Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các tỉnh

Trung Nguyên

Đây là một trong số những hoạt động nổi bật của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2019, phối hợp với các Sở Công Thương  hỗ trợ và đào tạo cho doanh nghiệp các tỉnh về thương mại điện tử

Năm 2019 tiếp tục đánh dấu những bước phát triển nhanh của thương mại điện tử thu hút sự quan tâm không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thương mại điện tử Việt Nam, hoạt động then chốt của kinh tế sô, VECOM tiếp tục tổ chức các sự kiện toàn quốc uy tín và thường niên về thương mại điện tử với hàng nghìn người tham dự như Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử 2019 (VOBF 2019), Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2019 (VOMF 2019)

Những sự kiện này đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài như: Amazon, Facebook, Google, TikTok… với mục tiêu hỗ trợ các cá nhân doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp với các xu hướng thương mại điện tử mới hiện nay.

Ngoài ra, VECOM còn phối hợp cùng các đơn vị tổ chức các sự kiện theo chủ đề khác nhau như ngày du lịch trực tuyến 2019 – OTD 2019 phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Diễn đàn đối đầu thương mại Mỹ-Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (18/7/2019), Diễn đàn Dịch vụ Hoàn tất đơn hàng, Toạ đàm góp ý Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu.

Năm 2019 là năm thứ 8 VECOM tiếp tục tiến hành xây dựng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020 và nhận được sự quan tâm ủng hộ nhiệt tình từ nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt là sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình và hiệu quả của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Công Thương các tỉnh thành phố, Các hội viên tích cực của VECOM (Vietnam Post, VISA, EMS, SAPO, Fado, Netco, Mắt bão, IMGroup), Trường Đại học Thương mại, Đại học Ngoại Thương, USAID…

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử bao gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh và là nguồn thông tin tin cậy cho các hoạt động xây dựng chính sách, nghiên cứu và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.

Năm 2019 VECOM cũng đã đề xuất với các cơ quan, tổ chức cùng xây dựng và triển khai  Chương trình “Phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025”. Mục tiêu của Chương trình là tới năm 2025 tỷ trọng của 61 tỉnh, thành này đạt 50%, trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của hai trung tâm kinh tế Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh ở mức cao trên 25%.

Lần đầu tiên Dự án “Tổng đo lường thị trường TMĐT Việt Nam” được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Nielsen công bố nhằm cung cấp thông tin sâu rộng, chính xác đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các cơ quan, hiệp hội về thị trường TMĐT, các ngành hàng TMĐT, cũng như hành vi tiêu dùng trực tuyến.

Trong năm qua VECOM đã tổ chức nhiều đoàn công tác để thăm và làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cùng một số doanh nghiệp điển hình trên địa bàn để thảo luận về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử.

Song song với đó, VECOM cũng giao cho các hội viên tổ chức nhiều lớp tập huấn tại các tỉnh thành miền Trung và miền Nam. Đồng thời, có những hỗ trợ cụ thể với doanh nghiệp.

Dự kiến trong năm 2020 VECOM sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động này tới các tỉnh thành khác trong cả nước với mục tiêu đẩy mạnh thương mại điện tử phát triển một cách bền vững.

Hiệp hội còn tham mưu tư vấn và hợp tác chặt chẽ với hội viên các tỉnh để đào tạo, hợp tác phát triển thương mại điện tử tại một số tỉnh trên cả nước. Dự kiến sẽ còn nhiều hoạt động gắn kết chặt chẽ với hội viên là các doanh nghiệp và các trường đại học trên cả nước để cùng góp phần thúc đẩy phát triển ngành thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian tiếp theo.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm qua, VECOM tiếp tục tham gia tích cực trong việc tư vấn, phản biện chính sách về thương mại điện tử. VECOM tham gia xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 và Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020, góp phần lớn vào việc thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bằng nhiều hoạt động thiết thực của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương.

Để chuẩn bị tốt cho giai đoạn tới, năm 2019 VECOM đã phối hợp và tham gia tổ Nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 do Bộ Công Thương chủ trì và góp ý cho Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, một số vấn đề nổi bật của pháp luật trong năm 2019 có ảnh hưởng tới thương mại điện tử mà điển hình là trong lĩnh vực thanh toán, quảng cáo và kinh doanh các mặt hàng có điều kiện cũng được VECOM quan tâm tham gia sâu với các cơ quan xây dựng luật pháp.

VECOM cũng tích cực tuyên truyền phổ biến về thương mại điện tử trên các phương tiện truyền thông của Hiệp hội cũng như trên các kênh của đối tác.

Trong năm 2019 website và Fanpage của VECOM thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình hoạt động của Hiệp hội, các sự kiện, hội thảo chuyên đề, tài liệu về thương mại điện tử.

Đặc biệt, trong năm qua Tạp chí Thương gia & Thị trường do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam là cơ quan chủ quản đã tạo nên những thông tin đa dạng phong phú về lĩnh vực thương mại điện tử cũng như xu thế phát triển của thương mại điện tử.

Để giúp đỡ doanh nghiệp cả nước qua môi trường trực tuyến, VECOM cùng các hội viên đã phối hợp với Kênh truyền hình kinh tế VITTV lên kế hoạch xây dựng Chương trình xuất, nhập khẩu trực tuyến và dự kiến sẽ phát sóng trong năm 2020. Chương trình này nhằm mục đích cung cấp những thông tin tổng quan về xuất nhập khẩu trực tuyến, cho cộng đồng thấy được những khó khăn, thuận lợi khi tham gia vào môi trường này, đưa ra những cách thức, hướng dẫn về công cụ, các dịch vụ hỗ trợ hay tầm quan trọng của nguồn lực…