Thúc đẩy thương mại điện tử để dỡ bỏ rào cản địa lý

Lan Hạ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia. Dự thảo Chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh việc thúc đẩy và hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử.

Theo đánh giá chung, trong thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm.

Tính theo sức mua tương đương, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (1,4%/năm), Malaysia (2%/năm), Thái Lan (3.,2%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước Asean có trình độ phát triển cao hơn.

Nếu năm 2011, năng suất lao động của Singpaore, Malaysia, Thái Lan lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 17,6 lần; 6,3 lần và 2,9 lần thì đến năm 2018 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 13,7 lần; 5,3 lần và 2,7 lần

Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Cơ cấu kinh tế chậm đổi mới, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào gia tăng quy mô vốn và lao động, đặc biệt năng suất lao động còn chưa tương xứng với kỳ vọng.

Tính theo số tuyệt đối năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước phát triển trong khu vực Asean

Để khắc phục những hạn chế trên, theo Dự thảo Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp được đề ra.

Theo đó,  yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia,  trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên môn về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam trong quý IV năm 2019.

Ủy ban Năng suất quốc gia có nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực

Chọn một tháng trong năm là “Tháng Năng suất Quốc gia” nhằm thúc đẩy phong trào tăng năng suất lao động.

Xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm khuyến khích, phát triển và quản lý có hiệu quả các mô hình kinh tế mới để tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Công Thương có nhiệm vụ hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử; tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động đơn giản

Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin để thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thúc đẩy thương mại điện tử để tăng cường sự kết nối giữa các nhà sản xuất với người mua, dỡ bỏ rào cản địa lý.

Thúc đẩy tài chính kỹ thuật số nhằm cắt giảm chi phí giao dịch và phát triển tài chính bao trùm