VECOM tham gia góp ý quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới

Nguyên Hoàng

Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu (Sau gọi là Đề án) được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá là dấu mốc quan trọng trong hoạt động TMĐT qua biên giới.

Từ đầu những năm 2000, Việt Nam đã có những hoạt động mua bán hàng hóa qua Ebay. Tuy nhiên cho tới năm 2015, hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu qua TMĐT mới ngày càng tăng nhanh, nhưng văn bản chính thức của Nhà nước thì chưa có đề cập tới hạng mục xuất nhập khẩu này.

Chính bởi vậy, việc Bộ Tài chính và Tổng Cục Hải quan soạn thảo để chuẩn bị ban hành văn bản này là hết sức cần thiết, và được đánh giá là văn bản quan trọng, định hướng giai đoạn mới cho xuất nhập khẩu.

Cách đây 4 năm, đã có hai chi cục được Tổng cục Hải quan thành lập là chi cục chuyển phát nhanh Nội Bài và chi cục chuyển phát nhanh Tân Sơn Nhất. Hai chi cục được thành lập với nhiệm vụ hỗ trợ thông quan bưu phẩm bưu kiện chuyển phát nhanh.

Tất cả điều này để nói sự nhất thiết của Đề án trong bối cảnh phát triển thị trường hiện nay. VECOM là đơn vị được đề nghị góp ý nội dung dự thảo cho Đề án, và để có thể đưa ra những góp ý tốt nhất, mới đây VECOM đã tổ chức buổi tọa đàm với các doanh nghiệp hội viên để ghi nhận ý kiến góp ý và nhận xét.

Buổi tọa đàm vừa diễn ra tại Hà Nội nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp thương mại điện lớn tại Việt Nam như Ladaza, Kolabay, Fado… hay các đơn vị hoạt động logistics như EMS…

Đã có rất nhiều vấn đề cấp thiết được thảo luận một cách sôi nổi tại buổi tọa đàm lần này. Không chỉ nhấn mạnh sự quan trọng của việc xây dựng Đề án, VECOM cũng đưa ra nhiều góp ý liên quan tới xuất nhập khẩu, thuế, hay định nghĩa nhất quán… nhằm rõ ràng và chi tiết hóa thông tin trong Đề án khi đưa vào thực tiễn.

Đa số doanh nghiệp thường tiếp cận văn bản pháp luật khi được ban hành, điều đó dẫn tới những hệ quá khó khăn trong phát triển kinh doanh, và cũng quá trễ để có thể thay đổi theo hướng phù hợp, chưa kể tới cần rất nhiều thời gian để sửa đổi một Nghị định hay Thông tư được ban hành.

Việc tham gia ngay từ đầu của doanh nghiệp về Đề án liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới này là hết sức quan trọng và cần thiết.

Những góp ý và nhận xét chi tiết sẽ được VECOM đưa ra với mục tiêu hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước sao cho TMĐT tại Việt Nam phát triển trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế.