Tốc độ tăng trưởng của các hợp tác xã còn chậm
Thủ tướng và các đại biểu tham quan khu trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu khu vực kinh tế hợp tác và hợp tác xã (Ảnh: chinhphu.vn)

Hợp tác xã được đánh giá là mô hình có thể giúp các hộ kinh doanh sản xuất nhỏ có thể liên kết và cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên cho đến nay, hợp tác xã vẫn chưa thực sự phát huy được tiềm năng của một mô hình mang tính tập thể này.

Thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã hỗ trợ cho gần 6 triệu hộ thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm, xây dựng các liên kết phát triển mới trong nông nghiệp, cùng với các loại hình doanh nghiệp tạo ra diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.

Theo thống kê, số lượng hợp tác xã tăng phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền và đã xuất nhiều mô hình mới. Tính đến hết năm 2018, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã (gần 14.000 hợp tác xã nông nghiệp, 9.005 hợp tác xã phi nông nghiệp), trong đó khoảng 57% tổng số hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, so với các khu vực kinh tế khác, tốc độ tăng trưởng của khu vực này chậm, thiếu ổn định, chưa phát huy được tiềm năng của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đóng góp của khu vực hợp tác xã vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm.

Đây là đánh giá được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về kinh tế tập thể diễn ra ngày 14/10

Hiện nay, mô hình hợp tác xã kiểu mới thành công số lượng chưa lớn, quy mô hợp tác xã còn nhỏ, tính liên kết còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp. Phương thức sản xuất nhỏ lẻ, người dân còn chưa mặn mà, một bộ phận chưa thật tin tưởng, cuốn hút bởi mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này, Thủ tướng cho biết, thể chế pháp luật bảo đảm sự công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của hộ thành viên chưa được tốt, dẫn đến tư tưởng hoài nghi sự minh bạch về chính sách, về hoạt động, về sự an toàn trong môi trường kinh doanh, làm ảnh hưởng sâu đến tâm lý các chủ thể kinh tế.

Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu, ở nhiều cơ quan, địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến hoạt động của hợp tác xã, chưa thấy hết được vai trò của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Tâm lý hoài nghi về khả năng thành công của hợp tác xã còn bị đè nặng bởi sự thất bại của phong trào hợp tác xã kiểu cũ trước đây.

Toàn quốc có 22.861 hợp tác xã (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, vấn đề về quyền tài sản, nhất là đối với đất đai, của các chủ thể phát triển nông thôn (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) chưa được xác định rõ và có các giải pháp xử lý căn cơ, bài bản; còn gây nhiều tranh chấp, xung đột ở nông thôn.

Về quan điểm, định hướng về phát triển kinh tế tập thể, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế tập thể tập hợp các nguồn lực nhỏ, sử dụng có hiệu quả để tạo thành nguồn lực lớn có sức mạnh giúp các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ có thể hợp tác, liên kết phát triển và cạnh tranh hiệu quả với các lực lượng kinh tế lớn.

Nhờ đó, các xã viên, các hộ kinh tế nhỏ vững vàng hơn trước các biến động của thị trường, thiên tai và dịch bệnh, làm tiền đề cho các hộ cá thể liên kết sản xuất lớn, nâng cao năng lực và năng suất lao động.

“8,6 triệu hộ nông dân, trên 10 triệu ha đất, hàng triệu mảnh ruộng, vậy mà không hợp tác thì làm sao chống chọi được trong nền kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh”, Thủ tướng nói.

Việt Nam cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trong nước, những mô hình thành công. Các giá trị trung tâm cần phải có là “tầm nhìn dài hạn, lợi ích chia sẻ bền vững giữa thành viên hợp tác xã – người lao động – khách hàng – người tiêu dùng – đối tác, và đổi mới sáng tạo” trên nền tảng tổ chức quản trị hiện đại theo cơ chế thị trường.

Cho rằng hợp tác xã cần sự hỗ trợ ban đầu khi còn khó khăn, thế nhưng Thủ tướng nêu rõ, “không phải trở lại tinh thần bao cấp cho hợp tác xã, càng bao cấp càng không thành công”.

Phát triển kinh tế tập thể phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức hợp tác xã và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và của cả nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển HTX, tổ hợp tác. Liên kết, hợp tác phát triển với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp, coi đây là phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng lực công nghệ và giải quyết các vấn đề thị trường cho nông nghiệp, nông dân trong giai đoạn phát triển tới.

Rà lại các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, chính sách đất đai, chính sách tài chính- tín dụng, chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng…, xem những gì có thể sửa để tạo thuận lợi hơn cho kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển.

PV