‘Thủ phủ’ du lịch… đi ngủ sớm: Kinh tế đêm là ‘cỗ máy in tiền’
Đà Nẵng có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, nên cần tận dụng để tăng tốc

Đầu tư hệ thống hạ tầng, cơ sở lưu trú, lượng khách du lịch đến VN cũng tăng mạnh nhưng chưa khai thác kinh tế đêm, ước tính chiếm từ 70 – 80% doanh thu dịch vụ du lịch đang khiến chúng ta lãng phí nguồn lực khổng lồ.

“Hốt bạc” từ đêm đến sáng

“Khi mặt trời lặn ở Hà Nội, cũng là lúc Tạ Hiện lên đèn. Nếu bạn muốn thực sự hòa mình vào nhịp sống của thành phố này, đặc biệt là văn hóa của người dân, hãy đi bộ vào các con phố nhỏ, ngồi ghế nhựa và uống một cốc bia lạnh”.

Đây là phần mở đầu video mà CNN Travel giới thiệu về Tạ Hiện, phố bia Tây sầm uất về đêm Hà Nội. Liên tục được các tạp chí du lịch nổi tiếng dành lời khen ngợi, Tạ Hiện đang trở thành điểm đến được yêu thích nhất của du khách trong và ngoài nước khi tới Hà Nội.

Mỗi ngày, “góc phố bia” Tạ Hiện thu hút cả chục ngàn lượt khách tới thưởng thức bia, vui chơi và ăn nhậu. Hoạt động buôn bán tấp nập kéo dài đến 1 – 2 giờ sáng, xôm tụ đến mức những người bán hàng ở đây thường đùa nhau: “Đêm không ngủ vì tiền không bao giờ là đủ”.

Tương tự, sản phẩm “đinh” hút khách rất mạnh của Phú Quốc hiện nay là chợ đêm Phú Quốc (ngã ba Bạch Đằng – Nguyễn Đình Chiểu), trung bình mỗi đêm thu hút tới 3.500 khách, chi tiêu bình quân 150 USD/người (số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2019).

Tính ra, mỗi ngày chợ đêm đã mang về cho Phú Quốc khoảng hơn 10 tỉ đồng. Chưa kể, giá trị bất động sản và giá trị dịch vụ xung quanh chợ đêm này trong bán kính 1 km đã tăng lên 300%; tiểu thương, người dân hưởng lợi lớn.

Không đi nhanh như Hà Nội hay Phú Quốc, nhưng hơn 1 năm qua, du lịch Huế cũng đã có chương trình sáng đêm, các khu phố du lịch, chợ đêm sẵn sàng phục vụ du khách sang ngày mới. Tương tự, TP.Vinh cũng đang có tham vọng sáng đêm với dự án xây dựng phố đi bộ hoành tráng, phục vụ du khách không kể giờ giấc.

Rõ ràng, một sản phẩm du lịch ban đêm thành công có thể trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của toàn địa phương. Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP của nước Anh với quy mô xấp xỉ 66 tỉ bảng Anh, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm.

Chỉ 3 tháng sau khi chính quyền TP.Bắc Kinh (Trung Quốc) triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các hoạt động phát triển kinh doanh ban đêm tại 10 con phố với các hàng ăn ban đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi 24/7, doanh số tại các cửa hàng trên những con phố đi bộ như Wangfujing, Qianmen, Xidan… đã tăng trên 50%.

Được coi là điểm đến “hết tiền vẫn chưa hết chỗ chơi”, Pattaya (Thái Lan) đang xếp hạng 2 trong top những thành phố du lịch hút khách nhất thế giới, chỉ sau London (Anh).

Năm 2018, Thái Lan đã vượt qua các quốc gia và lãnh thổ khác ở châu Á về lợi nhuận từ du lịch khi đạt 57 tỉ USD tiền du khách đổ vào nước này, gần gấp đôi Macau (36 tỉ USD), Nhật Bản (34 tỉ USD), Hồng Kông (33 tỉ USD) và Trung Quốc (33 tỉ USD).

Không thay đổi sẽ bị vượt mặt

Trong khi đó, TP.Đà Nẵng được mệnh danh là “thủ phủ” du lịch miền Trung lại đang “cửa đóng then cài” với các điểm vui chơi giải trí do sản phẩm dịch vụ ở đây vô cùng khiêm tốn.

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, tổng số tiền chi tiêu bình quân chung của 1 lượt khách quốc tế tại Đà Nẵng là trên 5,32 triệu đồng. Khách đi theo tour có mức chi tiêu bình quân 4,29 triệu đồng, cao hơn so với khách tự sắp xếp tour là 3,1 triệu đồng.

Đáng chú ý, chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế chủ yếu cho dịch vụ thuê phòng, ăn uống và đi lại (72,3%), trong đó dịch vụ thuê phòng là cao nhất (33,4%), các dịch vụ còn lại chiếm tỷ trọng khá thấp.

Cô Nguyễn Thu Hiền, hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng, cho rằng chi phí khách tiêu tốn vào các hoạt động vui chơi giải trí về đêm dường như không được thống kê do khách đến Đà Nẵng không có cơ hội tiêu tiền vào ban đêm.

Thực tế, nói Đà Nẵng không có khai thác kinh tế đêm cũng chưa chính xác. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch Việt Nam (Vitour), nhận xét đâu đó trong lòng thành phố vẫn có những khu hoạt động thương mại như chợ đêm, phố Tây, vui chơi giải trí, bar, spa dành cho khách du lịch. Tuy nhiên, mọi thứ đang nằm “lỏng chỏng” lẫn trong các khu dân cư, phải khống chế giờ giấc bởi ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

“Du lịch mà không cho kéo dài thời gian hoạt động là “thua” cả nghĩa đen lẫn bóng. Các đối tác nước ngoài cho thấy khi làm việc với chúng tôi đều đặt câu hỏi, ban đêm cho khách của họ vui chơi giải trí tìm hiểu cuộc sống người dân bản địa thế nào? Họ không có khái niệm giới hạn thời gian như chúng ta. Nếu Đà Nẵng có một địa điểm chuyên nghiệp, hoành tráng chuyên phục vụ du khách về đêm, dang rộng vòng tay chào đón du khách đến 6 giờ sáng hôm sau, chắc chắn doanh thu từ ngành công nghiệp không khói sẽ tăng mạnh”, ông Tùng phân tích và kể tên các khu vui chơi nổi tiếng như Clark Quay của Singapore, hay Lan Quế Phường của Hồng Kông, khu Kabuki – Cho của Tokyo… mà Đà Nẵng cần tham khảo, cần đầu tư và cần có nếu xác định là “thủ phủ” du lịch miền Trung.

Theo Thanh Niên