Với hơn 7 năm liền đạt danh hiệu nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam – Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á-Thái Bình Dương, Co.opmart hiện tại giữ vị thế hàng đầu trong ngành bán lẻ Việt Nam, xét cả về doanh thu lẫn số lượng điểm bán.
Mới đây, Hội nghị định hướng phát triển hoạt động kinh doanh năm 2018 và tổng kết năm 2017. Saigon Co.op cho biết cùng với lộ trình hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhiều Hiệp định hợp tác song phương và đa phương của Việt Nam với các khu vực trên thế giới, giúp hàng hóa được tự do lưu thông với nhiều ưu đãi về thuế.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên Chủ tịch Saigon Co.op cho biết, sau khi gia nhập WTO, tỉ trọng doanh thu bán lẻ hiện đại của Việt Nam từ dưới 10% sẽ tăng lên 25% vài năm sau đó. Điều này có nghĩa 75% thị trường bán lẻ còn nằm ở các kênh truyền thống, gồm 8.500 chợ và 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa đầu ngõ. Ông Hòa cũng nhận định, những thị trường bán lẻ ở khu vực thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: nhà bán lẻ trong nước thiết lập, chiếm lĩnh thị trường; nhà phân phối ngoại bắt đầu thâm nhập. Giai đoạn 2: các nhà phân phối ngoại tăng tốc, nhà bán lẻ nội thụ động chờ đợi, quan sát diễn biến thị trường. Giai đoạn 3: nhà bán lẻ trong nước bừng tỉnh, tăng tốc mở rộng và cuối cùng chiếm lại thị trường.
Saigon Co.op xác định phấn đấu trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam, từ đó đòi hỏi Saigon Co.op phải có chiến lược phát triển mới trong đó tập trung vào ba lĩnh vực chính là: Phát triển mạng lưới, hàng hóa và logistics, xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp… Bên cạnh đó, sự đầu tư và phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn nước ngoài dự báo thị trường bán lẻ sẽ còn cạnh tranh khốc liệt hơn trong năm 2018.
Còn nhớ đầu thập niên 1990, khi nền kinh tế chuyển từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, hàng loạt mô hình hợp tác xã kiểu cũ gặp khó, giải thể hàng loạt. Trước bối cảnh đó, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) được chuyển đổi với 2 chức năng là tổ chức vận động phong trào hợp tác xã và trực tiếp kinh doanh. Với sự giúp đỡ của phong trào hợp tác xã từ Nhật, Singapore và Thụy Điển, siêu thị Co.opmart ra đời đầu tiên tại đường Cống Quỳnh, TP.HCM (năm 1996). Để cạnh tranh với những siêu thị chủ yếu bán hàng ngoại nhập lúc bấy giờ, Co.opmart xác định chiến lược trở thành nhà phân phối hàng Việt Nam, đúng theo bản chất của hợp tác xã là phục vụ số đông. Siêu thị này thường xuyên giảm giá, khuyến mãi, bán hàng bình ổn giá và dĩ nhiên hàng Việt chiếm 90% trong hệ thống phân phối.
Qua đó, năm 2018 xây dựng mô hình kinh doanh mới trong đó có một Co.opmart phân khúc cao (Finelife), kết nối đa phương tiện với các hình thức mua sắm khác. Đẩy mạnh khai thác kinh doanh các mặt hàng hữu cơ…
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng Saigon Co.op nên có kế hoạch mở rộng phát triển mạng lưới điểm bán trên các địa bàn trên cả nước. Tiến tới đầu tư phát triển tại các nước trong khu vực để tạo đầu ra cho các nhà sản xuất trong nước thông qua hệ thống phân phối của Saigon Co.op. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất uy tín để phân phối hàng hóa, thực phẩm chất lượng cao đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Mang đến cho người dân nhiều cơ hội lựa chọn các mặt hàng đa dạng, giá cả hợp lý. “Nhiệm vụ then chốt hàng đầu của thành phố giao là nâng cao chất lượng hoạt động của Saigon Co.op để đủ sức, đủ lực để cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, giữ vững thị trường trong nước” – bà Trang nói.
Thuỳ Duyên – Văn Do