Tiềm năng phát triển nông nghiệp Lâm Đồng
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, có nhiều loại nông sản ngon, sạch, tốt cho sức khỏe được người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ những năm 2000 trở lại đây, với việc phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp công nghệ cao, ngoài những loài cây bản địa như cà phê và một số loại rau thông thường, đến nay, Lâm Đồng đã có hàng ngàn chủng loại nông sản khác nhau cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tổng quát về nông nghiệp Lâm Đồng

Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 978.334 ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản là 369.594 ha. Cơ cấu ngành nông, lâm, thủy, ngành nông nghiệp chiếm 98,3%, lâm nghiệp 0,72%, thủy sản 0,98%.

Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp: trồng trọt 80,8%; chăn nuôi 15,5%; dịch vụ 3,7%. Hàng năm, lĩnh vực nông, lâm thuỷ sản đóng góp 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và khoảng 45 – 47% tổng sản phẩm của toàn tỉnh (GRDP).

Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là những loại nông sản có ưu thế như rau, hoa cao cấp có nguồn gốc ôn đới và nhiệt đới, cây công nghiệp dài ngày, bò sữa, cá nước lạnh.

Đặc biệt, do được thiên nhiên ưu đãi, Lâm Đồng có thể sản xuất ra những nông sản có chất lượng, giá trị cao, đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và trên thế giới như cà phê Arabica, Chè Cầu Đất, rau hoa Đà Lạt…

Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt về điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp

Vùng chuyên canh rau, tập trung ở khu vực có độ cao từ 800 – trên 1.500m, diện tích canh tác khoảng 20.650 ha, trong đó có 19.700 ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (UDNNCNC), diện tích gieo trồng năm 2018 đạt hơn 67.000 ha với 2,378 triệu tấn.

Tổng sản lượng rau các loại qua sơ chế trước khi đưa đi tiêu thụ đạt khoảng 1.350.000 tấn, chiếm 56,8% tổng sản lượng, rau chế biến khoảng 340.000 tấn nguyên liệu.

Thị trường tiêu thụ trong nước: 2.131.500 tấn, chiếm 89,6% trong đó các tỉnh Đông nam bộ 60-63%; miền Tây 12-15%; các tỉnh Miền Trung 12-15% và Hà Nội 7-10%.

Thị trường xuất khẩu: 247.800 tấn nguyên liệu, chiếm 10,4% tổng sản lượng, xuất khẩu chủ yếu tại Đông Á 80%, Châu Âu 10% còn lại Đông Nam Á và Châu Úc.

Vùng chuyên canh hoa: diện tích canh tác 4.021 ha, diện tích UDNNCNC: 3.800 ha, với 8.651 ha gieo trồng, sản lượng hơn 3,358 tỷ cành.

Thị trường tiêu thụ trong nước: khoảng 3 tỷ cành, chiếm 89,6%, chủ yếu tiêu thụ tại các thành phố lớn như Nha Trang, Đà Nẵng, các tỉnh miền Đông Nam bộ, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; trong đó thị trường tiêu thụ số lượng hoa lớn nhất là thành phố Hồ Chí Minh.

Thị trường xuất khẩu: 350 triệu cành, chiếm 10,4%, thị trường chính là Đông Á 75%, Châu Âu 13% còn lại là các khu vực khác.

Vùng chuyên canh chè: diện tích 12.700 ha, trong đó 6.335 ha UDNNCNC, sản lượng hơn 150.000 tấn chè búp tươi. Về sản phẩm chế biến cũng khá đa dạng, bao gồm: chè Ô long, chè xanh viên, chè đen, chè xanh ướp hương và chè xanh sơ chế.

Thị trường tiêu thụ trong nước: 20.000 tấn (trà thành phẩm) chiếm 57%, chủ yếu tại các tỉnh miền Tây, miền Trung, Đông Nam Bộ.

Thị trường xuất khẩu: khoảng 15.000 tấn thành phẩm và bán thành phẩm chiếm 43% so với tổng sản lượng, trong đó, thị trường chủ yếu Trung Đông gần 80%, Đông Á (chủ yếu Đài Loan), 15% còn lại Đông Nam Á và Châu Mỹ.

Đồi chè Cầu Đất có tuổi đời gần 100 tuổi xanh bạt ngàn với không khí trong lành là vùng sản xuất, chế biến trà nổi tiếng của Đà Lạt

Vùng chuyên canh cà phê: diện tích 174.390 ha, UDCNC: 20.800 ha, trong đó có 162.155 ha cho thu hoạch, sản lượng: 507.732 tấn. Thị trường xuất khẩu trực tiếp qua các doanh nghiệp của tỉnh: khoảng 112.000 tấn, chiếm tỷ lệ 22%, trong đó Châu Âu 60%, Nam Á 12%, Đông Á 11%. Tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp nước ngoài (Nestle, Louis Dreyfus, Olam,…) và trong nước: 395.782 tấn, chiếm tỷ lệ 78%.

Cây ăn trái: Diện tích cây ăn quả các loại đạt 17.314,7 ha, chủ yếu trồng xen trong vườn cây cà phê; điều, …. Cụ thể một số cây ăn quả như: Cây sầu riêng (khoảng 8.000 ha), cây bơ (5.500 ha), chanh dây (1.300 ha)…

Đa số trái cây Lâm Đồng tiêu thụ trong nước, riêng trái sầu riêng được các vựa, thương lái thu mua xuất đi Trung Quốc. Khoảng 15-20% sản lượng trái cây được chế biến dưới dạng nước cốt, sấy khô…

Cây dược liệu: Diện tích dược liệu khoảng 500 ha, chủ yếu là atiso, đương quy, đan sâm, diệp hạ châu, đinh lăng, chè dây, nhân trần,… Trên địa bàn tỉnh hiện có 59 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu các loại với sản lượng khoảng 3.368 tấn, trong đó có 43 cơ sở chế biến atiso, 09 cơ sở đông trùng hạ thảo, nấm linh chi và 07 cơ sở dược liệu các loại (đương quy, đan sâm,…)

Ngoài ra, một số loại cây trồng khác như lúa 28.918 ha sản lượng 158.347 tấn, cây điều 28.464 ha, sản lượng 7.469 tấn; cây dâu 6.775 ha, sản lượng 100.811 tấn; cây mắc ca 3.631 ha, sản lượng 1.022 tấn….

Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc 596.154 con, trong đó: đàn bò 106.489 con; đàn trâu 14.958 con, đàn heo 460.200 con, đàn gia cầm 5,98 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 100.903 tấn, tăng 6,9%; sản lượng sữa tươi 76.978 tấn, tăng 2%; trứng gia cầm 255.296 triệu quả, tăng 3,2%.

Riêng chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 20.020 con, sản lượng: 77.416 tấn/năm; cung cấp cho các công ty trong nước bao gồm: Vinamilk 76,8%; Đà Lạt milk 9,4%; cô gái Hà Lan 12,7%, còn lại tiêu thụ nội tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 148 chuỗi giá trị với sự tham gia liên kết của 90 doanh nghiệp, 56 HTX; 2 THT và 10.661,5 hộ nông dân.

Phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 75 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm.

Các sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi của tỉnh, đặc biệt đối với các sản phẩm rau, củ quả tươi tiêu thụ tại các thị trường cao cấp có tăng giá trị sản phẩm cao hơn 20 – 25%.

Các đơn vị sản xuất, sơ chế, chế biến tham gia mô hình chuỗi sản xuất đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đã thực hiện tốt mối liên kết giữa người sản xuất với nhà sơ chế, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Kết quả phân tích mẫu các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đều đạt yêu cầu theo quy định.

Các cơ sở sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm của Lâm Đồng đã đạt hiệu quả rất lớn 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm tiêu thụ tăng nhanh và ổn định.

Một số cơ sở đã có thương hiệu lớn trong ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm, là lá cờ đầu trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản và kết nối các hộ nông dân của tỉnh.

Về con người: với truyền thống sản xuất, canh tác lâu đời và bản tính cần cù, siêng học hỏi, nông dân Lâm Đồng đa phần có trình độ canh tác khá cao, cộng với việc phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như doanh nghiệp FDI, những năm gần đây đã góp phần nâng cao hơn nữa trình độ sản xuất và nhận thức của người dân.

Ngày nay, đến Lâm Đồng có thể dễ dàng bắt gặp những người nông dân thời “@”, ngồi uống cà phê và theo dõi, điều khiển, chăm sóc cây trồng qua các thiết bị thông minh.

Về chính sách phát triển: Chính quyền Lâm Đồng đã xác định phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao là giải pháp chủ đạo để phát triển kinh tế xã hội, đến nay nông nghiệp vẫn chiếm khoảng 45 – 47% tổng sản phẩm toàn tỉnh.

Do đó hàng loạt cơ chế chính sách đã được ban hành để thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách về thuế nhập khẩu trang thiết bị, ưu đãi tín dụng, đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối đầu tư…

Trên địa bàn cũng đã đang xây dựng 02 khu nông nghiệp công nghệ cao tầm cỡ gồm: Khu Nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt, Khu Công nghiệp nông nghiệp Tân Phú và 07 khu sản xuất tập trung, 19 vùng nông nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư.

Trong năm 2020, Lâm Đồng là tỉnh tiếp tục dẫn đầu cả nước trong sản xuất nông nghiệp ứng công nghệ cao, góp phần đưa giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha.

Việc xây dựng thương hiệu nông sản “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được chú trọng, đây là điều kiện đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và du lịch địa phương như rau, hoa, cà phê Arabica, du lịch canh nông được cấp nhãn độc quyền “Đà Lạt – kết tinh từ đất lành kỳ diệu”.

Sản xuất theo chuỗi, liên kết, hợp tác sản xuất ngày càng đa dạng về hình thức, mở rộng đối tượng tham gia, đem lại hiệu quả tích cực. Từ đó, tốc độ tăng trưởng

ngành Nông nghiệp vẫn duy trì mức độ tăng trưởng khá với 4,4%, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế tỉnh Lâm Đồng.

Viết Cương (tổng hợp)