Tiền có “vào như nước” khi kinh doanh nước sạch?

Lê Thanh Dung

Dự báo đến năm 2020 dân số đô thị nước ta đạt 44 triệu người, nhu cầu cấp nước sinh hoạt đô thị cũng tăng lên 9,4-9,6 triệu m3/ngày.

Theo đó, nhu cầu vốn để xây các nhà máy nước mới, cải thiện hệ thống nước hiện hữu và các nhu cầu khác vào khoảng 3,3 tỷ USD; nguồn vốn để đầu tư thêm các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trong 5 năm tới cần đến 6,9 tỷ USD.

Các công ty kinh doanh nước sạch trong năm 2018 khả quan với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng. Hầu hết các doanh nghiệp ngành nước đang có biên lợi nhuận gộp khá hấp dẫn, ở mức trên dưới 30-40%.

Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 với doanh thu tăng 2,3% so với cùng kỳ, đạt 641,7 tỷ đồng; lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 243 tỷ đồng, tăng 10%.

Vốn lớn, thu hồi chậm

Ngoài Biwase, những doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng trên 100% về lợi nhuận trong khi doanh thu chỉ ghi nhận dưới 10% trong kỳ vừa qua là: Cấp nước Bến Thành (BTW), Cấp nước Vĩnh Long (VLW), Cấp nước Hà Tĩnh (HTW), Cấp nước Thanh Hóa (THN)…

Triển vọng hấp dẫn của ngành kinh doanh nước sạch đã và đang thu hút khá nhiều doanh nghiệp lao vào ngành này, như Gelex đầu tư trên 50% vốn Nước sạch Sông Đà (Viwasupco – VCW), REE nâng tỉ lệ sở hữu tại nước Khánh Hòa lên 45,85%….

Tuy nhiên, do đặc thù xuất phát điểm là đơn vị kinh doanh của nhà nước, giới hạn về khu vực và quy mô tài sản, nguồn vốn khá nhỏ, lại chịu sự quản lý chặt về giá… nên doanh thu và lợi nhuận của các công ty cấp nước khó tạo ra đột biến.

Mặt khác, đầu tư hệ thống nước sạch cho vùng nông thôn rất tốn kém, bởi các hộ gia đình thường ở xa nhau nên đường ống dẫn nước phải kéo dài. Vốn bỏ ra lớn, khả năng thu hồi chậm, lợi nhuận thấp, lại chưa có chính sách ưu đãi đi kèm.

Vì vậy, trong nhiều năm qua, các công ty này thường không phải là địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư.

Bởi lâu nay đầu tư ngành nước được ví như chuyện “con gà và quả trứng”.  Theo như chia sẻ của ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII), nhà đầu tư gặp rủi ro khi bỏ vốn để phát triển mạng lưới ống nước nhưng không có người sử dụng, còn ở nơi có người dùng rồi mới đưa hệ thống tới thì rủi ro là người sử dụng không từ bỏ hệ thống hiện tại để chuyển sang hệ thống mới.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân nên vấn đề tiêu thụ, đầu ra không thiếu. Vì vậy, lợi nhuận của ngành này luôn ổn định, nếu doanh nghiệp xác định đầu tư lâu dài.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, trong ngành cấp nước, ẩn số lớn mà nhà đầu tư đang trong quá trình nghiên cứu là giá thành và thất thoát. Hai ẩn số này tác động trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp.

Còn theo ông Trương Khắc Hoành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water), thống kê sau hơn 2 năm đầu tư các giải pháp cấp nước, tổng số vốn bỏ ra đã hơn 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, người sử dụng nước còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Điều đáng nói là trong số hơn 70.000 đồng hồ nước lắp đặt đến tận nhà dân thì có đến 36.000 đồng hồ không sử dụng nước liên tục trong 6 tháng, chiếm tỷ lệ 51%.

Rủi ro từ xâm nhập mặn

Ngoài ra,  rủi ro còn đến với các doanh nghiệp gia nhập ngành nước sạch là  tình trạng xâm nhập mặn, vùng nước ô nhiễm, mà các yếu tố này nằm ngoài kiểm soát của các nhà máy nước.

Theo ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT Nhựa Đồng Nai, nếu chọn đặt nhà máy sai vị trí hoặc ham suất đầu tư rẻ để đặt nhà máy gần vùng tiêu thụ mà không tính đến vùng sản xuất công nghiệp gần kề thì rủi ro khó lường, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Do đó, Nhựa Đồng Nai luôn yêu cầu chính quyền sở tại cam kết vùng cấp nước là an toàn mới tiến hành xây dựng nhà máy. Nhựa Đồng Nai cũng đầu tư công nghệ tiên tiến để phòng chống việc tăng độ mặn bất thường của vùng nước.

Còn chiến lược đầu tư của  Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) là tìm cách mua cổ phần chi phối ở các công ty sản xuất nước sạch đã hoạt động ổn định và đã được quy hoạch vùng nước an toàn. REE cũng tính toán đầu tư vào công ty có mạng lưới hạ tầng nước bán đến từng hộ gia đình để tăng doanh thu và lợi nhuận.

Tuy nhiên, REE chủ yếu hướng đến các công ty hoạt động ở vùng ven thành phố hoặc các tỉnh – nơi mà đường ống dẫn nước mới xây dựng, dễ kiểm soát tỷ lệ thất thoát nước.

Tương tự, Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) cũng hướng các nguồn lực đầu tư mạng lưới phân phối nước sạch ở các tỉnh hoặc vùng ven TP HCM như Củ Chi.

Những khó khăn khi khối tư nhân đầu tư ngành nước từng xảy ra trong quá khứ khi một công ty tư nhân đầu tư nhà máy nước có quy mô lớn ở một địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nhưng đến khi dự án hoàn thành thì việc đấu nối vào hệ thống phân phối của doanh nghiệp cấp nước địa phương xảy ra trục trặc, thậm chí giá bao tiêu từ phía doanh nghiệp địa phương khá thấp so với cam kết ban đầu, đó là lý do khiến nhà máy chậm vận hành và nhà đầu tư chịu thiệt.