Thiếu xăng: Khan hàng đến khi nào?
Tại một trạm xăng ở quận Bình Tân, TP.HCM, nhân viên ngồi ra hiệu hết xăng khi khách đến mua (ảnh chụp chiều 21-2) - Ảnh: T.T.D.

Dư luận vẫn nóng với việc hàng hoạt cây xăng đóng cửa hoặc bán cầm chừng. Chưa thể biết tình trạng này kéo dài trong bao lâu nữa. Khan hàng hay doanh nghiệp găm hàng? Ai đang khó khăn, ai đang chọn im lặng là vàng trước thực tế này?

Người mua xăng bức xúc gọi chủ các cây xăng đóng cửa không bán hàng là gian thương. Họ hoan hô lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát phạt rút giấy phép bởi xăng là hàng hóa thiết yếu, ảnh hưởng đến các ngành nghề khác nên bán lỗ cũng phải bán.

Găm hàng hay khan hàng?

Phía ngược lại, các ý kiến ở góc độ cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì bực mình vì vừa bán lỗ vừa bị chửi.

Họ tràn lên các diễn đàn giải thích rằng giá nhập vào (giá mua) bằng giá bán ra hoặc giá nhập vào cao hơn giá bán ra, rồi là chi phí vận chuyển, hao hụt, nhân công, điện nước… thì mỗi lít họ lỗ 500 – 700 đồng.

Nếu mỗi cửa hàng bán lẻ có doanh số 30.000 lít thì họ lỗ 15 – 21 triệu đồng/tháng (chưa tính đến tiền thuê cây xăng khoảng 300 – 500 đồng/lít). Họ quay sang đổ lỗi cho thương nhân phân phối và thương nhân đầu mối không lo đủ nguồn hàng cho họ, bóp chiết khấu…

Thương nhân phân phối, lực lượng trung gian mua từ các nhà đầu mối bán lại cho các đại lý để hưởng chênh lệch hầu như giữ thái độ im lặng.

Thị trường hiện nay hiếm có thương nhân phân phối nào dự trữ nguồn cung 20 ngày, vì rủi ro về giá xuống, chi phí tài chính, nguồn vốn lớn, hao hụt, gửi kho… nên thường họ chỉ hoạt động sang tay để kiếm lợi nhuận.

Nhưng khi hàng hóa khan hiếm, thương nhân phân phối cũng sẽ bị bỏ rơi vì các ông đầu mối không có trách nhiệm cung cấp hàng để họ cung cấp cho đại lý và cửa hàng bán lẻ của họ.

Tôi cho rằng những thương nhân đầu mối (nhập khẩu) là đáng thương nhất. Họ chịu nhiều áp lực, áp lực từ cơ quan chức năng, khách hàng, đại lý… nhưng họ không dám lên tiếng. Mọi người thường nghĩ đầu mối nhập khẩu sẽ rất lời nhưng sự thật họ vẫn thường phải chịu lỗ.

Có lẽ bạn không tin nhưng đó là sự thật! Vấn đề nằm ở chỗ các đầu mối Việt Nam hầu như mua hàng dạng spot trade (mua hàng giao ngay) nghĩa là không có hợp đồng dài hạn mà mua theo lô, lô này được giá thì mua, không được giá thì không mua.

Do vậy, không mua hàng với giá tốt nhất. Về Việt Nam, chi phí hao hụt, kho, tài chính… thì giá nhập khẩu thành ra cao hơn giá bán lẻ tại các cây xăng.

Mọi người sẽ nói: nhập lỗ vậy sao vẫn nhập, vẫn ào ào xin lên đầu mối? Tại sao họ vẫn nhập và họ vẫn “giàu”? Như lý giải ở trên, họ nhập khẩu họ lỗ nhưng họ thường mua hàng có thời hạn trả chậm là 3 – 6 tháng.

Với dòng tài chính lớn, họ mua bất động sản, tham gia vào các dự án và sau đó họ thế chấp ngân hàng để vay vốn để đầu tư các ngành nghề khác lấy lãi bù vào. Họ trưng dụng nguồn thuế lớn (thuế xăng, dầu) để hoạt động đầu tư tiếp. Nói chung, các anh đầu mối chuyển lỗ 1.000 – 2.000 đồng/lít là bình thường, họ không chỉ chờ lãi từ xăng dầu.

Vì sao thương nhân đầu mối im lặng?

Một vấn đề nữa, khi các ông đầu mối mua dạng mua hàng giao ngay, mua với giá cao hơn nhưng lúc hàng hóa khan hiếm càng khó mua khi bên bán chỉ sẵn hàng cho các hợp đồng dài hạn.

Và các đầu mối không dám mua vì giá cao nhưng giá trong nước được Nhà nước điều tiết. Trường hợp này, đầu mối nhập về cũng không dám bán hoặc điều tiết lượng hàng bán ra vì bán là lỗ. Họ canh chiết khấu thị trường hoặc đợi chu kỳ tiếp theo để bán hàng để bớt lỗ.

Với doanh nghiệp đầu mối tư nhân, nhiều anh đang nợ thuế đầm đìa và nợ ngân hàng không ít, và còn những vấn đề khác nữa nên họ chọn “im lặng là vàng”. Đầu mối xăng dầu nhà nước có tiềm lực tài chính, có các hợp đồng dài hạn nên nguồn cung không khó như tư nhân.

Và nếu có lỗ cũng không phải tiền của họ, kinh doanh xăng dầu là nhiệm vụ nên họ im lặng giữa lúc khó khăn này. Và xăng được bán nhỏ giọt chờ điều chỉnh giá cho bớt lỗ hoặc nhập ít để đối phó với cơ quan chức năng.

Có một nghịch lý là “lỗ cũng phải bán”, “lỗ cũng phải nhập”. Nhưng doanh nghiệp sẽ không chấp nhận lỗ bởi những yếu tố khác, không phải lỗi của họ.

Doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng đúng, đóng đủ các loại thuế, phí. Vậy tư duy lỗ cũng phải nhập, lỗ cũng phải bán là sai đối với doanh nghiệp tư nhân và vẫn sai đối với doanh nghiệp nhà nước vì doanh nghiệp nhà nước lỗ vẫn là tiền của dân.


3 giải pháp cho thị trường xăng dầu:

Giải pháp gì cho thực tế khó khăn này?

Thứ nhất, gốc của vấn đề là nguồn hàng. Điều hành vấn đề này không chỉ chạy theo thị trường, xử lý tình huống. Nên nhìn cái gốc vấn đề là việc tiếp cận nguồn hàng và giá cả phù hợp là vấn đề cốt lõi.

Khi có những hợp đồng dài hạn thì giá có lên, giá có xuống gì đó thì thị trường không bao giờ thiếu hàng. Chủ động hơn về nguồn hàng thì việc tính giá, thuế… là chuyện dễ hơn nhiều. Doanh nghiệp nhà nước, tư nhân ai có năng lực làm hợp đồng dài hạn với nước ngoài thì nhập về.

Thứ hai, xây dựng thêm hệ thống kho cảng để trữ hàng. Hiện nhiều nước đang trữ các mặt hàng thiết yếu (trong đó có xăng dầu). Hệ thống kho bãi của chúng ta nhỏ nên trữ hàng không nhiều. Nên khi khan hiếm chúng ta thường bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề hơn các nước khác.

Thứ ba, cần sửa đổi cơ chế pháp lý đủ mạnh để ràng buộc các doanh nghiệp tham gia ngành xăng dầu. Ai tham gia phân khúc nào (bán lẻ, phân phối, kho bãi…) phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định mới được kinh doanh.

“Tiếng khóc” của cửa hàng bán lẻ

Các nhà bán lẻ thường “đi chợ” trước khi chốt đơn hàng. Câu chuyện làm ăn hằng ngày của họ là chiết khấu hôm nay bao nhiêu?

Chiết khấu thấp thì họ quay qua mua nguồn hàng không có hóa đơn chứng từ, nguồn hàng kém chất lượng. Nguồn hàng lậu hiện nay bị đánh chặn, không còn nhiều nữa cũng là nguyên nhân cửa hàng bán lẻ sẽ thiếu xăng.

Theo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/thieu-xang-khan-hang-den-khi-nao-20220224200405224.htm