Vay tiêu dùng phát mệt vì lãi suất
Lãi suất huy động trên thị trường đã tăng mạnh trong những ngày qua - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhiều người vay mua xe, mua nhà đang lo lắng khi lãi suất cho vay tăng nhanh khiến số tiền phải trả gốc và lãi hằng tháng vượt quá khả năng chịu đựng. Lãi suất cho vay tại một số ngân hàng đã lên mức 15 – 16%/năm.

Không biết tăng đến bao giờ?

Anh T.V.Phụng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết khoản vay ngân hàng 400 triệu đồng để mua ô tô chạy Grab vừa được nhân viên ngân hàng báo khoản vay hết hạn ưu đãi, lãi suất được thả nổi theo thị trường nên tăng lên 13%/năm. Nhưng mức lãi suất này chỉ áp dụng trong 3 tháng rồi tăng tiếp.

“Cuối năm 2019, tôi vay mỗi tháng trả gốc 8,5 triệu đồng và lãi là 2,7 triệu đồng. Lãi suất thời điểm vay là 8%/năm. Đến năm 2021, do dịch COVID-19, Hà Nội giãn cách suốt, xe không chạy được nhưng lãi vay vẫn tăng lên 8,5%/năm. Còn đến từ tháng 10 năm nay, tiền trả lãi vay cộng với tiền gốc thì coi như tôi chạy xe chỉ đủ tiền trả ngân hàng” – anh Phụng nói.

Dù đến tháng 1 năm sau mới đến hạn phải trả 500 triệu đồng mua căn hộ, nhưng từ bây giờ chị P.Thanh Huyền (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay đã phải đi tham khảo lãi suất cho vay tại một số ngân hàng.

Cuối tháng 10, ngân hàng báo lãi vay sẽ bằng lãi suất huy động cùng kỳ hạn cộng 3,5 – 4%/năm, như lãi suất huy động 12 tháng là 8,7%/năm thì lãi vay sẽ 12,2 – 12,7%/năm. Đến giữa tháng 11, chị hỏi lại thì lãi vay ghi trên hợp đồng đã lên 15%/năm.

Nhiều người vay mua nhà, mua xe cho biết lo nhất là lãi suất cho vay không biết tăng đến bao giờ vì cuộc đua lãi suất huy động vẫn đang hồi nóng mà ngoài lãi suất thì còn khoản “bia kèm lạc”.

Anh Hữu Vinh (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay hồi giữa năm, khi lãi suất còn rẻ, anh đã thế chấp căn nhà đang ở để vay hơn 2 tỉ mua lô đất ở tỉnh. Vào tháng trước, lãi suất cho vay lên trên 13%/năm và nhân viên tín dụng báo khả năng có thể lên 15%/năm khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất tiếp theo mà đất ở tỉnh lại đứng do ngân hàng siết tín dụng. “Chỉ sợ lãi suất quay lại thời 2009 – 2010”, anh Vinh nói.

Nhiễu thông tin lãi suất huy động

Trong khi lãi suất đầu ra tăng nóng thì lãi suất đầu vào cũng liên tục đi lên.

Techcombank trước đây duy trì mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường, ngang với lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại gốc nhà nước, tuy nhiên gần đây cũng liên tục tăng lãi suất huy động và mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này đã chạm mốc 9%/năm.

Cụ thể, theo biểu lãi suất công bố ngày 15-11, lãi suất huy động VND lên mức cao nhất là 9%/năm ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, đối với kỳ hạn từ 6 – 11 tháng là 8,7%/năm, còn dưới 6 tháng lên 6%/năm. SCB tự phá kỷ lục lãi suất của chính mình khi tặng coupon 0,8%/năm cho khách hàng gửi tiền tại quầy, đưa lãi suất cao nhất lên 9,4%/năm.

Những ngày qua còn xuất hiện nhiều bảng lãi suất “kín” với lãi suất thực trả lên đến 10 – 11%/năm, trưởng đơn vị kinh doanh có thẩm quyền phê duyệt lãi suất cộng thêm đến trên 2%/năm cho kỳ hạn gửi từ 6 tháng.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, cũng có trường hợp dùng “chiêu trò” thu hút khách hàng bằng cách quảng cáo lãi suất cao, từ 10 – 11%/năm, nhưng áp dụng các món tiền 50 – 100 tỉ. Có trường hợp chào lãi suất tiết kiệm cao nhưng khách hàng hỏi thì tư vấn bán trái phiếu, làm nhiễu loạn thông tin thị trường.

Đối tượng chủ yếu chịu tác động là ai?

Theo lãnh đạo một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội, lãi suất cho vay buộc phải tăng lên theo lãi suất huy động vì “nước lên, thuyền lên”. Lãi suất huy động tăng lên mặt bằng mới để ngân hàng giữ ổn định nguồn vốn, người gửi tiền cảm thấy không bị thiệt. Nhưng ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay cũng sẽ phải kiểm soát ở mức độ nào đó vì phải đảm bảo khách vay trả được nợ gốc và lãi.

“Hạn mức tín dụng chắc chắn sẽ được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ trong năm tới. Do đó, ngân hàng sẽ phải lựa chọn những khách hàng tốt để cho vay”, vị lãnh đạo này cho biết.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, lãi suất cho vay tiêu dùng và vay mua nhà hiện đã đẩy lên mức rất cao. Trên khế ước nhận nợ, lãi suất dao động từ 14 – 15%/năm chưa tính thêm khoản “bia kèm lạc”.

Tuy nhiên do “room” gần cạn nên cho vay mới rất ít, chủ yếu lãi suất vay tăng ảnh hưởng đến những khoản vay sau thời gian 3-6 tháng ưu đãi và ngân hàng áp dụng lãi suất thả nổi.

Do “nước lên, thuyền lên” và ngân hàng quy định lấy lãi suất một kỳ hạn cố định cộng với biên độ khoảng 4-5%/năm, do vậy mức lãi suất cho vay mới sẽ gây “sốc” cho người đang có khoản vay vì hiện lãi suất kỳ hạn cố định để làm tham chiếu tính lãi suất cho vay đã được các ngân hàng đẩy lên mức rất cao (nhưng hầu như không huy động kỳ hạn này).

Cộng với biên độ 4-5%/năm thì lãi vay sau ưu đãi sẽ trở thành gánh nặng, thậm chí số tiền phải trả hằng tháng vượt quá sức chịu đựng của người vay trong bối cảnh kiếm tiền rất không dễ như hiện nay.

Theo Tuổi Trẻ