Tuần Lễ Số Quốc Tế Việt Nam 2022: Chuyển đổi vì một xã hội số

PV

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ số muốn phát huy thì cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây

Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam 2022 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 14/10 đã mở ra cơ hội hợp tác cùng phát triển, đồng thời “gỡ khó” những vấn đề còn đang tồn đọng trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam

Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam-VIDW2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức với chủ đề “Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững” diễn ra từ ngày 11-14/10 với sự tham dự của các tổ chức quốc tế: ITU, GSMA, Unicef, Unesco, ILO và World Bank; các đoàn đại biểu ASEAN (Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Singapore, Philippines và Malaysia); các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và EU; các công ty công nghệ số quốc tế: Nokia, Huawei, Samsung, LG, Cisco, Qualcomm, KDDI, Softbank, Redhat, Kaspersky…

Ngay sau khi khai mạc “Tuần lễ Số 2022”, hội nghị Asean bàn thảo phương hướng, lộ trình triển khai 5G đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề về hạ tầng và an ninh thông tin đồng thời vạch rõ việc các nước ASEAN hợp tác cùng xây dựng lộ trình 5G là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới.

Trong buổi hội nghị, các nước Việt Nam – Lào – Hàn Quốc – Nhật Bản đã thảo luận về phương hướng thúc đẩy triển khai 5G và trao đổi các khuyến nghị về lộ trình thực hiện 5G cho Asean trong giai đoạn từ nay đến 2025.

Một trong các phương án giúp thúc đẩy và triển khai 5G tại các nước ASEAN được Nhật Bản và ông Lê Trường Giang (Giám đốc Trung tâm mạng 5G của Tập đoàn Viettel) lựa chọn để triển khai mang tên “Open RAN” (Công nghệ mở).

Đây là kiến trúc mạng thông tin di động cho phép các mạng được tích hợp với nhau sử dụng các phần tử mạng từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, giúp giảm chi phí thiết bị. Công nghệ này khác với Ran vốn chỉ có một vài nhà cung cấp chi phối.

Hơn thế, ngoài tính chất đột phá với các thiết bị từng nhà cung cấp có tính tương thích, công nghệ Open Ran còn giúp tối ưu hóa chi phí đầu tư lên tới 30%, qua đó thúc đẩy sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thế Vinh

Ngày 12/10, các diễn đàn song phương giữa Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Nhật Bản và Việt Nam – Ấn Độ cũng được tổ chức với mục đích giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như truyền cảm hứng giữa các nước.

Tại các diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết thách thức của Việt Nam là duy trì thói quen sử dụng sản phẩm dịch vụ số của người dân; toàn xã hội được tiếp cận một cách bình đẳng, an toàn với mọi dịch vụ thiết yếu trên môi trường số; ứng dụng công nghệ số để giải các bài toán về phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch; thu hẹp khoảng cách phát triển vùng miền…

“Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số và chuyển đổi số trở thành một phương thức phát triển mới của đất nước. Thách thức sắp tới của đất nước là xây dựng và duy trì thói quen sử dụng sản phẩm, dịch vụ số của mỗi người dân và đưa toàn xã hội tiếp cận bình đẳng, an toàn với các dịch vụ trên môi trường số”, trích lời Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng.

Một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số của Việt Nam được đưa ra là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên các nền tảng số và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nền tảng số để cải thiện năng suất, hiệu quả hoạt động. Công nghệ số, chuyển đổi số giúp cải cách hành chính, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ công dễ dàng, thuận tiện hơn, chính quyền gần gũi với người dân. Đó là mục tiêu cơ bản của quá trình chuyển đổi số Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) đã tổ chức Hội nghị vào ngày 13/10 với chủ đề “Phổ cập Hiểu biết số: Nâng cao kỹ năng số cho cộng đồng – Digital Literacy: Digital Skills for the communities.”

Để giải quyết bài toán “Xóa mù” kỹ năng số , đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm nâng cao kỹ năng số cho người dân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ tháng 4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai trương Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ onetouch.mic.gov.vn. Đây là cách tiếp cận mới của Việt Nam trong bồi dưỡng kỹ năng. Cùng với đó, Việt Nam có sáng kiến tổ công nghệ số cộng đồng để đẩy mạnh việc phổ cập kỹ năng số cho người dân.

Tính đến hết tháng 9/2022, nền tảng đã hỗ trợ bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 117.158 lượt cán bộ, công chức, viên chức; phổ cập kỹ năng số cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc với tổng cộng 159.132 lượt truy cập và tham gia khóa tập huấn. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương cũng đã tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại 55/63 tỉnh, thành phố.

Tuần lễ Số quốc tế 2022 đã đem lại hiệu quả và nhiều giá trị tích cực cho các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như thế giới trong công cuộc thúc đẩy và giải quyết các khó khăn còn tồn đọng, mở ra cánh cửa mới trong thời kỳ hội nhập chuyển đổi số.

Đối với Việt Nam, các diễn đàn chuyên đề là nơi để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về chuyển đổi số, công nghiệp số, nâng cao năng lực số, góp phần xây dựng quan hệ đối tác số với nhiều quốc gia trong thời gian tới. Đây cũng là một cơ hội giúp quảng bá và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm thế giới, đồng thời giới thiệu hình ảnh một đất nước Việt Nam phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã có một số sáng kiến để thúc đẩy chuyển đổi số trong phạm vi toàn quốc trên quan điểm toàn dân, toàn diện như tập hợp doanh nghiệp số để xây dựng và đẩy mạnh triển khai hệ thống công nghệ số, nền tảng số; đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số, thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để phát triển kỹ năng số cho người dân.