Thương mại điện tử Việt Nam- Cơ hội và thách thức

Vũ Vinh Phú ( Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại HN – Chuyên gia kinh tế)

Chuyên gia kinh tế, Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội

Chuyên gia kinh tế, Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội vừa có bài viết về sự phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam. Chúng xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Việt Nam là một nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh  ở Châu Á, chính vì thế mà nó mang đến những cơ hội cho các nhà đầu tư bán lẻ trực tiếp cũng như bán lẻ online khai thác ở một thị trường đầy tiềm năng này.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng khá nhanh với 35,4 triệu người dùng và tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ đô la trong năm 2019.

Ở Việt Nam hiện có 59,2 triệu người sử dụng internet, chiếm hơn ½ dân số cả nước, con số này được dự báo sẽ tăng lên 68 triệu vào năm 2021.

35 triệu người dùng điện thoại thông minh trong cuộc sống, sinh hoạt và mua sắm hàng ngày, dự báo sẽ tăng lên 40 triệu vào năm 2021. Đây là những điều kiện rất tốt để các nhà bán lẻ online đầu tư để mở các gian hàng trực tuyến tại Việt Nam và tạo chỗ đứng vững chắc ở thị trường này.

Điểm qua thị trường buôn bán trực tuyến ở Việt Nam: Hiện nay có 3 trang web thương mại điện tử được lọt vào trong top 10 có nền tảng kinh doanh trực tuyến hàng đầu ở Đông Nam Á là Tiki, Sendo và Thế giới di động và đang cạnh tranh và có lúc vượt lên so với Lazada Việt Nam, Alibaba Việt Nam, Shopee Việt Nam và JD.com.vn – vốn là những trang thương mại điện tử buôn bán trực tuyến có quy mô rộng lớn và phạm vi hoạt động bao trùm ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, khi đầu tư và phát triển thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần chú ý các điểm sau đây:

-Thương mại điện tử ở Việt Nam mới có 20% lượng giao dịch trực tuyến có liên quan đến các phương tiện thanh toán số, phần còn lại đến 80% đều thực hiện bằng việc nhận hàng đồng thời với giao tiền để thanh toán.

Điều này nói lên 2 vấn đề: đó là người tiêu dùng Việt Nam chưa quen nhiều với hình thức thanh toán trực tuyến mua hàng qua tài khoản các ngân hàng.

Thứ 2, giao dịch thương mại trực tuyến ở Việt Nam có khá nhiều trục trặc dẫn tới niềm tin của người tiêu dùng chưa thật đầy đủ trong phạm vi giao dịch B2C ( Business to Customer – Doanh nghiệp tới Khách hàng lẻ)

Một vài số liệu trong năm 2019 cho ta thấy: một số nhóm hàng lớn được giao dịch trên các trang web cụ thể như sau: điện tử và các phương tiện truyền thông 685 triệu Đô là, thời trang 661 triệu Đôla, đồ chơi 438 triệu Đô la, đồ nội thất và thiết bị gia dụng 478 triệu Đô la, thực phẩm và đồ dùng chăm sóc cá nhân 448 triệu Đô la

Căn cứ vào số liệu trên, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần đặc biệt lưu tâm về tiềm năng phát triển kinh doanh đối với các nhóm hàng chủ yếu đã thống kê ở trên.

Về sử dụng phương tiện giao dịch

Hiện nay đa số các giao dịch đều thực hiện trên máy tính để bàn, tuy nhiên trong 5-10 năm tới, chắc chắn việc giao dịch trên các thiết bị di động thông minh sẽ tăng lên rất nhanh bởi nhờ sự thay đổi và cải tiến đổi mới hết sức nhanh chóng về các chức năng của các thiết bị di động của các hãng trong những năm gần đây.

Số lượng thống kê cho thấy: 71% sử dụng máy tính để bàn, 18% sử dụng các thiết bị di động, 9% sử dụng máy tính bảng hoặc các thiết bị có hỗ trợ internet khác.

Về dịch vụ logistic phục vụ cho TMĐT

Một trong những trở ngại chính trong lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam là vấn đề hậu cần, đặc biệt là việc giao hàng cho khách; hiện chỉ có 34% dân số Việt Nam hiện đang sống ở các thành thị, điều đó cho ta thấy sẽ có một số đơn hàng được giao ở những khu vực còn xa xôi cách trở, điều kiện đi lại khó khăn.

Thực tế có đến có đến 34,1% người tiêu dùng chưa hài lòng với dịch vụ chuyển phát hàng của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Ở Việt Nam bình quân phải mất 5,6 ngày sản phẩm mới chuyển đến tay người nhận – được coi là tốc độ chậm thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, một số trang thương mại điện tử đã nhận rõ được vấn đề quan trọng này và đã đầu tư nhiều hơn nhằm rút ngắn thời gian giao hàng cho khách, cụ thể Tikinow hứa sẽ giao hàng bình quân trong 2h đồng hồ, Shopee giao hàng trong 4h và Sendo phấn đấu giao hàng trong 3h đồng hồ.

Trong thời gian sắp tới, sự cạnh tranh giữa các trang thương mại điện tử ở thị trường Việt Nam thì ngoài chất lượng hàng hóa phục vụ thì còn là tốc độ giao hàng – đây được coi là một trong số những yếu tố quan trọng nhất để thu hút khách hàng.

Giao hàng nhanh và đúng hẹn cũng là một trong 3 xu hướng phát triển trọng tâm trong năm 2020, đó là tập trung vào gia tăng lợi nhuận thay vì tăng trưởng nhanh, tiếp theo là nỗ lực phát triển về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và tập trung phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của cá khách hàng ( Theo các phân tích của IPRICE)

Tổng quan lại thì trong những năm tới, bức tranh thương mại điện tử VN sẽ có chiều hướng sáng hơn, phát triển nhanh hơn, cạnh tranh hơn. Tuy nhiên trong sự phát triển đó vẫn còn có rất nhiều thách thức trên con đường phía trước.

Thứ nhất, sân chơi thương mại điện tử theo dự đoán trong một vài năm tới có lẽ dành phần lớn đến 70 -80% cho các tập đoàn thương mại điện tử có thế mạnh ở khu vực và thế giới. Phần còn lại là dành cho các trang TMĐT VN tập trung vào khai thác những thị trường ngách.

Điều này nêu lên rất có cơ sở thực tế bởi 2 lý do: Thứ nhất, đầu tư cho thương mại điện tử cần một số vốn rất lớn, do vậy đối với các doanh nghiệp VN, đa số vừa và nhỏ, là một điều hết sức khó khăn.

Thứ hai, người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, hiện nay đa số ưa chuộng việc mua hàng của nước ngoài qua các trang web lớn như Alibaba, Lazada, Ebay với lý do hàng hóa của các nước phong phú, đa dạng và chất lượng cao hơn so với hàng Việt tương tự, hiện chưa có nhiều tiến bộ một cách mạnh mẽ để cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.

Môi trường cạnh tranh khắc nghiệt trong thương mại điện tử chắc chắn không dành chỗ cho những doanh nghiệp năng lực tổ chức yếu kém, công nghệ quản trị ở mức thấp, tiềm lực mạnh về mọi mặt  chính là bài toán cạnh tranh lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài hiện nay và trong tương lai.

Lượng người sử dụng internet mua sắm ở Việt Nam ngày càng tăng nhanh nhưng vấn thấp hơn so với các nước trong khu vực: ở Indonesia có 90% người sử dụng internet để mua sắm- là mức cao nhất ở Đông Nam Á trong khi ở Việt Nam mới chỉ đạt mức 70% – thấp nhất Đông Nam Á.

Ở Đông Nam Á trung bình còn có 47% doanh nghiệp áp dụng hình thức thanh toán tiền đồng thời với việc giao hàng cho khách , trong khi tỷ lệ đó ở Việt Nam ở mức rất cao là 80%.

Phần lớn các doanh nghiệp TMĐT ở Việt Nam còn chậm đầu tư và ít đầu tư cho hoạt động nghiên cứu thị trường, nghiên cứu và chăm sóc khách hàng.

Cơ sở hạ tầng, công nghệ chưa đáp ứng được so với yêu cầu: làm cho sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khó khăn hơn. Ngoài ra còn những thách thức về an ninh mạng, an toàn mạng trong khi sử dụng, tránh những thiệt hại đáng có cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

An ninh an toàn và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT ở Việt Nam vẫn là những vấn đề thực sự cần tiếp tục cần những lời giải cho các nhà quản lý doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Qua những trở ngại thực tế ở trên cho ta thấy cần phải có một số giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử ở VN trong thời gian tới:

Trước hết cần hoàn thiện môi trường pháp lý để TMĐT phát triển nhanh và bền vững, rất cần thiết phải ban hành mới và bổ sung các điều luật và các quy định điều chỉnh hoạt động của TMĐT.

Rà soát bổ sung và ban hành những chính sách mới, tạo sự phát triển  vững chắc trong khuôn khổ pháp lý ở các lĩnh vực như giám định, thanh toán điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Nhà nước cần có các chính sách đầu tư hạ tầng, phát triển kĩ thuật, cho thanh toán điện tử, phát triển các dịch vụ công cho TMĐT, mặt khác, cần tăng tỷ trọng trong việc ứng dụng TMĐT để mua sắm công, gắn với việc cải cách hành chính, nâng cao năng lực hành chính công, xây dựng Chính phủ điện tử.

Ngân hàng nhà  nước tiếp tục triển khai mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt và tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan đến TMĐT, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công có như hải quan, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, nộp thuế và sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch một cách công khai minh bạch, nhằm góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước và tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Đặc biệt cần tiếp tục thực hiện thí điểm ở một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thương mại dịch vụ để kết nối máy tính tiền và các thiết bị thanh toán khác với Cục Thuế một cách liên tục của các đơn vị sản xuất kinh doanh, cùng với việc phát hành hóa đơn điện tử 100% khi có quan hệ mua bán hàng hóa trên thị trường.

Đảm bảo an toàn trong giao dịch TMĐT, hạn chế việc virut tấn công vào các trang web, gây tổn thất. Chống xâm nhập vào các cột ATM với ý đồ xấu và các hành động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả trên các trang mạng nội địa cũng như quốc tế.

Yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử tăng cường quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm phục vụ khách hàng, ngăn chặn xử lý những vi phạm một cách kịp thời nhằm bảo vệ thương hiệu của đơn vị bán lẻ cũng như của người tiêu dùng

Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, tăng khả năng thiết kế các phần mềm ở trong nước, đóng góp cho sự phát triển của một nền kinh tế số và từng bước có thể xuất khẩu.

Nâng cao năng suất lao động trong TMĐT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của từng cá thể hoạt động trong môi trường mạng, đủ sức theo kịp trình độ phát triển từng giai đoạn của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Đẩy mạnh công tác giám định để bảo mật cho các trang mạng một cách bền vững cũng như những giao dịch mua bán ở trong nước cũng như xuyên biên giới thông qua việc hợp tác trao đổi với các nước.

Ngày 8/11/2017, Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế các nước APEC đã thông qua văn kiện về sự hợp tác này. (Năm 2016, giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới đã đạt đến con số 1.920 tỷ đô la) Đó quả là một sự chứng minh cho tiềm năng lớn đối với TMĐT cuả các nước, trong đó có Việt Nam.

TMĐT là một lĩnh vực còn mới mẻ đối với Việt Nam, chính vì vậy, dưới sự chi đạo và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan nhà nước bộ ngành và sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp, đồng thời biết phát huy những tiềm năng sẵn có và từng bước khắc phục những yếu điểm còn đang tồn tại, chắc chắn tương lai phát triển của TMĐT Việt Nam ngày càng sáng sủa và vững chắc hơn trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chính danh là “Made in Vietnam” ở thị trường nội địa và xuất khẩu.