Sợi miến dong giữa miền sơn cước

Kiều Nga

1969- tuổi Kỷ Dậu, chị Hảo sản xuất miến nhưng lại không thích ăn miến

“Cô là người làm quản lý ở đây, mọi việc ở đây là cô lo” – lời giới thiệu đầu tiên về chị Bùi Thị Hảo, nghe không ấn tượng lắm so với thần thái mà người ta cảm nhận được.

Gặp nhau chưa quá nửa phút đã nghe “chiều nay chạy máy, cô phải ra xem anh em họ làm, mọi người ở lại chiều rồi xem nhé”, nói dứt câu, người phụ nữ có dáng cao đậm, mặc bộ đồ đen bám đầy bụi bột đao, rời khỏi phòng làm việc với bước đi có phần hơi cứng cáp của phái mạnh.

Giây phút gặp nhau ngắn ngủi nhưng đã đủ để nhận thấy bên trong người phụ nữ để tóc vấn cao lộ rõ khuôn mặt toát ra sự mạnh mẽ với nụ cười khiến người ta có ngay sự tin tưởng, từng trải qua biết bao thăng trầm cuộc sống.

Loanh quanh khu xưởng sản xuất miến đao, chúng tôi bắt gặp chị tự tay xúc từng múc nước ở bể ủ bột, chuẩn bị cho vào sản xuất. Bột trắng bám đầy trên bộ đồ đen nhẻm.

Ngày trước vất vả vô cùng luôn, “cái nhà các cậu” – gọi cậu xưng tớ là cách chị nói chuyện với chúng tôi, “đang nhìn thấy sạch sẽ thế thôi, chứ trước nó là  nhà ngói lợp alu sập sệ chứ không được như bây giờ. Đêm thì rắn rết, ban ngày thì dê, trâu bò cứ vào ăn cỏ thản nhiên như trên núi chứ đâu được như này”.

“Tất cả chỗ này gần ha tớ xây tường bao hết, đóng cổng không ai ra vào được. Khi không phơi miến thì mở cổng, phơi miến thì phải khóa vào. Bà con hay chăn thả gia súc tự do, nên tớ làm chỗ nào sạch sẽ chỗ đấy”, vừa múc nước chị vừa nói.

Khu nhà kho này vốn là nhà công vụ của Vinaconex được chủ cũ đầu tư cũng có phần vĩ mô nhưng lại không đi sâu đi sát. Thương hiệu nhỏ, nhưng cũng kêu gọi được các nguồn đầu tư, xây dựng nguồn nguyên liệu ở các xã lân cận. Tuy nhiên chất lượng không đạt yêu cầu khiến thương hiệu bị sập sàn.

Chỉ tay qua khu nhà kho đối diện, chị nói: “Ngày xưa mỗi khi mưa to, nước ở đấy ngập tới ngang đầu gối, để làm được kho bảo quản miến, tớ đã phải xây sửa lại rất nhiều, từ làm lại hệ thống mái nhà, sàn nhà”.

Mở cánh cửa sân sau, “chỗ này trước là nhà vệ sinh, nhưng tớ về tớ cho bỏ hết luôn, làm vườn su su, trồng ngô tăng gia sản xuất”, chị Hảo kể lại cái cơ ngơi hiện thời thuở khởi nghiệp

Nghe chị nói chuyện với bà con địa phương bằng ngôn ngữ bản địa cứ ngỡ chị đích thị là người dân tộc. Hỏi chị mới biết  “tớ là người Kinh, nhưng tớ nói được trơn tru dăm bảy ngôn ngữ của dân tộc nơi đây”.

Là người Vụ Bản – Nam Định, theo gia đình đi làm kinh tế mới ở Lào Cai từ thời vẫn thuộc xứ Hoàng Liên Sơn. Thời thiếu nữ, chị công tác tại Bản Xèo, huyện Bát Xát trong vai trò làm người đi gieo chữ cho bà con nơi đây với chuyên môn văn học. Đây là lý chị nói được nhiều tiếng của đổng bảo dân tộc

Hoang mang khởi nghiệp

Sau bữa trưa, mới có dịp hàn huyên với chị  bên bàn uống nước, chúng tôi cảm nhận thêm sự bản lĩnh đằng sau dáng dấp mạnh mẽ này.

“Ngày ấy nghèo quá, gạo chẳng có mà ăn, mẹ già, bố mất, các em thì bé, tớ đi buôn bán, thượng vàng hạ cám, buôn từ con cá con tôm, tất tần tật mọi thứ trên đời để đủ trang trải. Tớ có hai anh trai, nhưng các anh chê mình nghèo cũng bỏ đi rồi”, chị ngồi với dáng dấp ngang tàng, tay chén nước chè, tay điếu thuốc Thăng Long nhưng ẩn sau đấy là sự ngậm ngùi, mắt hoe đỏ. Đặt nhẹ chén nước, hơi ngoảnh mặt đi, thấy giọng chị nhẹ nhàng tới lạ.

“Tớ không chồng, không con, ngày lên đây chỉ có một mình, nhìn cảnh hoang tàn đổ nát mà chán. Bỏ đi chơi tới cả nửa tháng mới quay về quyết định phải làm”, chị lại cười lớn giữa không gian mênh mông núi đồi.

Thật ra ngày ấy gia đình tớ có người làm công ty kiểm toán, hỗ trợ cho doanh nghiệp này nhiều lắm, nhưng khi chủ doanh nghiệp không làm được nữa thì tớ được thuyết phục mua lại.

Lúc ấy thằng cháu, chỉ cậu Nguyễn Văn Tú – người đang giữ chức Giám đốc, hỗ trợ chị điều hành ngồi cạnh, “nó lừa” Tú bảo “cô lấy lại đi, ở đây nhà xưởng, máy móc cái gì cũng có, chỉ về là làm thôi”, nhưng khi tới nơi chỉ có nhõn cái tên thương hiệu Thành Sơn thôi, chứ chả có gì, phải làm lại hết”, chị cười giọng sảng khoái.

Nhưng dù có bản lĩnh, bạo gan tới thế nào, một người phụ nữ cũng khó nào mà dấu được trong ánh mắt đầy nghị lực là cả một sự cô đơn, nhiều khi tới bất lực.

Nhận mình là người bạo gan, nhưng vẫn không thể nào không khiếp sợ cái ngày mới lên, “tớ nói thật là tớ rất bạo, một năm trời tớ ở phòng bên kia chật hẹp, không có chỗ móc màn, tối đi ngủ đã giũ giường sạch sẽ rồi mà sáng ra đầy phân chuột trên giường, đêm ngủ chuột chạy qua mặt bình thường luôn. Trần ghép cái ván nhựa, đêm chuột “hành quân” rầm rầm trên mái, mà mái sập là phân chuột rơi đầy vào mặt…”

Cứ ngỡ cái khổ ấy, “mưa gió bão bùng trên cái đỉnh đồi này, trong bụi rậm không thiếu thứ gì ấy” dễ dàng đánh sập bất cứ người bản lĩnh nào dù đó là đàn ông, nhưng chị vẫn cứ cười hào sảng.

Khi mua lại công ty chị đang ở Hải Dương, ba tháng sau mới quay về Lào Cai. Đi xe máy từ Sa Pa sang bản Xèo thấy cảnh hoang tàn quá, nên như chị vừa kể, bỏ đi chơi cả tuần vì “thật sự nản quá mức”.

Hợp tác xã Thành Sơn đóng ở thôn bản Xèo 1, xã bản Xèo, thủ phủ huyện Bát Xát, Lào Cai

Lại rít điếu thuốc chị kể tiếp, “mình đi cả tuần, nghĩ nhiều lắm, nhưng rồi quyết định quay về làm bằng được”. Mất tiền rồi không có cách nào khác, không quyết tâm không được,  Tú lúc đó còn trẻ, lại còn những công việc khác, cháu chỉ giúp chị “đối nội, đối ngoại”.

Chị bảo điều may mắn là từng làm giáo viên ở huyện Bát Xát này, người dân ở đây cũng đã biết tên biết tuổi, nhiều cái cũng có phần đỡ đi. Bà con ở đây dù hơn 5 tuổi, 10 tuổi vẫn gọi chị bằng bà xưng cháu,  bởi họ tôn trọng mình. Tổng kết lại,“cũng nhiều cái vất vả, đến bây giờ vẫn chưa hết hoang mang”.

“Giờ tớ lên đây, món nào tớ cũng biết một ít, uống rượu bằng bát tớ cũng chấp nhiều anh trai trẻ ấy”, chị kể.

Tay vẫn cầm điếu thuốc cháy dở chỉ ra căn nhà kho phía xa, chị kể chuyện ngày xưa “ đêm tớ đi vệ sinh, xung quanh tứ bề tối om, thấy trong bụi có động, soi đèn thấy hai con mắt cứ đo đỏ tớ nhặt hòn đá ném. Con rắn hổ mang chì to bằng bắp tay, dài như này này nó bò ra, đoạn chị dơ ra cánh tay có phần lực lưỡng mà tả lại”.

Sau đấy tớ quyết định xây dựng lại khu nhà này, dỡ ra phải bắt được vài con rắn vừa to và dài như cái bắp tay ấy.

Cuộc đời như con dốc, đi lên không thể đi xuống

Hoang mang, bất lực là vậy nhưng khi chúng tôi hỏi về sự từ bỏ, chị trả lời với ánh mắt không chút do dự “nói thật như tớ ngày ấy đang leo lên con dốc, tụt xuống không được nên việc của bạn là phải đi lên chứ không thể đi xuống được”.

Quyết tâm làm lại nhưng tất cả những gì có được khi đó chỉ là mảnh đất với thương hiệu về sản phẩm, thậm chí “còn không biết làm miến tí nào luôn”, chứ đừng nói tới kinh nghiệm.

Ngày đấy người ta vẫn làm miến bằng nồi đồng cối đá, tráng bằng cái nồi, xong phơi lên sao kia, nói chung toàn đồ cổ thôi. “Họ xui mình làm láo, 9 ngày, mỗi ngày cả triệu tiền nguyên liệu. Họ làm bậy nhưng cứ bảo làm như thế này là tốt rồi”.

Bản năng của người làm chủ lại không thể chấp nhận chuyện đó, vẫn dáng ngồi bành trướng, “tớ nói thật tớ là người không thích ăn miến, nhưng sáng nào cũng phải đi ra nếm bánh miến, ăn thay bữa sáng luôn, bởi có làm như thế mới biết là người ta có làm thật hay không, có đúng chuẩn hay không”.

Hai lần về Nam Định học nghề, gọi là đi học nhưng là đang đi làm thuê cho người ta đấy, chị nói nhỏ.

Để tiết kiệm tiền điện, người ta làm đêm nên đêm mình mới đi “đánh bột, tráng bánh”, ngày thì học sửa máy. Chị bảo, quan điểm là phải biết nguyên lý của nó nên tranh thủ học ngày làm đêm. Có ngày mệt quá, gần sáng mới nghỉ, chị lăn ra đất thư giãn. Chỗ nằm gần ngay chỗ người ta xả nước thải ra mà ngủ. Giọng chị khi này nhỏ lại, mắt lại hơi rưng rưng.

Vẫn chuyện khởi nghiệp, chị kể tiếp, khi mua máy về, cho ra được miến đẹp nhưng vẫn bị hao tổn nguyên liệu. Tìm hiểu mới biết có những cái họ chế tác thêm, mà mình lại không biết. Sau chị phải phải đón thầy chế tác máy lên đây để lên xem cho.

“Mình nói hay quá chẳng ai tin đâu’, chị ngồi thẳng người lên mà nói. Lúc đầu cũng có người khuyên cho ít muối vào miến để giữ độ ẩm, vận chuyển đi xa cho đỡ bị gãy giòn, nhưng chị không làm”. Mình đăng kí thành phần như thế nào phải làm đúng như thế, không được phép làm sai”.

Loại miến dong Thành Sơn này hoàn toàn kị với sạn, trong quá trình làm nếu không kỹ, không lọc được sạn sẽ dần dần làm chất lượng của miến đi xuống, sẽ mất thương hiệu.

Những thành phẩm đầu tiên chỉ bán loanh quanh trong thành phố hoặc các chợ ở Lào Cai, sau mới mang chào mời đi các tỉnh.

Tự chị mang miến đi các tỉnh để chào mời, tìm nhà phân phối. Bây giờ lãnh đạo tỉnh cũng đã ghi nhận công sức và thương hiệu doanh nghiệp của chị, ghi nhận nghị lực của chị

Từng có đơn vị xin được làm vùng nguyên liệu, cung cấp bột cho cơ sở mình nhưng tỉnh không cho, họp hành lên xuống mãi rồi cũng không cho, bởi niềm tin gây dựng khó lắm.

Ngồi với chị có lẽ ngoài cái tính “phải làm” như những con người thành công, còn phải kể tới cả tài năng đắc nhân tâm của một cô giáo.

Lang thang trong khu xưởng, nói chuyện với những người làm công qua “hai đời vua” –mới thấy cái tài đó thế nào.

Những công nhân  đam mê  cái nghề làm miến này cũng kỳ lạ như bà chủ của họ. Ánh mắt đầy từ hào khi họ nói về những kỳ công làm bánh răng nghiền ra sao để đạt hiệu quả cao nhất mới thấy cái tầm của “đắc nhân tâm”.

Giờ tất cả thủ tục pháp lý mình hoàn thiện rồi, giờ chỉ làm cách nào để phát triển thương hiệu lên thôi, chứ không có gì phải suy nghĩ nữa cả, nói rồi chị nhấp ngụm nước chè, chạy ra ngoài để bắt đầu khởi động chiếc máy làm miến chứa đầy hoài bão của một đời người đầy sóng gió.