Tại sao nông sản Việt Nam vẫn khó tiêu thụ

Trần Toản

Ông Nguyễn Thái Bình – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Tập đoàn VietnamLife, người sáng lập và điều hành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đào tạo kỹ thuật và xúc tiến thương mại VNCOP

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, trình trạng ùn ứ nông sản Việt Nam tại các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc lại diễn ra  khiến doanh nghiệp và người nông dân rơi vào cảnh khó khăn.

Và vòng luẩn quẩn: Nông sản đi lên biên giới – bị tắc nghẽn – rồi quay đầu trông chờ giải cứu  tiếp diễn. Sự lệ thuộc quá lớn vào một thị trường hay “thất thường” khiến người dân và doanh nghiệp luôn rơi vào thế bị động.

Phụ thuộc thị trường “thất thường”

Với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, những năm gần đây nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên vẫn lệ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.

Lý do được đưa ra là tiêu chí chất lượng, thủ tục thông quan không quá phức tạp, yêu cầu không quá khát khe , tiêu thụ nhanh, số lượng nhiều nên doanh nghiệp không dễ  từ bỏ mặc dù đối mặt với nhiều rủi ro.

Tuy nhiên  gần đây, Trung Quốc dần bắt đầu quản lý chặt chẽ, gắt gao chất lượng hàng hóa, siết chặt kiểm soát nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

Đặc biệt khi dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, biến chủng Omicron đe dọa kinh tế toàn cầu thì Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách “Zero COVID”, kiểm tra gắt gao người, phương tiện và hàng hóa nhập cảnh.

Trong tháng 12/2021, phía nước bạn thông báo phát hiện virus SARS-CoV-2 trên phương tiện và bao bì sản phẩm của Việt Nam nên đồng nhất áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch, tạm thời đóng cửa khẩu khiến hàng hóa ùn ứ nghiêm trọng.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay có xấp xỉ  hơn 6000 xe container nông sản đang ùn ứ tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Nhiều mặt hàng như mít, thanh long, chuối, xoài… phải nằm chờ dài ngày, hàng hóa hư hỏng nặng không thể thông quan buộc các tiểu thương và lái xe phải đổ bỏ.

Một số chủ hàng khác chấp nhận quay đầu về các tỉnh miền Bắc bán tháo, nhờ “giải cứu” với mong muốn gỡ đươc phần nào chi phí vận chuyển.

Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và UBND tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế , câu hỏi lớn được đặt ra là bao giờ nông sản Việt Nam mới thôi bị tình cảnh này ?

Nỗ lực tìm kiếm giải pháp mới

Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản các doanh nghiệp cần nhanh chóng, mạnh dạn chuyển từ hình thức xuất khẩu đường tiểu ngạch sang hình thức chính ngạch. Ngoài lựa chọn đường bộ cũng cần nghiên cứu chuyển qua lựa chọn phương tiện đường sắt đặc biệt là đường biển, hàng không.

Bên cạnh đó, cần nghiêm chỉnh thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở chế biến, bao bì sản phẩm… cũng như đáp ứng yêu cầu về quy định đạt chuẩn hàng hóa của thị trường nước bạn.

Theo ông Nguyễn Thái Bình – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn VietnamLife, người sáng lập và điều hành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đào tạo kỹ thuật và xúc tiến thương mại VNCOP: Ngoài phương thức bán hàng truyền thống doanh nghiệp và bà con nông dân, thương nhân cần sớm áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật thông tin vào tiêu thụ sản phẩm.

“Trong điều kiện dịch bệnh, giao thương trực tiếp bị ảnh hưởng thì các trang thông tin kết nối, xúc tiến thương mại hoặc sàn thương mại điện tử là giải pháp hữu hiệu để tiêu thụ sản phẩm. Tại đây, người dân có thể trực tiếp cung cấp thông tin, chủ động tìm kiếm đầu ra và doanh nghiệp, nhà phân phối có thể tiếp cận trực tiếp, truy xuất nguồn gốc hàng hóa chính xác, thuận tiện. Không chỉ thị trường trong nước, thương mại điện tử còn giúp nông sản Việt Nam dễ dàng vươn ra thị trường khu vực và quốc tế”, ông Bình chia sẻ.

Về lâu dài, việc kết nối hệ thống dữ liệu, chuyển hướng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sang thương mại điện tử, đồng thời phát triển đa dạng chuỗi dịch vụ logistics… sẽ giúp nông sản  tránh khỏi tình trạng bị phụ thuộc vào một thị trường. Từ đó nâng cao giá trị và vị thế của nông sản Việt Nam./.