrew ở Jerusalem công bố ngày 27.7 chỉ ra rằng hiệu quả của vắc xin Pfizer trong việc ngăn những ca Covid-19 nặng giảm còn 80%, thấp hơn so với mức 90% ghi nhận hồi tháng 3, The Times of Israel đưa tin.

Tuy vậy, mũi tiêm của Pfizer vẫn hiệu quả 90% trong việc ngăn tử vong do Covid-19, theo nghiên cứu.

Trước đó, thống kê Bộ Y tế Israel công bố ngày 22.7 cho thấy vắc xin Pfizer chỉ có hiệu quả trung bình 39% trong việc ngăn ngừa Covid-19 và 41% trong việc ngăn người mắc Covid-19 thể hiện triệu chứng.

Đặc biệt, dữ liệu cho thấy mức hiệu quả ngăn nhiễm Covid-19 ở những người được chủng ngừa vào tháng 1 hiện chỉ còn 16%.

Trong khi đó, con số này ở những người được tiêm chủng vào tháng 4 là 75%. Dù vậy, vắc xin Pfizer vẫn có thể giúp tránh được 91,4% ca bệnh Covid-19 nặng, theo Bộ Y tế Israel.

Tuy nhiên, chuyên gia và cơ quan quản lý trên thế giới cho rằng hiện tại chưa cần đến mũi vắc xin thứ 3.

Đầu tháng này, khi Pfizer lần đầu công bố kế hoạch xin cấp phép mũi tiêm bổ sung, FDA và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định người dân chưa cần tiêm liều thứ 3.

Bà Kate O’Brien, Giám đốc tiêm chủng, vắc xin và sinh phẩm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 28.7 cho biết tổ chức này vẫn đang nghiên cứu xem có cần tiêm nhắc lại hay không.

Bà O’Brien cũng khẳng định hiện tại chưa có đủ thông tin để đưa ra khuyến nghị về việc này.
Giới khoa học cũng lo ngại việc khuyến nghị tiêm mũi thứ 3 sẽ làm tình trạng bất bình đẳng về vắc xin trên thế giới thêm trầm trọng.

Tổng Y chức Mỹ, bác sĩ Vivek Murthy, nói việc tiêm nhắc lại đặt ra vấn đề đạo đức vì các nước đang phát triển vẫn thiếu vắc xin. Ông Murthy cũng cho biết hiện tại mục tiêu của Mỹ là giúp các nước còn lại chủng ngừa.

Theo Thanh Niên

thanhnien.vn/the-gioi/vi-sao-pfizer-muon-tiem-vac-xin-covid-19-mui-thu-3-1422476