Trần Thành Công
Email: congtt@uef.edu.vn
Phone: 0393259153
Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính Tp. Hồ Chí Minh
Trần Thành Công
Email: congtt@uef.edu.vn
Phone: 0393259153
Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính Tp. Hồ Chí Minh
Tóm tắt:
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam ngày càng mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh được doanh nghiệp phát triển và người dân biết đến. Do đó, nhu cầu lực lượng lao động đối với các ngành nghề liên quan đến TMĐT là vô cùng lớn. Báo cáo này trình bày các thực trạng, xu hướng đào tạo TMĐT, đồng thời nêu ra một số đề xuất cho hoạt động đào tạo TMĐT để cung cấp các nguồn lực đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Theo số liệu thống kê của Hiệp Hội Thương Mại Điện Tử Việt Nam (VECOM) tính tới thời điểm nửa đầu năm 2022 có 132 cơ sở giáo dục tham gia khảo sát. Theo đó, cả nước hiện có 36 trường đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) trình độ đại học, trong đó có 14 trường ở miền Bắc, 5 trường ở miền Trung và 17 trường ở miền Nam.
Phần lớn các trường đều tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó có 37 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT, 60 trường đạo tạo môn TMĐT và 110 trường giảng dạy TMĐT từ môn học đến mức ngành đào tạo.
Hầu hết chương trình đào tạo TMĐT ở bậc đại học có thời gian đào tạo dao động từ 3.5 năm đến 4 năm học. Tổng số tín chỉ tích luỹ của chương trình đào tạo toàn khoá dao động từ 123 tín chỉ đến 132 tín chỉ. Bảng 1 thể hiện sự so sánh của chương trình đào tạo của một
số trường điển hình như đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế – Tài chính TP. Hồ Chí Minh, Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn TP. Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEF), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và ĐH Kinh tế – ĐH Huế. Nhìn chung tổng số tín chỉ tích luỹ toàn khoá học giữa các trường không có sự chênh lệch quá nhiều.
Chương trình đào tạo TMĐT ở các trường ĐH được chia ra làm hai nhóm chính, đó là nhóm kiến thức đại cương và nhóm kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, trong nhóm kiến thức chuyên nghiệp bao gồm kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành cốt lõi, kiến thức nâng cao và chuyên sâu.
Ở trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ các khối kiến thức được phân chia một cân đối và được thể hiện ở Hình 1. Một số trường đã phân chia chương trình đào tạo thành các chuyên ngành hẹp để giúp sinh viên có định hướng cụ thể cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường.
Lấy ví dụ như trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP. Hồ Chí Minh, chương trình đào tạo ngành TMĐT có ba chuyên ngành hẹp, đó là Kinh doanh trực tuyến, Marketing trực tuyến, và Giải pháp thương mại điện tử.
Thêm vào đó, trong chương trình đào tạo TMĐT, hầu hết các trường đều đã xây dựng được các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và các chuẩn đầu ra, bao gồm chuẩn đầu ra về kiến thức, chuẩn đầu ra về kỹ năng, chuẩn đầu ra ngoại ngữ, chuẩn đầu ra tin học và chuẩn đầu ra về năng lực tự chủ tự chịu trách nhiệm.
Ở trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP. Hồ Chí Minh, chương trình đào tạo TMĐT đã xây dựng bảy mục tiêu cụ thể và mười chuẩn đầu ra. Mỗi học phần sẽ đáp ứng được các chuẩn đầu ra liên quan đến nhóm kiến thức, nhóm kĩ năng, và nhóm mức độ tự chủ. Các ma trận liên quan đến bảy mục tiêu và mười chuẩn đầu ra cũng được thể hiện rõ trong chương trình đào tạo TMĐT.
Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên phục vụ cho đào tạo TMĐT vẫn còn hạn chế ở các cơ sở giáo dục, phần lớn giảng viên TMĐT xuất phát từ các ngành khác chuyển sang. Giảng viên TMĐT đòi hỏi có kiến thức liên ngành về kinh tế và công nghệ thông tin nên việc tuyển dụng cũng diễn ra khó khăn ở các cơ sở giáo dục. Ở mộ số cơ sở giáo dục yêu cầu khả năng giảng dạy song ngữ cho các ngành nói chung và TMĐT nói riêng nhưng số lượng giảng có khả năng giảng dạy chương trình song ngữ vẫn còn hạn chế.
Trong những năm gần đây, thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng được nhân rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trường TMĐT càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam tại thị trường nội địa cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng online thông qua phương tiện điện tử.
Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến trong khi đó số liệu mới chỉ ghi nhận 32,7 triệu người vào năm 2016.
Xuất phát từ nhu cầu xã hội, nhu cầu nguồn nhân lực cho TMĐT ở Việt Nam đang tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa trong nhiều năm tới. Thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục cần một lực lượng lớn nhân sự, do đó các cơ sở giáo dục đã, đang xây dựng và rà soát các chương trình đào tạo TMĐT để phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đào tạo TMĐT ở Việt Nam có xu hướng đào tạo theo hướng liên ngành. Chương trình học cung cấp cho sinh viên khối lượng kiến thức liên quan đến khối kinh tế, tài chính và quản trị kinh doanh nhưng cũng đồng thời cung cấp khối lượng kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu.
Cụ thể, chương trình đào tạo TMĐT ở đại học UEF định hướng sinh viên rõ ràng thông qua ba chuyên ngành hẹp (Kinh doanh trực tuyến, Marketing trực tuyến và Giải pháp TMĐT). Ở đó, chương trình cung cấp các kiến thức liên ngành thông qua một số môn học như Lý thuyết tài chính tiền tệ, Phân tích dữ liệu web, Kinh doanh thông minh, …
Ngoài ra, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cũng là xu hướng đào tạo mới hiện nay. Theo Bộ Công Thương, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp để thích ứng và tận dụng những cơ hội mới nhằm duy trì và mở rộng thị trường.
Số lượng các công nghệ, nền tảng ứng dụng thương mại điện tử, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng đang ngày càng gia tăng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã triển khai sâu và rộng trong nhiều năm qua nhằm khai thác các giá trị xuyên thời gian và không biên giới. Do đó, các cơ sở giáo dục cập nhập xu hướng mới này trong chương trình đào tạo để cung cấp được nguồn nhân lực cần thiết cho xã hội.
Xuất phát từ thực trạng và xu hướng đào tạo TMĐT, phần này nêu ra một số đề xuất để hoạt động đào tạo TMĐT đáp ứng với nhu cầu thực tiễn. Đối với chương trình đào tạo TMĐT, trong quá trình xây dựng, rà soát các cơ sở giáo dục nên thực hiện thu thập và tổng hợp ý kiến đóng góp của các bên liên quan như: nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, sinh viên thông qua hoạt động khảo sát hoạt động giảng dạy giảng viên, đồng thời coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp của giảng viên vì đây là lực lượng đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động dạy học.
Đề cương chi tiết cho từng học phần phải được xây dựng rõ ràng, chi tiết, bao gồm phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá, mục tiêu và nội dung bài học, và các chuẩn đầu ra đáp ứng cho từng học phần cụ thể. Các cơ sở giáo dục cũng có thể so sánh/ đối sánh chương trình đào tạo TMĐT giữa các trường trong nước và quốc tế để nhận ra được các điểm mạnh và điểm tồn tại; từ đó có kế hoạch khắc phục.
Đối với đội ngũ giảng viên, các cơ sở giáo dụng khuyến khích nâng cao năng lực giảng viên, bao gồm năng lực về chuyên môn và năng lực về ngoại ngữ thông qua các khoá đào tạo ngắn hạn, dài hạn. Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên, giảng viên, hội thảo chuyên ngành cũng nên được chú trọng tại các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, tham gia vào mạng lưới TMĐT giữa các trường với nhau cũng là giải pháp để phát triển hơn về chất lượng và số lượng giảng viên TMĐT.
Đối với xu hướng đào tạo, các cơ sở giáo dục cần phải thường xuyên cập nhập xu hướng mới về TMĐT trên thế giới. Thêm vào đó, gắng kết hoạt động đào tạo với doanh nghiệp . thông qua các buổi hội thảo/seminar cũng là một phương pháp để nắm bắt xu hướng mới liên quan đến TMĐT. Các cơ sở giáo dục cần phát triển đội ngũ giảng viên doanh nhân, bởi vì giảng viên doanh nhân có thể kết hợp giữa lý thuyết, thực tiễn và xu hướng mới liên quan đến TMĐT. Thông qua đó, xu hướng mới được cập nhập, chất lượng giảng viên được đảm bảo hơn và quan trọng hơn nữa là chương trình đào tạo TMĐT gắn liền với thực tiễn để tạo ra nguồn nhân lực cần thiết cho xã hội.
Tài liệu tham khảo
Liên hệ quảng cáo
Công ty CP Phát triển Truyền thông Thương gia ViệtTheo dõi Thương gia Thị trường