Sao La Việt Nam nguy cơ bị tuyệt chủng

Nguyễn Trang

Một cá thể Sao la bị bắt ở lào. Ảnh:khoahoc.tv

Sao la là loài thú lớn đặc hữu hẹp của hệ sinh thái rừng Trường Sơn. Tuy nhiên, số lượng quần thể Sao La đang bị suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất phân bố ở hệ sinh thái rừng Trường Sơn cả ở hai phía Việt – Lào.

Đây là thông tin được đưa ra tại Lễ ra mắt bản ghi nhớ hợp tác về chương trình nhân nuôi bảo tồn Sao La  giữa IUCN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn diễn ra sáng nay (28/3) tại Hà Nội.

Sao la (tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis) được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) vào tháng 5/1992 và được xem là một phát hiện ấn tượng nhất đối với khoa học thế giới.

Đi tìm tung tích Sao La

Để đánh giá tình trạng của loài Sao La ở Việt Nam, nhóm tìm kiếm Sao La đã thực hiện việc truy tìm dấu vết của loài này dựa vào bằng chứng về áp lực săn bắn trong quá khứ, thông tin phỏng vấn từ người dân địa phương và thông tin từ thực địa như đặt bẫy ảnh. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu vết nào của Sao La.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, tỉnh Nghệ An đã từng được ghi nhận có Sao La vào năm 1994.

Qua tìm hiểu, nhóm ước chừng khoảng 42 đến hơn 100 cá thể bị bắt ở Pù Huống từ những năm 1986. Riêng ở một bản, nhóm bảo tồn đã phát hiện có gần 24 chiếc sừng Sao La tại nhà của người dân trong bản.

Sao La không phải là một loài phố biến,  không được người dân biết đến ngoại trừ những người già có kiến thức trước năm cuối những năm 1980 đầu những năm 1990.

Nhóm cũng khảo sát quy mô lớn phỏng vấn cộng đồng ở Pù Huống năm 2014, có 5 ghi nhận Sao La từ năm 2009 nhưng đến năm 2012 không có ghi nhận nào về sự xuất hiện của Sao La.

Tại khu bảo tồn thiên nhiên Sao La ở Huế và Quảng Nam, WWF cũng đã từng khảo sát thông qua đặt 17.000 bẫy ảnh tại 707 địa điểm, chỉ có được một bức ảnh Sao la năm 2013

Tại Vườn quốc gia Pù Mát, khảo sát của Trường đại học Vinh thông qua đặt bẫy ảnh và phỏng vấn, ghi nhận sự xuất hiện của các loài Mang, Sơn Dương, thậm chí các loài hiếm như gấu, mèo gấm, tê tê, cầy vằn nhưng không có Sao La

Đại diện nhóm bảo tồn Sao La cho biết, “ tất cả khảo sát cho thấy có khả năng chỉ còn 1-10 cá thể Sao La ở tất cả các khu vực. Có khả năng đã biến mất ở nhiều nơi, có thể hầu hết các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia”

Khả năng khôi phục Sao La

Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ quản lý rừng đặc dụng phòng hộ cảnh báo, “Nếu không có kế hoạch khẩn trương, loài đặc hữu này sẽ tuyệt chủng”

Nhấn mạnh thêm về sự nguy cấp của loài Sao La, đại diện của IUCN cho rằng “nếu chúng ta không nỗ lực bảo tồn Sao La thì loài này sẽ bị tuyệt chủng một cách thầm lặng”.

“Nếu Việt Nam để mất Sao La tương tự như trường hợp của Tê giác Java cuối cùng thì rất xấu hổ. Trong thời đại 4.0 mà chúng ta lại để mất Sao La là có tội với thiên nhiên, có tội với giống loài”, GS – TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam chua xót.

“Bảo tồn Sao La không phải là việc đơn giản nếu không phối hợp với nhau thì không thể thành công” vị Tiến sĩ của IUCN cho biết thêm.

Để bảo tồn và khôi phục loài động vật quý hiếm này, IUCN đã ký Bản ghi nhớ Hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về xây dựng Chương trình nhân nuôi bảo tồn Sao La.

“Một Kế hoạch nhân nuôi sinh sản cùng với bảo tồn nguyên vị được lồng ghép trong một chương trình sẽ được thực hiện và được chính phủ Việt Nam ủng hộ. Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ là nơi xây dựng trung tâm nhân nuôi sinh sản Sao La tại Việt Nam” ông Nguyễn Đức Tú, đại diện nhóm công tác bảo tồn Sao La cho biết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định trung tâm tại Bạch Mã cũng sẽ được dùng để nhân nuôi sinh sản loài móng guốc Nguy cấp trên toàn cầu khác là Mang lớn.

Là một nhà khoa học về động vật lâu năm, GS-TS Đặng Huy Huỳnh, cho rằng “ Việt Nam rất quan tâm đến bảo tồn thiên nhiên và các loài quý hiếm nhưng nguồn lực và kinh nghiệm của Việt Nam còn ít”.

GS – TS Huỳnh cũng cho rằng để đạt được kết quả trong việc bảo tồn Sao La, cần phải xác định rõ các cá thể Sao La còn lại ở vị trí cụ thể nào, “hiện nay công nghệ có thể làm được việc xác định vị trí của Sao La, nếu quan tâm làm sẽ xác định được. Nhưng nếu cứ chung chung, cuối cùng vẫn chỉ là những hội nghị mà Sao La vẫn cứ bị tuyệt chủng”.

“Muốn nhân nuôi một loài thành công phải chú trọng đặc điểm sinh thái của loài đó”. Ngoài ra, “ phải có cơ quan chính phủ của hai nước Việt Nam – Lào cùng chung tay làm chứ không riêng các nhà khóa học”, GS – TS Huỳnh kiến nghị giải pháp để việc bảo tồn được thành công.