Trở thành F0 để tăng đề kháng?
Kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) hỗ trợ tập thở cho bệnh nhân hậu Covid-19 (Ảnh: XUÂN BÌNH)

Không ít người cho rằng sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhẹ, như vậy càng tốt vì sẽ giúp tăng đề kháng của cơ thể cao hơn

ThS-BS Trần Tuấn Thành, Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết không phải ai sau khi mắc Covid-19 cũng có sức đề kháng cao. Ngược lại, nhiều trường hợp phải mất thời gian khá lâu để điều trị hậu Covid-19.

Sẵn sàng trở thành F0?

Chị N.T.L (29 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trở thành F0 bất cứ lúc nào. Theo chị L., do đã được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin ngừa Covid-19 nên nếu mắc bệnh triệu chứng cũng nhẹ nhàng và qua mau.

“Khó có thể tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh vì công việc tôi phải thường xuyên di chuyển, gặp gỡ nhiều người. Nhiều bạn bè của tôi cũng nhiễm bệnh và hầu hết là triệu chứng nhẹ nên tôi nghĩ mắc bệnh luôn cho xong để tăng thêm sức đề kháng cơ thể. Nhiều bạn bè của tôi còn cho rằng F0 khỏi bệnh và đã tiêm đủ mũi là thành F0 bất tử” – chị L. cho biết.

Còn với gia đình anh N.T.A (39 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM), thời điểm ban đầu vợ anh và con trai bị mắc Covid-19. Phải cách ly phòng riêng, tuy nhiên do việc cách ly bất tiện và làm đảo lộn cuộc sống gia đình.

“Đằng nào cũng không thể tránh nguy cơ bị nhiễm bệnh nên tôi và bà xã quyết định không cách ly ở phòng riêng mà vẫn sinh hoạt bình thường trong nhà. Sau đó, tôi cũng nhiễm bệnh nhưng do được tiêm vắc-xin và cấp thuốc sử dụng nên cả gia đình chỉ bị nhẹ và cùng vượt qua Covid-19” – anh A. cho hay.

Song anh A. cho biết thêm dù cả nhà mắc bệnh nhẹ và đã khỏi, cơ thể có tăng đề kháng không thì chưa rõ nhưng có những triệu chứng hậu Covid-19 kèm theo khiến sức khỏe của 2 vợ chồng không còn như trước.

Covid-19 tiềm ẩn trong cơ thể

TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP HCM, cho biết sau tiêm vắc-xin vẫn có xác suất mắc bệnh. Khi trở thành F0 sẽ giống như “quả bom nổ chậm” với những người xung quanh, vì sẽ là nguồn lây, đặc biệt sẽ nguy hiểm đến trẻ dưới 12 tuổi và người lớn tuổi có bệnh nền.

“Những người lớn tuổi mắc bệnh nền khi mắc Covid-19 sẽ không thể nào bảo đảm chắc chắn họ sẽ không trở nặng cho dù họ được tiêm đầy đủ vắc-xin. Còn với trẻ em dưới 12 tuổi, đây là đối tượng hiện chưa được bảo vệ bằng vắc-xin. Do đó, phụ huynh không nên có tư tưởng sẵn sàng để con em trở thành F0 bởi sẽ lây nhiễm cho những người xung quanh” – TS Lan giải thích.

“Với những bệnh lý khác nhiễm virus, sau khi khỏi bệnh là xong. Với Covid-19, virus vẫn tiềm ẩn trong cơ thể. Nghiên cứu đã ghi nhận virus SARS-CoV-2 tồn tại trong cơ thể khoảng 230 ngày. Do đó, một số trường hợp dù lúc mắc bệnh không có biểu hiện gì nhưng lại xuất hiện hậu Covid-19 với các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, khó thở, tiêu chảy, mất ngủ, hồi hộp, nặng ngực…” – TS Lan thông tin.

ThS-BS Trần Tuấn Thành cho biết nhiều F0 có các triệu chứng rất nhẹ. Tuy nhiên họ thường xuyên cảm thấy khó thở, chóng mặt, mệt mỏi, rụng tóc… Hiện mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca sau khi nhiễm Covid-19 đến thăm khám, điều trị hậu Covid-19. Đa số các trường hợp đều có các triệu chứng như mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, chức năng hô hấp kém, tâm lý. Các bệnh nhân mắc các triệu chứng về tâm lý sẽ được các chuyên gia tâm lý hội chẩn và điều trị.

Với các bệnh nhân không bị tâm lý chỉ có các triệu chứng thì tùy vào thể trạng của từng người sẽ có những bài tập riêng như hỗ trợ tập thở với bệnh nhân mắc các triệu chứng về hô hấp, thực hiện các bài tập vận động với sự hỗ trợ của các dụng cụ máy móc với bệnh nhân bị đau nhức xương khớp. Ngoài ra, một số bệnh nhân bị xơ phổi vừa phải hỗ trợ tập thở mà còn phải tập các bài tập phục hồi chức năng để tăng thể tích phổi, cải thiện tuần hoàn hô hấp.

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Đơn vị điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, lưu ý với trẻ em, sau khi khỏi Covid-19 cần theo dõi hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ. Từ 2-6 tuần khỏi bệnh, hội chứng này có thể sẽ xuất hiện và trở nặng. Những trẻ này dễ chuyển nặng và dễ chẩn đoán nhầm vì các triệu chứng thông thường như đau bụng, nôn, ói, sốt, phát ban… Trẻ mắc hội chứng này sẽ có nguy cơ bị tổn thương não, rối loạn đông máu, trụy tim, rối loạn tiêu hóa…

“TP HCM đã bình thường mới nên không thể tránh khỏi giao lưu, tiếp xúc. Mỗi người cần thực hiện nghiêm 5K để hạn chế lây nhiễm cho những đối tượng yếu thế, có nguy cơ.

Theo NLĐ
https://nld.com.vn/suc-khoe/tro-thanh-f0-de-tang-de-khang-20220107204318883.htm