Đào Anh Tuấn- Phó trưởng Khoa Kinh tế – QTKD, trường đại học Mỏ – Địa chất
Tóm tắt: Quản trị thương mại điện tử (TMĐT) là một chuyên ngành thuộc ngành Quản trị kinh doanh (QTKD), được đào tạo tại Khoa Kinh tế – Quản trị kinh doanh (KT-QTKD) trường đại học Mỏ – Địa chất từ 4 năm nay. Trong quá trình đào tạo, hoạt động truyền thông cho chuyên ngành có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút thí sinh đăng ký vào học chuyên ngành. Dưới góc độ một trường đào tạo kĩ thuật đặc thù, có thể nói nhà trường đã khá thành công trong việc đào tạo và thu hút sinh viên theo học chuyên ngành này. Bài viết khái quát hoạt động đào tạo và truyền thông đã triển khai trong quá trình đào tạo chuyên ngành Quản trị TMĐT tại Khoa KT- QTKD trường đại học Mỏ – Địa chất từ năm 2018 đến nay.
- Khái quát chung về hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại trường đại học Mỏ Địa chất
Xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh số đã và đang diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn để đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Với tốc độ phát triển “nóng” như hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực cho TMĐT ở Việt Nam đang tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của TMĐT, ngay từ năm 2016 Khoa Kinh tế – Quản trị kinh doanh trường đại học Mỏ – Địa chất đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên để chuẩn bị cho việc mở chuyên ngành Quản trị TMĐT thuộc ngành Quản trị kinh doanh. Ngày 29 tháng 6 năm 2018, Hiệu trưởng trường đại học Mỏ – Địa chất chính thức ký quyết định cho phép Khoa KT-QTKD được đào tạo trình độ đại học chính quy chuyên ngành Quản trị TMĐT.
Tính đến năm 2022, đã có hơn 800 sinh viên theo học chuyên ngành Quản trị TMĐT với 4 khóa đào tạo (từ K63 đến K66), số sinh viên học chuyên ngành bình quân hàng năm khoảng hơn 200 sinh viên. Hầu hết các em khi đăng ký vào học ngành Quản trị kinh doanh đều chọn học chuyên ngành Quản trị TMĐT (chiếm trên 60% số sinh viên theo học ngành QTKD)

Cũng như các trường đào tạo về TMĐT khác, hầu hết các em đều tìm được việc làm thêm liên quan đến TMĐT ngay từ năm thứ 3 sau khi bắt đầu vào học các môn chuyên ngành.

Hơn 90% các em khóa đầu tiên (K63) ra trường đã có việc làm đúng chuyên ngành ngay sau khi tốt nghiệp với mức lương giao động từ 6 đến 9 triệu. Đặc biệt có một số
sinh viên đã tự khởi nghiệp ngay từ năm cuối trong các lĩnh vực liên quan đến TMĐT.
Chương trình đào tạo (CTĐT) chuyên ngành Quản trị TMĐT được xây dựng với tổng khối lượng 120 tín chỉ, là sự kết hợp giữa các kiến thức ngành QTKD, kiến thức chuyên ngành quản trị TMĐT và một số môn học bổ trợ kiến thức về công nghệ thông tin.
Ngay từ khi thiết kế CTĐT, với định hướng thực hành kết hợp giữa TMĐT và Digital marketing , chúng tôi đã tích hợp khá nhiều các module thực hành vào các môn học trong CTĐT như:
thực hành quảng cáo trực tuyến (với các nền tảng quảng cáo phổ biến như: Facebook Ads, Google Ads, Tiktok Ads);
thực hành các công cụ SEO (Ahrefs, Moz, Screaming frog …);
thực hành nghiên cứu thị trường điện tử bằng Semrush; thực hành các công cụ nghiên cứu mạng xã hội;
thực hành thiết lập gian hàng trên các sàn giao dịch TMĐT phổ biến;
thực hành kĩ năng đồ họa và video căn bản …
Chính nhờ vậy sinh viên chuyên ngành Quản trị TMĐT khi tốt nghiệp ra trường đã vận dụng được ngay các kiến thức và kĩ năng được trang bị để triển khai các hoạt động TMĐT trong doanh nghiệp.
- Hoạt động truyền thông chuyên ngành quản trị thương mại điện tử
Với đặc thù là một trường đào tạo chuyên sâu về khoa học trái đất và mỏ (các ngành Mỏ, Địa chất, Dầu khí …), hơn thế Quản trị TMĐT lại là một chuyên ngành của ngành QTKD nên làm thế nào để truyền thông rộng rãi cho người học biết đến chuyên ngành Quản trị TMĐT tại trường đại học Mỏ – Địa chất luôn được chúng tôi xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong mỗi mùa tuyển sinh.
Để thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng đề án mở chuyên ngành, chúng tôi đã từng bước triển khai hoạt động truyền thông cho chuyên ngành với 4 nhóm công việc:
Thứ nhất: xây dựng thương hiệu TMĐT HUMG của chuyên ngành đồng thời truyền thông rộng rãi tên chuyên ngành gắn với thương hiệu TMĐT HUMG trên các kênh thông tin của nhà trường như Fanpage, Website của trường và Khoa.
Trọng tâm của các thông điệp truyền thông trong giai đoạn này là giới thiệu rộng rãi về vai trò, lợi ích, xu hướng, cơ hội việc làm … và CTĐT chuyên ngành Quản trị TMĐT của Khoa KT-QTKD.

Thứ hai, triển khai xây dựng đồng thời 3 kênh thông tin trực tuyến của chuyên ngành, gồm: Fanpage, Group và Youtube.
Trong đó Fanpage và kênh Youtube để đưa các thông tin chung về TMĐT, các thông tin về hoạt động đào tạo, các thông tin về các hoạt động của sinh viên chuyên ngành, các thông tin về việc làm trong lĩnh vực TMĐT… Group TMĐT_HUMG được xây dựng riêng cho sinh viên chuyên ngành để đăng tải các kiến thức, kĩ năng, công cụ chuyên sâu về TMĐT.


Thứ ba, bắt đầu từ khóa tuyển sinh đầu tiên (K63) chúng tôi đã xây dựng 1 câu lạc bộ chuyên ngành, tập hợp được rất nhiều em sinh viên tham gia hoạt động với các buổi sinh hoạt chuyên đề về TMĐT từ đó tạo sức lan tỏa cho chuyên ngành.

Thứ tư, vào mỗi mùa tuyển sinh để quảng bá cho chuyên ngành, chúng tôi đã xây dựng các thông điệp truyền thông với nội dung tập trung vào từ khóa “Thương mại điện tử” .
Các thông điệp này được lập kế hoạch để truyền thông trên các kênh trực tuyến giúp người học biết đến Trường đại học Mỏ – Địa chất là một trong những cơ sở đào tạo có nhiều năm kinh nghiệm về đào tạo về TMĐT.

Trong 3 tháng cao điểm của mùa tuyển sinh hàng năm, các chỉ số đo lường kết quả hoạt động của Fanpage chính chuyên ngành đều tăng mạnh.

Kết quả của các hoạt động truyền thông trên đã có tác động rất lớn đến người học, thể hiện qua kết quả tuyển sinh và đăng ký học chuyên ngành Quản trị TMĐT của Trường đại học Mỏ-Địa chất luôn tăng hàng năm theo cấp số nhân, nếu khóa đầu tiên (năm 2018) chỉ có 100 sinh viên theo học chuyên ngành thì đến khóa thứ 4 (năm 2021) đã tăng lên 460 sinh viên đăng ký học chuyên ngành Quản trị TMĐT (hình 1). Đặc biệt hơn nữa, các hoạt động truyền thông cho chuyên ngành chỉ được Khoa KT-QTKD truyền thông trên các kênh trực tuyến, không mất chi phí chạy quảng cáo và các chi phí truyền thông trực tiếp khác.
- Đề xuất
Để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả truyền thông ngành TMĐT ngoài các giải pháp đã nêu trong báo cáo đào tạo nhân lực TMĐT năm 2022, chúng tôi có một số đề xuất sau:
– Ngoài các kênh thông tin đã có, VECOM có thể nghiên cứu xây dựng một Group chung để các doanh nghiệp tập trung đăng tải thông tin về việc làm, các cơ hội thực tập sinh trong lĩnh vực TMĐT, từ đó giúp truyền tải thông tin và kết nối cơ sở đào tạo, sinh viên với doanh nghiệp một các nhanh nhất.
– Đối với hoạt động truyền thông cho đào tạo và tuyển sinh ngành TMĐT, theo kinh nghiệm của chúng tôi, giải pháp truyền thông hiệu quả và bền vững cho các trường mới lập ngành hoặc chuyên ngành đào tạo về TMĐT là tăng cường truyền thông đa kênh, đặc biệt tập trung vào xây dựng các kênh Social phổ biến như: Facebook, Tiktok, Youtube để làm kênh phân phối thông tin về TMĐT đến người học. Xây dựng chiến lược Content marketing về ngành TMĐT với các chủ đề và từ khóa phù hợp trong từng giai đoạn theo mô hình AIDA truyền thống.
– Với các trường có nguồn kinh phí lớn có thể sử dụng KOL Marketing hoặc chạy các chiến dịch quảng cáo về ngành hoặc chuyên ngành vào các tháng cao điểm của mùa tuyển sinh hàng năm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Vecom (2022), Báo cáo đào tạo thương mại điện tử, những bước tiến nổi bật.
[2] Trường đại học Mỏ – Địa chất, kết quả tuyển sinh giai đoạn 2018 – 2021 ngành Quản trị kinh doanh
[3] Các kênh thông tin trực tuyến chuyên ngành Quản trị TMĐT
Fanpage: https://www.facebook.com/QuantriTMDT
Group: https://www.facebook.com/groups/tmdthumg
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCw_mEugQgxL0cNzG0r3x_BA
Website: http://ebm.humg.edu.vn/