Sự đào thải khắc nghiệt trong kinh doanh siêu thị

Minh Sơn – Thanh Phong

Cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ. Ảnh minh họa

Thị trường kinh doanh siêu thị tại Việt Nam được nhận định là một mảnh đất màu mỡ với rất nhiều tiềm năng, dư địa có thể khai thác. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nhận định và nắm bắt xu hướng mới nếu muốn chiếm lĩnh được thị trường đang có sức cạnh tranh gay gắt này.

Trước những biến động lớn, các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị trong nước thì tìm cách nhượng lại thương hiệu cho các đối tác khác. Còn các tập đoàn nước ngoài thì rời bỏ Việt Nam.

Việt Nam hiện có thị trường bán lẻ rất nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/ tháng vào năm 2020.

Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philipin là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%…).

Tuy nhiên, ngay sau sự ra đi của Metro và BigC, hiện lại có thêm tập đoàn bán lẻ lớn của Pháp là Auchan rời khỏi thị trường Việt Nam. Chuỗi 18 siêu thị tại Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh của Auchan đang tìm đối tác tại VN để nhượng quyền kinh doanh.

Trước đó chưa lâu, ông Jordi Fernandez, Tổng giám đốc Auchan Retail Việt Nam chia sẻ, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vì vậy, lối đi riêng của Auchan là tập trung vào sản phẩm chất lượng, tươi ngon, quản lý chặt chẽ các quy trình từ nhập khẩu, lựa chọn nhà cung cấp, chế biến, bảo quản. Doanh nghiệp có kế hoạch mở hai kho hàng tại Bắc Ninh, Đồng Nai để phục vụ cho các cửa hàng ở miền Bắc và miền Nam, phát triển mạnh kho bãi, hậu cần, logistic.

Được biết, Auchan sở hữu 900 đại siêu thị, hơn 860 siêu thị mini, 370 trung tâm thương mại tại 17 quốc gia, Auchan là một trong những tập đoàn bán lẻ lớn không chỉ của Pháp mà còn là của châu Âu.

Có mặt từ năm 2015 và từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam nhưng vào giữa tháng 5/2019, thương hiệu này đã thông báo chấm dứt kinh doanh ở Việt Nam.

Thế nhưng, viện dẫn nguyên nhân của Auchan cho biết, do thua lỗ khi hệ thống này ở Việt Nam chỉ đạt doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng/năm và tập đoàn mẹ không thể tiếp tục hỗ trợ khi cũng trong cảnh thua lỗ.

Bên cạnh các nhà bán lẻ lớn có tên tuổi trên thế giới như Auchan, Metro hay Big C bán lại hoặc rút khỏi thị trường Việt Nam…Tương tự, trong tháng 4 năm 2019, chính các DN bán lẻ trong nước cũng đã có các thương vụ sáp nhập.

Cụ thể, Shop&Go một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi đầu tiên của Việt Nam cũng đã sang nhượng 87 cửa hàng của mình cho VinCommerce đơn vị chủ quản của VinMart+ và VinMart.

Như vậy, hiện tổng số các cửa hàng tiện lợi của thương hiệu VinCommerce đã tang lên gần 2.000 cửa hàng ở các khu vực đông dân cư, giao thông thuận lợi.

Theo các chuyên gia bán lẻ cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị phải cân nhắc lựa chọn các phân khúc khách hàng riêng để tạo sự khác biệt.

Thay vì định vị giống nhau, các siêu thị cần hướng đến khách hàng thuộc mọi tầng lớp, tránh tình trạng “700m/một con phố mà có tới 3 siêu thị cùng mô hình giống nhau”.

Cùng với đó, một số chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận: Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các DN bán lẻ trong nước về chính sách vĩ mô, liên quan đến những mặt còn yếu của DN để rút ngắn khoảng cách với các DN ngoại.

Đào tạo đội ngũ quản lý và kỹ năng bán hàng; phát triển hệ thống logistic; hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu; thông tin thị trường và nguồn hàng; tư vấn pháp lý trong việc liên kết các DN bán lẻ hoặc với nhà sản xuất, nhà phân phối…