Ứng dụng công nghệ để giám sát quản trị rừng

Mỹ Khánh

Một hệ thống giám sát của các bên ngoài nhà nước đã được xây dựng và bước đầu thử nghiệm tại Việt Nam, bên cạnh các hệ thống giám sát đánh giá quản trị rừng của nhà nước.

Hệ thống Giám sát Quản trị Rừng (gọi tắt là FGMS) do WWF-Việt Nam, RECOFTC và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp xây dựng từ năm 2017 nhằm mục đích bổ sung thông tin, dữ liệu về quản trị rừng cho các hệ thống giám sát – đánh giá sẵn có của Nhà nước.

Đồng thời, hệ thống hướng tới thúc đẩy sự tham gia của các bên ngoài Nhà nước, nâng cao năng lực và chất lượng phối kết hợp trong các hoạt động giám sát, đánh giá quản trị rừng.

Đại diện PanNature cho biết, hệ thống được xây dựng với mục tiêu tới năm 2021, các bên ngoài Nhà nước (các tổ chức xã hội, công ty, hợp tác xã lâm nghiệp và cộng đồng người dân sống dựa vào rừng) có thể tham gia giám sát, đánh giá quản trị rừng, đặc biệt là trong việc thực hiện Hiệp định Đối tác Tự nguyện Thực thi Lâm luật, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT).

Chi trả Dịch vụ Môi trường Rừng (PES) và REDD+, và tham gia một cách hiệu quả vào các quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách lâm nghiệp quốc gia.

“FGMS mang lại cái nhìn khách quan và độc lập về cách vận hành của hệ thống quản trị rừng tại khu vực cảnh quan được lựa chọn và kỳ vọng sẽ nhân rộng ra toàn quốc trong tương lai.”

“Các kết quả giám sát này hàng năm sẽ được phân tích và đúc kết lại thành các đề xuất và góp ý về chính sách để gửi lên cấp trung ương nhằm nâng cao công tác quản trị rừng, góp phần bảo tồn rừng nói chung.”, bà Nguyễn Bích Hằng, WWF-Việt Nam cho biết.

Được phát triển từ khung và nguyên tắc chung về Quản trị Rừng, FGMS được cấu trúc theo quy trình từ chính sách đến thực tiễn và đánh giá kết quả thực hiện quản trị rừng dựa trên sáu nguyên tắc: trách nhiệm giải trình, hiệu quả, hiệu lực, sự công bằng, sự tham gia, và minh bạch.

Trong đó, ba nguyên tắc ưu tiên là sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và đảm bảo công bằng/bình đẳng.

FGMS được xây dựng từ các nguyên tắc chính nổi bật của quản trị rừng, nên bộ công cụ không chỉ cho phép sử dụng với các sáng kiến hiện tại như FLEGT, REDD+ hay PES mà còn có thể vận dụng được với tất cả các sáng kiến mới dựa trên nguyên tắc Quản trị, như Quản lý Rừng Bền vững (SFM).

Ngoài ra, FGMS cũng được thiết kế đủ linh hoạt để cho phép kết hợp hoặc hỗ trợ các sáng kiến giám sát khác của các bên ngoài nhà nước.

“Thay vì một bộ công cụ được thiết kế mới, mang tính áp đặt từ trên xuống, chúng tôi đã cố gắng tận dụng các nguồn lực sẵn có, kết nối kết quả thực hiện từ các hệ thống hiện tại và tập trung vào những hợp phần còn thiếu sót để đóng góp vào hệ thống giám sát – đánh giá quản trị rừng hoàn thiện và tổng thể cho Việt Nam.

Điểm đặc biệt là, FGMS không chỉ là một bộ công cụ mang tính nguyên tắc, dạng danh mục mà nó kết hợp cách tiếp cận thực tế, cho phép các tiêu chí chỉ số có thể được vận dụng linh hoạt tuỳ thuộc vào bối cảnh địa phương.”Bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc PanNature, cho biết.

Để việc thu thập dữ liệu cũng như xử lý thống kê dữ liệu đảm bảo tính đồng nhất với độ chính xác cao, tiết kiệm thời gian và dễ dàng sử dụng, nhóm dự án đã phát triển một ứng dụng di động của FGMS có thể cài đặt và sử dụng cả trên máy tính và điện thoại thông minh, kèm theo Sổ tay hướng dẫn sử dụng.

Đầu năm 2021 ứng dụng này đã được thử nghiệm tại Quảng Nam để thu thập thông tin phục vụ báo cáo giám sát và đánh giá quản trị rừng tại địa phương này.

Dự kiến, ứng dụng sẽ được chuyển giao cho các bên liên quan sử dụng vào cuối năm 2021 sau quá trình thử nghiệm và hoàn thiện việc điều chỉnh.

FGMS được xây dựng trong khuôn khổ Dự án Tiếng nói vì rừng Mê Kông (V4MF) do Liên Minh Châu Âu tài trợ, với mục đích tăng cường tiếng nói của các bên ngoài nhà nước nhằm cải thiện quản trị rừng tại khu vực.