Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học trên nền tảng kinh doanh số- Ứng dụng tại trường ĐH Công nghệ Thông tin, ĐHQG HCM

ThS. Trình Trọng Tín

Trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQGHCM

Tóm tắt:

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng sản phẩm công nghệ vào trong đời sống là giải pháp giúp tăng trưởng nền kinh tế. Bài viết phân tích các vấn đề còn tồn động của việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại các trường đại học tại Việt Nam. Ứng dụng các giải pháp của Thương mại điện tử để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học tại trường ĐH CNTT trên các nền tảng kinh doanh số trong đó tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng như thiếu về vốn, không có thị trường, sai nhu cầu khách hàng, không làm các hoạt động marketing

1-Tổng quan

Trong khó khăn chung của đại dịch COVID năm 2021, ngành Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh và ổn định. Theo Báo cáo chỉ số TMĐT 2022 [1], ước tính lĩnh vực này tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD.

Đi cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, đó là cơ hội để thúc đẩy việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học trên các nền tảng kinh doanh số. Giúp cho các nhà khoa học tiếp cận dễ hơn đến nguồn vốn, đến khách hàng tiềm năng, từ đó tạo ra nguồn thu nhập từ việc bán các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Bài báo đưa ra những vấn đề còn tồn đọng trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, đề xuất giải pháp để thương mại hóa được các kết quả nghiên cứu trên các phương diện giải pháp gọi vốn thông qua nền tảng cộng đồng, định hướng cách đóng gói kết quả nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm số, đề xuất các thị trường số tiềm năng phù hợp và các nền tảng tiếp thị số để đưa được sản phẩm đến thị trường tiêu thụ.

2.Những khó khăn trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại các trường Đại học Việt Nam.

Khi xem xét các công trình nghiên cứu khoa học như là một dự án khởi nghiệp. Thống kê của CBInsights[1] dựa trên việc khảo sát 101 các dự án khởi nghiệp thất bại cho thấy 35% vì tạo ra các sản phẩm không đáp ứng nhu cầu của khách hàng, 38% vì thiếu vốn, 14% vì các thành viên trong đội không hiểu nhau, 20% vì thiếu lợi thế cạnh tranh, 15% liên quan đến giá bán sản phẩm không hợp lý, 8% sản phẩm không thân thiện với người dùng, 19% thiếu mô hình kinh doanh, 14% chiến lược marketing không hiệu quả cùng các vấn đề khác như không gọi được vốn, gặp rắc rối về mặt pháp lý cùng nhiều lý do khác.

Các công trình nghiên cứu trong nước của tác giả Hồ Ngọc Luật [4], Đỗ Hương Lan [6] đã cho thấy những khó khăn trong việc đưa sản phẩm công nghệ từ các trường đại học Việt Nam vào doanh nghiệp, trong đó đề cập đến các lý do như mối liên kết giữa đại học , nhà nước và địa phương chưa chặt chẽ niềm tin của doanh nghiệp vào kết quả nghiên cứu của nhà trường còn thấp, thiếu các văn phòng chuyển giao công nghệ (TLO),thiếu sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, các trường đại học / viện nghiên cứu chưa quan tâm đến đứa con công nghệ của mình.

3.Giải pháp thương mại hóa trên nền tảng số

Bài viết tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng tại mục 2 như sản phẩm tạo ra không đúng nhu cầu, thiếu vốn ở giai đoạn khởi đầu, đề xuất các thị trường tiềm năng để kinh doanh và các phương thức tiếp thị trực tuyến mới nhằm đưa khách hàng đến với sản phẩm.

3.1 Nghiên cứu về sản phẩm

Để đơn giản hóa công việc kinh doanh trên nền tảng số, các trường đại học nên lựa chọn các sản phẩm có thể số hóa. Việc kinh doanh các sản phẩm số sẽ khắc phục được sự thiếu hụt kinh nghiệm trong vận hành một mô hình thương mại điện tử, như nhập hàng, lưu kho, phân phối, thanh lý hàng tồn, bảo hành,. Các nhà nghiên cứu sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào việc nghiên cứu khoa học của mình, khắc phục được rào cản về mặt phân phối sản phẩm, chi phí vận chuyển đóng gói và các thủ tục hải quan, giao nhận tức thì và mở rộng việc kinh doanh xuyên biên giới.

Tại Trường ĐH CNTT, một số sản phẩm phù hợp để số hóa như là phần mềm ứng dụng / trò chơi trên các nền tảng desktop, di động, website, các công trình nghiên cứu cũng có thể đóng gói lại thành một tập bài giảng để kinh doanh qua các cổng dạy học trực tuyến.Các sản phẩm nghiên cứu ở dạng thuật toán, cần được đóng gói thành sản phẩm hoàn chỉnh, trước khi có thể tiến hành kinh doanh.

Nhằm giảm sự cạnh tranh cho sản phẩm, chúng ta nên chú trọng khâu R&D để luôn cập nhật bổ sung các chức năng mới.

3.2 Nghiên cứu về nhu cầu khách hàng

Để bán được sản phẩm, các nhóm nghiên cứu tại các trường đại học cần xác định đúng khách hàng mục tiêu, nhu cầu khách hàng, định hướng lựa chọn sản phẩm phù hợp với khách hàng.

Ví dụ: một nhà bán hàng cần chạy một chiến dịch email marketing trực tiếp từ điện thoại di động của mình thay vì sử dụng máy tính, khách hàng sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra chi trả cho sự tiện lợi của ứng dụng mang lại..

3.3 Tiếp cận nguồn vốn thông qua các nền tảng gọi vốn cộng đồng (crowfunding)

Kickstarter là một nền tảng cho phép nhà phát minh có thể gọi vốn thông qua cộng đồng.  Số liệu thống kê tại Kickstarter[2]  hơn 6.8 tỷ đô đã được cam kết và 226.211 dự án đã được gây quỹ thành công. Dự án đưa lên Kickstarter không giới hạn về quy mô, có thể chỉ là một ý tưởng, một công thức nấu ăn hoặc một mẫu thiết kế quần áo.

Khi tạo mới một dự án, bạn cần chọn vốn đầu tư và thời gian gây quỹ (30-40 ngày). Tất cả mọi người có thể tham gia tài trợ để đổi lấy một phần thưởng hoặc ưu đãi sau khi dự án đã phát triển thành công. Từ tháng 8 – 9/2015, Leo Trieu – nhà sáng lập Code4Startup (chuyên về các khóa học lập trình trực tuyến) đã gọi vốn thành công hơn 32.000USD trên Kickstarter, trong khi mục tiêu chỉ là 2.000USD.

Indiegoo là một nền tảng phổ biến khác để huy động vốn cho các dự án khởi nghiệp, điểm khác biệt của Indiegoo so với Kickstarter là ở cho phép đặt mục tiêu huy động vốn linh hoạt (flexible goal), Indiegoo hỗ trợ 200 quốc gia trên toàn thế giới, và phù hợp hơn cho các dự án khởi nghiệp trên thế giới. Trong tình huống, dự án không huy động đủ mục tiêu đề ra, thì các nhà sáng chế vẫn được phép sử dụng số tiền hiện có để thực hiện dự án.

Sonny Vũ, cựu founder của dự án đồng hồ thông minh Misfit Wearables, trong tháng 7/2020 đã tiến hành gọi vốn dự án mới nhất của anh về xe đạp Superstrata Bike[3] với chất liệu siêu nhẹ được làm từ sợi carbon với tổng số tiền đã gây quỹ được xấp xỉ 7,2 triệu đô la tính tới ngày 11/10/2020 (dự án đã kết thúc quá trình gọi vốn).

Ngày nay các quỹ đầu tư chỉ ưu tiên cho các dự án đã có sản phẩm và bắt đầu có doanh thu, việc gọi vốn cho các dự án ở giai đoạn ý tưởng rất khó khăn. Các nền tảng gây quỹ cộng động như Kickstarter hoặc Indiegoo là những sự lựa chọn tốt dành cho các nhóm sinh viên, các nhóm nghiên cứu có mong muốn khởi nghiệp.

3.4. Các sàn thương mại trực tuyến để kinh doanh sản phẩm

Kinh doanh trên các cửa hàng ứng dụng cho thiết bị di động

Kinh doanh ứng dụng di động đang là một xu hướng trong nhiều năm trở lại đây. Thống kê trong Quý 1/2020 của SensorTower, lượt download app đạt 33.6 tỷ lượt tải, trong đó có 9.6 tỷ lượt tải từ AppStore và  24.3 tỷ lượt tải từ PlayStore. Với doanh thu tính đến cuối năm 2018 xấp xỉ 71.3 tỷ đô.

Quy mô thị trường rộng lớn và bao phủ toàn bộ thị trường smartphone toàn cầu. Startup Việt đã từng chứng kiến một dự án Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông vào năm 2014, tựa game tạo ra khoảng 50.000 USD mỗi ngày và khoảng 3 triệu USD từ quảng cáo trong game.

Theo SensorTower, các danh mục có lượt download nhiều nhất lần lượt là Trò chơi (2.97 tỷ lượt), Hình ảnh và Video (665 triệu lượt), Giải trí (662 triệu lượt), Tiện ích (553 triệu lượt), Mạng xã hội (484 triệu lượt).

Để tiến hành kinh doanh trên cửa hàng ứng dụng, các công trình nghiên cứu cần được đóng gói thành các ứng dụng trên mobile. Đăng tải lên cửa hàng AppStore, PlayStore. Các bạn chỉ cần làm khâu tiếp thị để kéo khách hàng về tải app là sẽ có đơn hàng.

Các ngách hàng có thể kinh doanh phổ biến như Thương mại điện tử, Tài chính, Ngân hàng.

Với quy trình đăng sản phẩm lên sàn đơn giản, các phương thức thanh toán điện tử đã được hoàn thiện và có thể rút tiền về Việt Nam, kinh doanh app đang là một nghề được rất nhiều bạn trẻ chọn để khởi nghiệp.

Đứng ở góc nhìn của trường ĐH CNTT, nhà trường có thể đầu tư trọng điểm 1 nhóm chuyên phát triển các app cho tất cả những hướng nghiên cứu trong trường.

– Doanh thu về quảng cáo: đây là mô hình doanh thu phổ biến được lựa chọn hiện nay, cho các sàn mobile app như Play Store, App Store, thay vì bán phần mềm chúng ta chỉ cần hiện thị quảng cáo cho người dùng. Các app phổ biến liên quan trong lĩnh vực này là các app Đọc Truyện, Đọc truyện tranh, Youtube, Mp3 Zing. Quảng cáo có thể là hình ảnh, banner, game yêu cầu tương tác, video quảng cáo thương hiệu.

– Doanh thu subscription: Bão công nghệ (sc.edu.vn): giải pháp đang được 2005 trường mầm non đang sử dụng, Thu phí 25.000đ trên học viên.

Kinh doanh trên các hệ sinh thái của các nền tảng xây dựng hệ thống TMĐT

Cùng với sự tăng trường của TMĐT sau đại dịch Covid 19, ngày càng có nhiều cửa hàng trực tuyến được khởi tạo, tính đến ngày 20/7/2020, Haravan đã có hơn 50.000 cửa hàng trực tuyến được khởi tạo. Còn tại Shopify nền tảng khởi tạo Ecommerce lớn nhất thế giới tính tới 6/2019 đã có 820.000 nhà bán hàng, với 500.000 cửa hàng trực tuyến đang hoạt động. Nền tảng Cửa hàng trực tuyến mã nguồn mở WooCommerce của WordPress với hơn 1tr người dùng trên toàn thế giới.

Bí quyết giữ khách hàng của các nền tảng TMĐT này phát triển 1 hệ sinh thái gồm giao diện website (Themes) và các plugins tùy chỉnh, hỗ trợ các bên nhà phát triển của bên thứ 3 tham gia phát triển. Shopify nổi tiếng với các bộ plugins để phát triển việc kinh doanh mô hình dropship và in ấn theo yêu cầu (POD), đây cũng là những bộ plugins độc quyền của Shopify, chính vì lý do khách hàng ở lại với Shopify và không chuyển sang sử dụng các nền tảng khác với giá thấp hơn.

Tương tự Haravan cũng có những giải pháp độc quyền như HaraFunnel để chăm sóc khách hàng trên nền tảng mạng xã hội, tích hợp các phương thức thanh toán mới nhất của Việt Nam như quét mã vạch QR code (Momo, ZaloPay), thanh toán tại các cổng thanh toán nổi tiếng như SmartLink, VTCPay,…

Các nhóm nghiên cứu có thể tạo ra các plugin tùy chỉnh phù hợp với một ngành hàng, một mô hình kinh doanh, xây dựng bộ giao diện themes, templates để bán tại đây.

Bên cạnh các Ecommerce platform, thì các CRM platform (SalesForces, Zoho), ERP (ODOO đều có cho mình những hệ sinh thái chuyên biệt.

Xây dựng chiến lược Tiếp thị

Xây dựng chiến lược tiếp thị tổng thể, dài hạn để đưa khách hàng đến với website. Sai lầm lớn nhất của các nhà nghiên cứu là thường quá tự tin vào sản phẩm của chính mình, không tập trung vào marketing dẫn đến doanh số bán ra rất thấp vì không có khách hàng.

Thống kê từ Hubspot 2020[4] cho thấy các nền tảng tiếp thị trực tuyến dẫn đầu.

  • Quảng cáo tìm kiếm: Google
  • Sàn TMĐT: Amazon (US), Shoppee (VN)
  • Mạng xã hội: Facebook, Instagram, Tiktok
    Video: Youtube
  • Tiếp thị thông qua email

Các bạn cần phải luôn cập nhật các xu hướng tiếp thị mới của thị trường ví dụ như Tiktok. Việc chọn sai nền tảng, xác định sai tập khách hàng, có thể dẫn đến tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng thấp.

Hoạt động tiếp thị trong thời kỳ số đòi hỏi chúng ta phải hiểu được nhu cầu của khách hàng và hành trình của khách hàng. Ví dụ về hành trình khách hàng, khách hàng có thể thấy tin quảng cáo trên Facebook, kiểm tra uy tín của người bán tại Website và đặt hàng trên điện thoại di thông thông qua App bán hàng.. Vì vậy bên cạnh chạy quảng cáo Facebook Ads, ta cũng cần phải xây dựng Website thương hiệu để tăng niềm tin cho khách hàng.

Khi lên kế hoạch tiếp thị cho ứng dụng theo dõi giá của Bitcoin, chúng ta chỉ cần rao lại tin trên các Facebook Group chuyên chia sẻ về Bitcoin thì sẽ có đơn hàng.

Các ứng dụng triển khai theo mô hình dịch vụ thu phí định kỳ (SAAS) cách tiếp thị chủ yếu vẫn là xây dựng được một sản phẩm dịch vụ, cung cấp cho khách hàng dùng miễn phí (nhưng giới hạn tính năng), tổ chức Workshop sau khi đã có nhiều case study để giới thiệu về sản phẩm.

Kết luận:

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học là một hoạt động phức tạp, đối với từng sản phẩm cụ thể trong từng ngành hàng sẽ có chiến lược phát triển sản phẩm, xác định thị trường mục tiêu, xây dựng chiến lược tiếp thị và bán hàng khác nhau. Bài báo đưa ra một số góc nhìn khác về cách ứng dụng các giải pháp trên nền tảng kinh doanh số để giải quyết một số bài toán quan trọng như thiếu về vốn, không có thị trường, sai nhu cầu khách hàng, không làm các hoạt động marketing.


Tài liệu tham khảo:

[1] Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022

[2] Efraim, T., et al. (2018) Electronic Commerce: A Managerial and Social Networks Perspective, Springer

[3] Philip, K., et al. (2016) Marketing 4.0 Moving from Traditional to Digital, Wiley

[4] Hồ Ngọc Luật, Nguyễn Thị Kha (2015), “Thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ trường đại học vào doanh nghiệp ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”, JSTPM

[5] Lê Thị Ái Lâm, Nguyễn Hồng Nga (2019), “Thương mại hóa sản phầm khoa học và công nghệ của các trường đại học Nhật Bản”, Tạp chí KH-XH Việt Nam

[6] Đỗ Hương Lan, Lê Thái Hòa  (2020), “Thương mại hóa sản phẩm KH & CN: Bài học kinh nghiệm từ Israel

[1] Lý do startup thất bại: https://www.cbinsights.com/research/startup-failure-reasons-top/, 1/9/2022

[2] Thống kê về kinh doanh của Kickstarter: https://www.kickstarter.com/help/stats, 1/9/2022

[3] Dự án huy động vốn Superstrata Bike: https://www.indiegogo.com/projects/superstrata-bike, 1/9/2022

[4] Thống kê về marketing: https://www.hubspot.com/marketing-statistics