Thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ đô la

Ngân Hà

Trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia nói và cho biết thêm, “Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ”

Ngày 17/4 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ 12 năm 2019 với chủ đề “Chiến lược Thương hiệu Quốc gia Việt Nam”. Diễn đàn là một trong các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu Việt Nam 2019.

Vẫn theo Phú, qua sáu lần xét chọn , số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia tăng đều qua các thời kỳ. Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.

Trong giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận, nhất quán trên phạm vi cả nước, từ trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành, tổ chức trong xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu quốc gia tại Italy, ông Antonio Tedesco, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội cho biết, thương hiệu “Made in Italy” đứng thứ 3 trên thế giới về độ nổi tiếng, chỉ sau Coca-Cola và Visa. Thành quả này có được nhờ sự phối hợp đồng bộ của hệ thống thể chế từ Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh tế, Cơ quan thương mại Italy. Giá trị thương hiệu “Made in Italy” tăng đều qua từng năm.

Có được kết quả này, theo ông Antonio Tedesco còn nhờ vào việc xây dựng mạng lưới phủ sóng rộng rãi từ đại sứ quán, lãnh sự quán, trung tâm văn hóa Italy, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa rộng khắp.

Italy cũng đặt ra những ưu tiên cho nhóm sản phẩm hàng đầu. “Italy có những thị trường ưu tiên và Việt Nam cũng được liệt vào danh sách này” ông Antonio Tedesco nói.

Tuy nhiên, khó khăn nhất đó là công tác gìn giữ và bảo vệ thương hiệu để tránh sản phẩm bị làm giả trên thị trường. Ông Antonio cho rằng không quá sớm để Việt Nam nghĩ đến công tác bảo vệ thương hiệu. “Tôi đã đến Bát Tràng mua gốm và tôi đã khá bất ngờ khi Bát Tràng có bán các sản phẩm gốm của Trung Quốc. Như vậy là sản phẩm gốm của các bạn đã bị làm giả rồi”.

Để biến các mục tiêu thành hiện thực thông qua mạng lưới rộng khắp, Italy tổ chức theo chu trình khép kín tại nhiều quốc gia với sự phối hợp của đông đảo Hiệp hội ngành nghề.

Còn theo ông Bastien Faugeroux, Cố vấn thương mại cao cấp, Trưởng phòng Công nghệ & Dịch vụ, Tổ chức Business France tại Việt Nam cho biết, Pháp có Chương trình mang tên La French Tech. Chương trình tạo ra một cộng đồng lớn mạnh, thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp khởi nghiệp và quốc tế hóa hệ sinh thái. Chương trình La Frentech được triển khai để quảng bá doanh nghiệp khởi nghiệp của Pháp ra nước ngoài.

Liên quan đến chương trình Thương hiệu quốc gia, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong 16 năm tổ chức  đã thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp với sự hỗ trợ đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đã có nhiều thương hiệu vững chân tại thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Doanh nghiệp cũng quan tâm đến vấn đề Thương hiệu nhiều hơn, coi Thương hiệu là công cụ trong cạnh tranh và kinh doanh, sức lan tỏa đã rõ nét hơn so với 20 năm trước đây.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, bên cạnh những kết quả đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng và coi Thương hiệu là công cụ đi đến người tiêu dùng khiến cho có những nhận thức, hành động chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, cũng chưa có biện pháp hỗ trợ, đầu tư cho nguồn lực, quảng bá xúc tiến chư toàn diện và đồng bộ.