Thêm 2 ứng dụng gọi xe được phép thí điểm: Đường đâu mà đi !?
Trong bối cảnh hạ tầng giao thông tại TP HCM hạn chế, kẹt xe thường xuyên, việc mở rộng thêm đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng gọi xe gây lo ngại về tình trạng "ngộp " ôtô con
Lượng ôtô con tại TP HCM tăng rất nhanh kể từ khi triển khai thí điểm loại hình taxi công nghệ

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản thống nhất đề xuất của UBND TP HCM về việc cho phép 2 ứng dụng gọi xe GoCar (Công ty TNHH Thương mại công nghệ GoViet) và FastGo (Công ty CP FastGo Việt Nam) được phép thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách trên địa bàn TP (Quyết định số 24). Như vậy, TP sẽ có 8 doanh nghiệp tham gia thí điểm.

Ôtô con tăng chóng mặt

Trong văn bản đề xuất, UBND TP HCM đề nghị được triển khai đề án thí điểm phần mềm ứng dụng GoCar, FastGo trên địa bàn TP HCM trong thời gian chờ nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô có hiệu lực.

Thống nhất việc này, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP HCM giao Sở Giao thông Vận tải TP chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định cho đến khi nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 được ban hành và có hiệu lực.

Bên cạnh đó, 2 công ty trên phải thực hiện các chính sách, nghĩa vụ thuế theo quy định.

Theo Ban An toàn giao thông TP HCM, trên địa bàn hiện có hơn 520.000 ôtô, trong đó ôtô con chiếm tới 330.000 chiếc.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ôtô con cao hơn xe máy. Cụ thể, từ năm 2011 đến 2018, ôtô con tăng trưởng trung bình khoảng 11,5%/năm, còn xe máy chỉ 6,5%/năm.

Chỉ riêng năm 2018, ôtô dưới 10 chỗ đăng ký mới trên địa bàn là hơn 35.000 xe, trong khi số xe chuyển đến TP hoạt động là khoảng 3.200 xe.

Các chuyên gia giao thông cho rằng ôtô con được xem là bùng phát từ lúc triển khai loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử như Grab, Uber… Việc này kéo theo áp lực giao thông gia tăng do cơ sở hạ tầng tại TP hạn chế, tình hình ùn tắc giao thông hết sức phức tạp.

Trong khi đó, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TP HCM, cho rằng các Công ty Grab, GoViet… ứng dụng khoa học công nghệ vào dịch vụ vận tải là xu hướng chung, phù hợp và mang lại nhiều lợi ích.

Vì vậy, trong khi chờ nghị định thay thế Nghị định 86, theo ông Tính, việc mở rộng các đơn vị tham gia là phù hợp.

Ông Lê Trung Tính cho rằng không nên quá lo ngại sự “quá tải” của loại hình này bởi trong nền kinh tế thị trường, “cung – cầu” sẽ tự điều tiết, đồng thời cũng là cơ sở để cơ quan quản lý điều chỉnh phù hợp.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý là nếu lượng xe tăng trưởng quá nhanh, gây quá tải cho hạ tầng thì bắt buộc phải điều chỉnh phù hợp, cần thiết thì sẽ hạn chế số lượng xe.

Đã hoạt động nhiều tháng qua (?)

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Tổng Giám đốc FastGo, cho biết hiện FastGo có hơn 40.000 xe tại các thành phố lớn trên cả nước, trong đó có khoảng 30.000 ôtô. Trong năm nay, công ty sẽ đạt 50.000-60.000 xe.

Theo ông Tuất, việc FastGo được phép thí điểm tại TP HCM cũng sẽ không làm cho số lượng ôtô tăng lên nhiều vì sẽ có nhiều tài xế taxi truyền thống chuyển sang chạy xe công nghệ.

Đại diện các hãng gọi xe công nghệ cho rằng ứng dụng gọi xe GoViet và FastGo được phép thí điểm chỉ là hình thức vì họ cũng đã hoạt động trong nhiều tháng qua.

Trong khi đó, nhiều hãng xe công nghệ bức xúc cho biết họ cũng đã nộp hồ sơ từ lâu nhưng vẫn chưa có địa phương nào ra văn bản chấp thuận họ thí điểm.

Ông Nguyễn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty CP T.Net (ứng dụng gọi xe T.Net), khẳng định việc có được cho phép thí điểm hay không cũng không cấm được các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoạt động. Tuy nhiên, nếu doanh nghiêp được chính quyền chấp thuận cho thí điểm thì họ sẽ có lợi thế hơn các doanh nghiệp khác.

Theo NLĐ