Tê tê Việt Nam đang bên bờ vực tuyệt chủng

Nguyễn Trang

Chăm sóc Tê tê con mất mẹ, bú bình thay sữa mẹ (Ảnh: SVW)

Tê giác một sừng đã tuyệt chủng mãi mãi ở Việt Nam năm 2010. Mười năm sau, năm 2020, một loài động vật cũng có chữ “tê” là Tê tê cũng đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng

Theo các chuyên gia cảnh báo, nếu không hành động, mười năm sau nữa có thể chúng sẽ biết mất vĩnh viễn khỏi Việt Nam.

Không chỉ Tê giác, Tê tê mà nhiều loài động vật khác như hổ, sao la, báo gấm, báo hoa mai cũng đã tuyệt chủng hoặc không còn khả năng phục hồi ngoài tự nhiên, để lại nhiều khu rừng ở việt nam là rừng lặng, ít tiếng thú, ít tiếng chim.

Hầu hết, chúng ta đều biết Tê tê là loài thú hoang dã đang bị săn bắt và buôn bán nhiều nhất trên thế giới. Theo thống kê của Hội Bảo vệ tê tê Châu phi ước tính mỗi năm có đến gần 3 triệu cá thể Tê tê bị săn bắt và buôn bán phục vụ mục đích làm thức ăn và thuốc đông y.

Một sự thật đáng buồn hơn,Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đang là một trong những điểm nóng trong việc trung chuyển và tiêu thụ Tê tê do nhu cầu sử dụng thịt và vảy Tê tê ở Trung quốc và trong nước.

Mỗi năm, vào ngày Tê tê thế giới, các tổ chức quốc tế và trong nước đều có một sự kiện hành động vì Tê tê và cố gắng đưa ra thông điệp kêu gọi sự chung tay của cộng đồng bảo tồn Tê tê, lại một năm nữa, Ngày Tê tê thế giới năm nay vào 15/2/2020, lời kêu gọi vẫn tiếp tục đầy thúc giục và còn mạnh mẽ hơn khi mà các hoạt động săn bắt, mua bán và tiêu thụ tê tê vẫn chưa có dấu hiệu giảm, ngược lại còn gia tăng gấp nhiều lần.

Tê tê ở Việt Nam đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao nhất do áp lực săn bắt và buôn bán phục vụ nhu cầu của con người.

Với giá từ 7-10 triệu đồng/kg từ các thương lái, Tê tê trở thành đối tượng săn lùng nhiều nhất ở Việt Nam. Qua các nghiên cứu khoa học bằng bẫy ảnh ở Việt Nam cho thấy hiện quần thể Tê tê đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Loài Tê tê Java chỉ còn phân bố tại một vài khu bảo tồn với số lượng vài ngàn cá thể, chủ yếu được tái thả sau khi được cứu hộ từ buôn bán trái phép.

Loài Tê tê Vàng không còn ghi nhận được bằng bẫy ảnh trong vòng 20 năm trở lại đây, và hiện có duy nhất 7 cá thể trong trung tâm cứu hộ. Vì vậy, nếu không có các hoạt động bảo tồn mạnh mẽ và hiệu quả, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ cả 2 loài Tê tê sẽ bị tuyệt chủng trong 10 năm tới

Hiên nay, Tê tê phân bố tại Việt Nam được pháp luật bảo vệ ở mức cao nhất. Hai loài Tê tê phân bố tại Việt Nam đều có tên trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Theo Bộ luật hình sự mới, từ 1/7/2016, mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã gồm hành vi buôn bán, săn bắt Tê tê là phạt tù 15 năm và 2 tỷ đồng tiền phạt. Đối với các tổ chức thương mại là 15 tỷ đồng tiền phạt và bị đình chỉ hoạt động kinh doanh vĩnh viễn.

Ngoài ra, những quy định của Chính phủ về quản lý, bảo vệ và hoạt động xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được quy định tại cũng phần nào giúp Tê tê và động vật hoang dã khác được bảo vệ khỏi sự săn bắt và mua bán trái phép.

Cứu hộ và chữa trị vết thương cho Tê tê từ buôn bán trái phép (Ảnh: SVW)

Mới đây, Bộ Tài nguyên và môi trường có công văn số 379/BTNMT-TCMT đề nghị các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp, nội dung cụ thể yêu cầu cán bộ nhà nước, người dân không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật kiểm soát thường xuyên đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chỉ đạo các cơ quan truyền thông, đài truyền hình tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn đa dạng sinh học, động vật hoang dã.

Đầu tư 85 tỷ đồng để bảo tồn loài Tê tê

Dự kiến hơn 85 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho công tác bảo tồn các loài tê tê ở Việt Nam theo “kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài tê tê ở việt nam giai đoạn 2020 – 2030” được Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) đề xuất xây dựng với sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành và đã đạt được sự đồng thuận cao và chuẩn bị trình thủ tướng chính phủ phê duyệt

SVW là một trong những tổ chức phi lợi nhuận đi đầu trong công tác bảo tồn Tê tê ở Việt Nam và trong khu vực. Trung tâm nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo tồn loài tê tê và trực tiếp phối hợp thực hiện cứu hộ trên 1600 cá thể Tê tê, với gần 60% được tái thả lại tự nhiên. SVW cũng đi đầu trong công tác nghiên cứu, bảo vệ môi trường sống của Tê tê, giáo dục tuyên truyền cộng đồng để giảm nhu cầu sử dụng Tê tê.

Tê tê được chăm sóc sức khỏe và phục hồi tập tính tự nhiên tại Trung tâm cứu hộ SVW (Ảnh: SVW)

Cần làm gì để bảo tồn Tê tê?

Các tổ chức quốc tế, chính phủ Việt Nam đã và đang ra sức ngăn chặn sự suy giảm số lượng Tê tê trong tự nhiên và giảm nguy cơ tuyệt chủng do vấn nạn săn trộm và buôn bán trái phép cũng như nạn khai thác quá mức để phục vụ cho nhu cầu sử dụng Tê tê.

Nhưng cái gốc của vấn đề là ở người tiêu dùng và nhu cầu tiêu thụ, nếu không có người mua thì không còn người bán, không có nhu cầu thì nguồn cung sẽ mất.

Trong khi cả thế giới đang nỗ lực giúp những con vật đáng thương này không bị tuyệt chủng và còn cơ hội để ở lại trong lòng tự nhiên, ngôi nhà thực sự của động vật hoang dã, góp phần phát triển bền vững đa dạng sinh học và cứu lá phổi xanh duy nhất.

Các chuyên gia kêu gọi, không ăn, không sử dụng Tê tê. Hãy nghĩ đến sức khỏe của chính mình và người thân trước những nguy cơ bệnh dịch chết người từ việc sử dụng và tiêu thụ động vật hoang dã đã và đang bùng phát khắp nơi trên toàn cầu, hãy nghĩ về 2019-NCOV, SAR, EBOLA…

Không tiếp tay cho buôn bán bằng cách tố giác hành vi mua bán trái phép thông qua đường dây nóng cứu hộ và bảo vệ Tê tê gồm Trung tâm SVW 0978 331 441, ENV: 18001522.

Đồng thời tuyên truyền, chia sẻ thông điệp bảo vệ Tê tê mạnh mẽ đến những người còn ăn, còn mua bán, như là một hành động thiết thực giúp để giúp không còn người mua (ăn), không còn kẻ bán và săn bắt ĐVHD, không còn phá rừng, không còn mất mát thêm cho thiên nhiên.