Thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ
Chuyên viên Thông tin sở hữu công nghiệp, Bộ phận Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo, WIPO, trình bày về các chiến lược tra cứu thông tin sáng chế. Ảnh Cục SHTT

Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo TISC của Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh.

Ông cũng nêu rõ vai trò của Cục Sở hữu trí tuệ như một trung tâm kết nối, điều phối các hoạt động của Mạng lưới tại Hội thảo “Tra cứu thông tin sáng chế dành cho Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ lập kế hoạch và xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu cho các thành viên mạng lưới để có đủ kỹ năng tra cứu thông tin, tư vấn thủ tục xác lập quyền, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ cho các nhà sáng chế trong tổ chức của viện nghiên cứu, trường đại học hoặc doanh nghiệp.

Điều này sẽ giúp cho các viện, trường tăng cường năng lực nội tại trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là chú trọng vào việc tăng số lượng sáng chế của Việt Nam cũng như thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ.

Trong khi đó theo  Giám đốc Phòng tiếp cận thông tin và kiến thức, WIPO- Andrew Czajkowski – chúng ta đang sống trong nền kinh tế dẫn động bằng tri thức, trong đó các ý tưởng và sự sáng tạo đã trở thành các nguồn lực chính để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và đem lại những lợi thế cạnh tranh.

Ông cho rằng các dịch vụ hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả là cần thiết để trợ giúp cho các nhà sáng chế, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân, và những cá nhân khác để trích rút các thông tin hữu ích từ các dữ liệu thô và cuối cùng thu được tri thức mà họ cần có để thành công trong môi trường nghiên cứu năng động hiện nay và trong nền kinh tế toàn cầu.

Cục sở hữu trí tuệ đã mời được 35 thành viên tham gia mạng lưới TISC của Việt Nam, trong đó có Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và nhiều viện, trường khác trên phạm vi toàn quốc.

Ông cũng cho răng đây chính là lý do mà WIPO và Cục  Sở hữu trí tuệ phối hợp phát triển Mạng lưới TISC quốc gia, để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự tiếp cận công nghệ tìm thấy trong các cơ sở dữ liệu sáng chế và khoa học công nghệ khác vì lợi ích của người sử dụng trong nước.

Đó là các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc các nhà sáng chế cá nhân. Ông cũng trích dẫn lời của Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry, “TISC là cổng đi vào kho chứa tri thức công nghệ được tạo ra bởi hệ thống sáng chế”.

Số lượng sáng chế của người Việt Nam, sự gia tăng số lượng chuyển giao công nghệ và các chỉ số lan tỏa tri thức là những đóng góp tích cực để cải thiện Năng lực đổi mới sáng tạo theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP năm 2019.

Với nguồn lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam, và với sự hỗ trợ của WIPO cũng như những nỗ lực của Cục Sở hữu trí tuệ, các chuyên gia WIPO cho rằng Mạng lưới TISC sẽ góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên khắp đất nước.

PV