Trần Toản
Chương trình chất vấn của Bộ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vào 4/11 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng, trong đó có vấn đề chuyển đổi số, nhiều chuyên gia đầu ngành cho rằng: Chính phủ cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số và chính phủ điện tử cần được xúc tiến nhanh hơn nữa. Sự tích cực dẫn dắt nền kinh tế chuyển đổi số của Chính phủ sẽ là chìa khoá quan trọng cho sự thành công của công cuộc ý nghĩa này.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đa số các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đều liên quan tới công cuộc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số, toàn dân và toàn diện mà gọi là chuyển đổi số. Phần lớn cuộc sống và hầu hết các vấn đề của con người đã sang môi trường số; Đảng và Nhà nước cũng đã xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhưng thể chế số, quản lý số, văn hóa số, nhân lực số, công dân số, thực thi số và ngân sách số vẫn đang theo sau. Nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thức sâu sắc vấn đề này nên đã có nhiều cố gắng trong những năm qua. Tuy nhiên, có những việc đã làm được nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những nhức nhối của xã hội, những vấn đề mới phát sinh; đồng thời luôn coi những tồn tại này là động lực để thúc đẩy ngành phát triển
TS Trần Quang Tuyến – Khoa Quốc Tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Trong điều kiện nguồn lực còn có hạn, đòi hòi Chính phủ cần xác định rõ những chiến lược cần ưu tiên, đặc biệt cần sự phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số. Đồng thời cần tăng cường giáo dục kỹ thuật số, thúc đẩy đào tạo nguồi lao động chất lượng cao.

Một nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện theo TS Trần Quang Tuyến là củng cố lòng tin của người sử dụng thông qua đảm bảo các vấn đề liên quan tới bảo mật dữ liệu, an ninh mạng và hệ thống pháp luật công khai, minh bạch với hệ thống doanh nghiệp.
Từng nhiều lần đưa ra ý kiến về vấn đề phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước – vấn đề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đại biểu Hoàng Minh Hiếu – uỷ viên Thường trực uỷ ban Pháp luật, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng:
Cần có các công cụ để đánh giá về sự cần thiết và tính hiệu quả trọng việc xây dựng hoặc nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà Nước , đặc biệt dịch vụ công trực tuyến cần tiện lợi, tránh gây mất thời gian, công sức của người dân, doanh nghiẹp. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hoá cũng cần đồng bộ, liên thông. Hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu còn thiếu tầm nhìn và thiếu quy hoạch.

Đánh giá cao việc Quốc hội tổ chức chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, cũng như phần trả lời chất vấn các nhóm vấn đề, trong đó có nhóm vấn đề thứ 2 – Lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Ông Nguyễn Thái Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện ứng dụng Công nghệ AI và Thương mại số cho rằng số hoá là mối quan tâm không chỉ của riêng doanh nghiệp mà của cả cộng đồng.
Tư lệnh Ngành Thông tin và Truyền thông đã có nhiều nỗ lực ghi dấu ấn, phần trả lời cũng rất thẳng thắn và cũng không thể phủ nhận những hiệu quả ban đầu khi Chính phủ thực hiện công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các Cơ sở dữ liệu Quốc gia. Nhưng về lâu dài, công tác này cần nâng cao chất lượng hơn nữa.

Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện ứng dụng Công nghệ AI và Thương mại số cho rằng doanh nghiệp và người dân vẫn còn mất thời gian trong việc kê khai thông tin thủ công, kê khai nhiều lần, công chức cũng phải xử lý nghiệp vụ trên nhiều phầm mềm.
Đồng thời quản lý an toàn thông tin mạng vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, nhiều người dân, doanh nghiệp cảm thấy phiền hà với những cuộc gọi rác.
Ông Thái Bình cũng mong muốn công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT cần được đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa , đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và cho rằng sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tàu như những con chim đầu đàn thực hiện chuyển đổi số sẽ thúc đẩy quá trình này nhanh chóng và hiệu quả tích cực hơn./.