Tại sao startup Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh đại dịch

Ngân Hà

Ông Charles Rim, đối tác sáng lập của quỹ Access Ventures dự đoán, hậu COVID-19, các nhà đầu tư sẽ quan tâm trở lại các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2017, Access Ventures là một công ty đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu tập trung vào các công ty công nghệ tại Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, Access Ventures đã thu được một danh mục đầu tư ấn tượng bao gồm các startup đáng chú ý như Abivin (startup giành chiến thắng cuộc thi Startup World Cup 2019), nền tảng bán vé xe buýt Vexere và Moca (một nền tảng thanh toán được Grab mua lại năm 2018).

Ông Charles Rim trước đây là người đứng đầu M & A ở khu vực APAC (trừ Trung Quốc) cho Google từ năm 2006 đến năm 2011. Ông cũng từng là giám đốc chiến lược và phát triển công ty của Yahoo Hàn Quốc.

KrASIA đã có cuộc phỏng vấn ông Rim để trao đổi về việc các startup có thể vượt qua COVID-19 như thế nào và liệu các startup công nghệ Việt Nam có còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai gần hay không.

Charles Rim (thứ hai từ trái sang) cùng với các thành viên trong nhóm tại Access Ventures

Kr: Đây là khoảng thời gian rất khó khăn đối với các công ty khởi nghiệp. Ông có lời khuyên nào cho các nhà sáng lập khởi nghiệp trong danh mục đầu tư của ông không?

Ông Charles Rim (CR): Cuộc khủng hoảng này đã tạo ra một cơ hội học tập cho hầu hết các nhà sáng lập khởi nghiệp. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đây là lần đầu tiên có một cuộc suy thoái đáng kể. Tôi nghĩ rằng nó có thể giúp những người sáng lập tập trung hơn.

Tất nhiên, lời khuyên chính đó là bảo toàn tiền mặt, đó là một trong số ít những thứ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của những người sáng lập startup.

Hãy xem nguồn lực của bạn và đưa ra một số quyết định khó khăn. Vốn đầu tư chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn trong ít nhất một vài quý. Có một vài số liệu cho thấy, khi dòng vốn đầu tư xuất hiện trở lại, các nhà đầu tư sẽ xem cách các startup đang hoặc đã xử lý giai đoạn khủng hoảng này như thế nào.

Một số công ty gần đây đã gọi được vốn đầu tư hoặc đã có tiền để duy trì hoạt động trong hơn một năm chắc chắn có sự linh hoạt hơn.

Trong trường hợp các công ty không đủ tài chính để duy trì trong hơn một năm, chúng tôi phải giả định rằng [doanh thu từ] của một vài quý sẽ bị mất do cuộc khủng hoảng này, vì vậy cần phải thực hiện các biện pháp nghiêm khắc hơn để duy trì dòng tiền, như cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương của nhân viên.

Khi đang ở trong cuộc khủng hoảng hiện tại, tôi nghĩ các startup nên tập trung vào gọi vốn ít hơn, thay vào đó nên tập trung nhiều vào việc thực hiện và tiết kiệm chi phí. Đây là thời điểm tuyệt vời để xem xét những thay đổi chiến lược quan trọng vốn khó thực hiện trong thời điểm tốt hơn.

Nếu phải huy động vốn trong giai đoạn này, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng chấp nhận rủi ro với các công ty có thể vận hành tài chính gọn gàng và an toàn.

Các startup nên tập trung phân tích vào tỷ lệ ROI kinh doanh trong mọi việc họ làm. Hay đặt ra câu hỏi bạn đang nhận được gì từ các khoản chi tiêu và làm thế nào có thể đo lường điều đó.

Kr: Access Ventures tập trung vào các startup giai đoạn đầu, vậy, cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến phương pháp đầu tư này trong tương lai như thế nào?

CR: Chúng tôi muốn đầu tư vào các công ty có giá trị cơ bản mạnh mẽ, thường là công nghệ của họ. Giá trị cơ bản đó không phải lúc nào cũng nằm trong khả năng tạo doanh thu và lợi nhuận của các startup. Giá trị có thể nằm ở khả năng tạo ra sản phẩm.

Chẳng hạn, Moca, một trong những công ty thuộc danh mục đầu tư của chúng tôi tại Việt Nam, đã được Grab mua lại trong vòng chưa đầy hai năm. Moca có những người sáng lập có kinh nghiệm về công nghệ rất mạnh từ Microsoft và Google.

Mặc dù mạng lưới thương nhân và khách hàng ban đầu của startup này khá nhỏ tại Việt Nam, Grab vẫn quyết định mua lại Moca là bởi nền tảng công nghệ di động mạnh mẽ, khả năng tích hợp và hợp tác với các ngân hàng khác.

Tôi không nghĩ rằng tiêu chí của chúng tôi sẽ thay đổi vì khủng hoảng, nhưng cuộc khủng hoảng sẽ cho chúng tôi nhiều điểm dữ liệu thú vị về người sáng lập và cách họ vận hành doanh nghiệp.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng cũng sẽ cho chúng ta biết rất nhiều về mức độ nhạy cảm của một số mô hình khởi nghiệp này đối với khủng hoảng.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn tập trung vào các nhà lãnh đạo vững chắc với tầm nhìn mạnh mẽ, đồng thời đủ khiêm tốn để nhận lỗi và điều chỉnh.

Chúng tôi đang trong giai đoạn cuối cùng để kết thúc một số giao dịch mà chúng tôi đã cam kết trước đó trong quý và thực sự sắp cam kết thêm một giao dịch nữa. Chúng tôi đang thận trọng hơn, nhưng đồng thời, chúng tôi là nhà đầu tư dài hạn.

Chắc chắn, cũng có vấn đề với việc đầu tư vào các công ty công nghệ mạnh có thể tạo ra doanh thu chậm hơn vì họ phải dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn để xây dựng công nghệ. Bạn phải kiên nhẫn hơn như một nhà đầu tư.

Chúng tôi không phải là SoftBank, vì vậy chúng tôi không thể tự mình làm cho các công ty tồn tại. Điều quan trọng đối với chúng tôi là có những nhà đầu tư khác có thể nhìn thấy những giá trị tương tự.

Kr: Việt Nam, một trong những thị trường cốt lõi của Access Ventures, đã nhận được rất nhiều sự chú ý vào năm ngoái và được coi là ngôi sao đang lên của nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á, một thị trường tăng trưởng cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm một làn sóng sau Indonesia. Ông có nghĩ COVID-19 sẽ làm chậm đà của Việt Nam không?

CR: Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã xóa sạch nhu cầu của người tiêu dùng. Mỗi lĩnh vực sẽ bị tác động khác nhau, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ thấy một trận lũ trở lại với các sản phẩm và dịch vụ.

Sẽ có khá nhiều nhu cầu đang bị dồn nén để phục vụ. Ngoài ra, tình hình COVID-19 chắc chắn đã nâng cao vị thế của công nghệ và nền kinh tế kỹ thuật số. Sẽ có các lĩnh vực rõ ràng được hưởng lợi từ tình huống này, chẳng hạn như thể thao điện tử, thương mại kỹ thuật số, giáo dục và y tế.

Khi cuộc khủng hoảng này xác định những điểm yếu lớn trong các hệ thống y tế trên toàn cầu, sẽ có nhiều cơ hội hơn. Người tiêu dùng sẽ chuyển sang trực tuyến không chỉ đối với thương mại điện tử, mà còn đối với các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục.

Điểm hay của môi trường đầu tư mạo hiểm (VC) là tiền đầu tư mạo hiểm không bị các nhà đầu tư rút tiền. Khi cuộc khủng hoảng kết thúc, các VC sẽ tính đến rủi ro của đất nước, chính phủ đã xử lý cuộc khủng hoảng này như thế nào?

Tôi tin rằng chính phủ Việt Nam đã có thể xử lý nó một cách khá đúng đắn, đất nước nãy sẽ hấp dẫn như trước.