Thời gian truy cập mạng xã hội của người Việt Nam giảm
Mỗi ngày chúng ta đang dùng MXH gần 150 phút

Khảo sát mới cho thấy thời gian dùng mạng xã hội tăng trung bình gần 60% trong bảy năm qua.

Công ty GlobalWebIndex có trụ sở tại London phân tích dữ liệu từ 45 thị trường internet lớn nhất thế giới và ước tính thời gian mỗi người dành cho các trang hoặc ứng dụng mạng xã hội tăng từ khoảng 90 phút mỗi ngày năm 2012 lên 143 phút trong ba tháng đầu năm 2019.

Có sự thay đổi lớn về việc sử dụng ở mức độ khu vực và quốc gia: Mỹ Latinh, nơi có số người sử dụng mạng xã hội lớn nhất, thời gian truy cập hàng ngày trung bình 212 phút.

Mức trung bình khu vực thấp nhất thuộc về Nam Mỹ (116 phút).

Người dân Philippines dùng mạng xã hội nhiều nhất: 241 phút mỗi ngày, trong khi ở Nhật Bản chỉ là 45 phút.

Sự sụt giảm

Nhưng có lẽ đáng ngạc nhiên, khảo sát khoảng 1,8 triệu người cũng tiết lộ rằng thời gian sử dụng điện thoại không thay đổi hoặc giảm ở gần một nửa số quốc gia khảo sát (20).

GlobalWebIndex nói rằng dữ liệu cho thấy “nhiều người sử dụng internet đang có nhận thức tốt hơn về thời gian họ sử dụng điện thoại.”

“Người dùng internet hiện đang dùng hơn sáu giờ lên mạng mỗi ngày, và một phần ba thời gian đó là cho mạng xã hội,” Chase Buckle từ GlobalWebIndex nói với BBC.

“Lượng thời gian hàng ngày chúng ta dùng mạng xã hội là một trong những chỉ dấu rõ ràng nhất về sự hiện diện của nó, và sự phát triển của các công cụ phúc lợi kỹ thuật số trên điện thoại thông minh chỉ làm tăng sự rõ ràng về sự hiện diện này,” Buckle cho biết thêm.

Trong số các quốc gia được khảo sát, Thái Lan có sự sụt giảm lớn nhất trong việc sử dụng mạng xã hội hàng ngày: thời gian trung bình giảm từ 194 phút xuống 171 phút trong năm 2018 và 2019.

Ở Việt Nam, thời gian dùng mạng xã hội hàng ngày giảm 10 phút so với năm ngoái, từ 2 giờ 33 phút trong năm 2018 xuống 2 giờ 23 phút năm 2019.

Smartphone và Facebook đã trở thành khái niệm quen thuộc với giới trẻ Việt Nam

Indonesia, Bỉ, Ghana và Hoa Kỳ cũng cho thấy sự giảm mạnh.

Siêu ứng dụng

Trung bình người Trung Quốc dùng mạng xã hội 139 phút mỗi ngày, nhiều hơn 19 phút so với năm 2018.

Mức sử dụng hàng ngày tăng 14 phút ở Saudi Arabia và 13 phút ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Người dùng internet hiện đang online hơn sáu giờ mỗi ngày, và một phần ba thời gian đó dành cho mạng xã hội

Chase Buckle, Trends Manager, GlobaWebIndex

“Ở châu Á, bối cảnh mạng xã hội khá độc đáo. ‘Siêu ứng dụng’ – ứng dụng mạng xã hội vượt xa vai trò của nền tảng mạng xã hội theo nghĩa phương Tây – đang phổ biến. Nó cho phép người dùng không chỉ kết nối với nhau, mà còn làm bất cứ thứ gì từ thanh toán hóa đơn tiện ích, đặt nhà hàng, gọi taxi và thanh toán các sản phẩm trong cửa hàng,” Chase Buckle giải thích.

“Ở Trung Quốc, WeChat thống trị mạng xã hội, và ngày càng nhiều hoạt động đang chuyển dần sang ứng dụng, khiến người dùng ngày càng có nhiều lý do sử dụng mạng xã hội để điều hướng cuộc sống hàng ngày của họ.”

Số liệu thống kê dân số

Việc tăng thời gian dùng mạng xã hội dường như được củng cố bằng việc sử dụng của những người từ 16 đến 24 tuổi.

Họ là những người dành thời gian online nhiều nhất mỗi ngày – GlobalWebIndex đếm thời gian dùng mạng xã hội hàng ngày của họ chỉ dưới 180 phút vào năm 2018.

Dân số càng trẻ, thời gian sử dụng nói chung của quốc gia sẽ càng cao, đó là lý do tại sao các quốc gia thị trường mới nổi dẫn đầu bảng xếp hạng “thời gian online”

“Người dùng trẻ tuổi vẫn nằm trong số những người sử dụng nhiều nhất so với các nhóm tuổi khác. Thực tế là họ sẽ vẫn là những người bận rộn nhất,” Buckle tin là như vậy.

Hạnh phúc

Các chuyên gia cảnh báo rằng thời gian sử dụng điện thoại nhiều hơn liên quan đến một loạt vấn đề về sức khỏe thần kinh.

Thời gian dùng MXH tăng ở phần lớn các quốc gia được khảo sát

“Nghiên cứu chỉ ra rằng những người dùng mạng xã hội nhiều hơn thì ít hạnh phúc hơn,” Ashley Williams, trợ lý giáo sư tại Harvard Business School nói.

“Sử dụng công nghệ quá mức có thể gây vấn đề. Trong các trưởng hợp cực đoan, nó liên quan đến trầm cảm, tai nạn và thậm chí tử vong.”

Những rủi ro tiềm ẩn dường như đã gây ra các thay đổi về hành vi, mặc dù: các ứng dụng “digital well-being”, giới hạn hoặc theo dõi thời gian sử dụng điện thoại, đang gia tăng.

Nghiên cứu của GlobalWebIndex cho thấy những người sử dụng mạng xã hội “nhiều” thường sử dụng các công cụ đó – bao gồm cả số liệu thống kê nhân khẩu của người trẻ.

“Họ là người am hiểu kỹ thuật số, nhưng nó cũng cho phép họ dễ dàng điều chỉnh thời gian trên màn hình kỹ thuật số hơn. Hơn hai phần ba trong số những người từ 16 đến 24 tuổi thừa nhận rằng họ liên tục online và hơn một phần ba cũng nói rằng công nghệ khiến cuộc sống phức tạp hơn. Rõ ràng, vẫn có sự nhận thức sâu sắc về tác động của công nghệ đối với cuộc sống của họ “, Buckley lưu ý.

Những người trong độ tuổi 16-24 dùng MXH nhiều nhất trên thế giới

Khoảng 30% người dùng tuổi từ 16 đến 24 đã nói về một số hình thức theo dõi màn hình trong khảo sát của GlobalWebIndex – cao nhất trong các nhóm tuổi.

Theo GlobalWebIndex