Thương mại điện tử xuyên biên giới: Mở rộng cơ hội xuất khẩu
Nắm vững kiến thức để bán hàng trực tuyến thành công

Bộ Công Thương tiếp tục bắt tay cùng Amazon Global Selling (Amazon) thực hiện xúc tiến thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, mở rộng hơn nữa cơ hội xuất khẩu bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam.

Tiếp cận khách hàng hiệu quả

Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Bích Thủy là một trong số ít SME Việt Nam bán hàng thành công trên Amazon.

Từ chỗ chỉ sản xuất, kinh doanh mặt hàng áo dài truyền thống tại thị trường nội địa, công ty phát triển đa dạng các mặt hàng, bao gồm cả phụ kiện cho phụ nữ và bán đi khắp các quốc gia trên thế giới thông qua trang Amazon.com.

Theo bà Bùi Kim Thúy – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Bích Thủy, Amazon không chỉ là nền tảng TMĐT có uy tín toàn cầu, lượng truy cập cao mà còn là kênh bán hàng bổ sung tốt cho các kênh B2B, B2C của công ty. Amazon giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng tại các quốc gia có nhu cầu một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Đặc biệt, dịch vụ hoàn thiện đơn hàng của Amazon giúp người bán hàng không phải lo khâu vận chuyển và chăm sóc khách hàng, thay vào đó chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm và marketing.

Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Bích Thủy là 1 trong số 100 SME của Việt Nam được lựa chọn thực hiện Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua TMĐT do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) – Bộ Công Thương và Amazon phối hợp thực hiện.

Với nhu cầu khá lớn và đa dạng các mặt hàng, nếu tập trung vào chất lượng sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu thì sẽ có rất nhiều cơ hội cho SME Việt Nam.

Bernard Tay – Giám đốc phụ trách Dịch vụ khách hàng Amazon Singapore và Giám đốc Amazon Đông Nam Á, Australia và New Zealand

Ban tổ chức đã hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo kỹ năng, tư vấn trực tiếp và kết nối với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng để đưa sản phẩm lên hệ thống của Amazon tại Hoa Kỳ.

Về thành quả đã đạt được của chương trình, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục XTTM – cho hay: Sau 6 tháng triển khai, một số SME đã bán được sản phẩm trên Amazon, mở ra hướng phát triển thị trường mới gắn với thương hiệu của doanh nghiệp và sự chủ động về xác định các phương án định giá.

Vì sao chọn Amazon để hợp tác trong khi thế giới hiện có nhiều tập đoàn TMĐT lớn, lãnh đạo Cục XTTM lý giải: Khi định hướng nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua TMĐT, chúng tôi tìm hiểu rất kỹ các trang TMĐT lớn trên thế giới.

Qua đó, nhận thấy Amazon có nhiều hoạt động hỗ trợ SME rất phù hợp với mục tiêu của nhiệm vụ. Hơn nữa, với quy mô 300 triệu tài khoản người dùng tại khắp 185 quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam đưa được hàng hóa lên trang TMĐT này xác xuất thành công rất lớn.

Đó là lý do vì sao Amazon được chọn làm đối tượng hợp tác cùng Bộ Công Thương thúc đẩy xuất khẩu qua TMĐT.

Chú trọng chất lượng sản phẩm

Cục XTTM và Amazon sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chính thức để thực hiện các chương trình hợp tác chặt chẽ, quy mô lớn nhằm thực hiện các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu thông qua nền tảng TMĐT.

Trong đó, phối hợp để tuyển dụng và hỗ trợ các SME Việt Nam thiết lập hệ thống nhận diện và thương hiệu hàng hóa, đồng thời nghiên cứu thiết lập chuyên trang về ngành hàng này của Việt Nam trên Amazon.

Tuy vậy, ông Hoàng Minh Chiến cũng khuyến cáo, chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Amazon chỉ mang tính hỗ trợ về chính sách. Cộng đồng SME trong nước phải thực sự chủ động nắm bắt cơ hội.

Trong đó, yếu tố quan trọng trước tiên là tạo được sản phẩm có chất lượng tốt; thứ hai, quảng bá sản phẩm, đưa ra nhận diện thương hiệu; thứ ba, doanh nghiệp tự cập nhật, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng về TMĐT.

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Bùi Kim Thúy chia sẻ: Đây là hình thức bán hàng trực tuyến, kết nối 24/24h, đòi hỏi kỹ năng riêng và doanh nghiệp cần nghiêm túc trau dồi nếu muốn bán hàng thành công. Thách thức chủ yếu là nguồn vốn, ngôn ngữ và văn hóa…

Với những thách thức trên, bà Thúy cho rằng, không có cách nào khác, SME phải nắm vững kiến thức về bán hàng trực tuyến; đáp ứng các điều kiện của trang TMĐT; đầu tư thời gian công sức nghiên cứu khách hàng, sản phẩm tại các thị trường tiêu thụ để thiết kế sản phẩm phù hợp.

Theo báo Công Thương