Tạo sự lan toả của thương mại điện tử

An Dương

Chỉ số thương mại điện tử những năm qua cho thấy phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2020 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2019 Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm 18% dân số nhưng chiếm trên 70% giao dịch thương mại điện tử của cả nước.

Điều này có nghĩa là 61 địa phương còn lại chiếm 82% dân số nhưng chỉ đóng góp chưa tới 30% quy mô thương mại điện tử.

Đáng chú ý là tỷ trọng 70% này ổn định trong cả giai đoạn 2016 – 2019 và chưa có dấu hiệu thay đổi trong những năm tới.

Theo khảo sát năm 2019 của VECOM cho thấy có 23% doanh nghiệp ở Hà Nội, 23% ở Tp. Hồ Chí Minh tham gia các sàn thương mại điện tử, trong khi đó chỉ có 15% doanh nghiệp ở các tỉnh khác hiện diện trên sàn.

Nếu tính riêng khu vực nông thôn thì chỉ có 6% doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử.

Không chỉ khác biệt lớn về tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn mà hiệu quả kinh doanh trên sàn của các doanh nghiệp ở hai thành phố này cao hơn nhiều so với các địa phương.

Từ chiều ngược lại, theo thông tin từ một sàn thương mại điện tử hàng đầu hiện nay ở Việt Nam, có tới 39% chủ sở hữu gian hàng ở Tp. Hồ Chí Minh, 31% ở Hà Nội, 61 địa phương khác chỉ có 30% chủ sở hữu gian hàng trên sàn này.

Do tên miền quốc gia là một hạ tầng Internet gắn chặt với sự phát triển của thương mại điện tử nên có thể thấy trong những năm gần đây có sự tương đồng rất lớn giữa sự phát triển thương mại điện tử và hạ tầng này của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương.

Trong năm 2015 Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm tới 80% tên miền quốc gia.VN. Trong ba năm 2017 – 2019 tỷ lệ này khá ổn định, năm 2019 hai thành phố này chiếm 77% tên miền quốc gia .VN.

Lợi thế giữa “điện tử” và “truyền thống”

Vẫn theo báo cáo của VECOM, những lợi thế của thương mại điện tử so với thương mại truyền thống khó rõ ràng bao gồm thủ tục mua bán nhanh, dễ dàng tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá; Không bị giới hạn thời gian kinh doanh, có thể tiến hành mua/bán 24/7; Tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, về cơ bản không bị giới hạn bởi địa lý; Chi phí kinh doanh giảm nhưng chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng tăng.

Chính vì thế những địa phương chậm triển khai thương mại điện tử sẽ gặp khó khăn đáng kể.

Theo phân tích trong báo cáo, với doanh nghiệp chậm triển khai thương mại điện tử sẽkhó tiếp cận khách hàng ở các địa phương khác, đặc biệt là Hà Nội và Tp. HCM.

Đặc biệt, rất khó tiếp cận thị trường nước ngoài trong thời đại xuất khẩu trực tuyến đang nổi lên mạnh mẽ, bao gồm bán lẻ trực tuyến qua biên giới. “Chậm chuyển đổi số dẫn tới năng lực cạnh tranh thấp, chi phí kinh doanh và giá thành sản phẩm cao”, Báo cáo nhấn mạnh.

Thiếu sự hiện diện rộng rãi của thương mại điện tử ngay i người tiêu dùng cũng chịu thiệt thòi khi giảm cơ hội chọn lựa nhà cung cấp và sản phẩm với chất lượng và giá cả tối ưu.

Trong nhiều trường hợp rất khó mua được tại địa phương các sản phẩm sẵn có qua mạng hoặc ở các thành phố lớn, làm giảm chất lượng sống.

Điều đó làm giảm cơ hội tiếp cận gần như bình đẳng với người tiêu dùng ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đối với các sản phẩm số hóa, chẳng hạn như dịch vụ giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến, các dịch vụ trực tuyến liên quan tới ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, du lịch…

Trong Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2019, VECOM nhận định muốn thương mại điện tử phát triển nhanh, cân bằng và bền vững nhất thiết phải thu hẹp khoảng cách số giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương khác.

VECOM nhận định thành công của việc thu hẹp khoảng cách số nói chung và thương mại điện tử nói riêng giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn vĩ mô và hành động cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương.