Tây Ninh áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp

Hoàng Đức – Trắc Long

Một số loại trái cây đang được nhà máy Tanifood thu mua.

Trong những năm gần đây, tỉnh Tây Ninh đã trở thành địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến tìm đến đầu tư.

Cụ thể, nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại huyện Gò Dầu là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành.

Với công nghệ quản lý E farm, hàng nghìn trang trại của nông dân với diện tích hơn 2000 ha trở thành đối tác nguyên liệu cho nhà máy.

Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lavifood, Tây Ninh, cho biết: “Với việc nhà máy nhà máy đạt chuẩn quốc tế nên rất nhiều tập đoàn trên thế giới đến hợp tác, ký kết xuất khẩu, tương tự trong nước nhiều tập đoàn cũng đến thăm quan, xúc tiến sản phẩm”.

Mặc khác, tỉnh Tây Ninh đã trở thành đối tác của nhiều tập đoàn kinh tế. Lần đầu tiên Vietnam Airlines và UBND tỉnh Tây Ninh đã ký kết hợp tác đưa nông sản sạch của Tây Ninh lên các chuyến bay.

Sau quả dưa lưới, dưa lê đã được đưa lên máy bay từ tháng 4 và những sản phẩm chế biến công nghệ cao sẽ tiếp tục được xem xét.

Bên cạnh đó, Tây Ninh hiện sở hữu những doanh nghiệp, trang trại đầu tàu về nông nghiệp, phát triển ở 3 lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Theo TS. Huỳnh Thế Du – Đại học Fulbright cho biết, xây dựng Đề án chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh nhằm xác định những tồn tại, hạn chế, tiềm năng từng sản phẩm nông nghiệp để có giải pháp thúc đẩy phát triển phù hợp.

Đề án này được xem như “kim chỉ nam” cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian tới. Đồng thời, để thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, tỉnh đã tham gia dự án nâng cao năng lực chuỗi giá trị rau quả, cây ăn trái của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do ADB cho vay với kinh phí đề xuất 2.616 tỷ đồng.

Tây Ninh là tỉnh xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư, hiện nay có 57 dự án đầu tư vào nông nghiệp. Từ nay đến năm 2021, tỉnh quy hoạch tối thiểu 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên diện tích 4.000 ha. Trở thành một hình mẫu đi lên làm giàu bằng nông nghiệp là mục tiêu tỉnh Tây Ninh hướng tới.