Trọng Tâm

Sáng 20/4, tại kỳ họp Tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Nam, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam khẳng định, đây là nhiệm kỳ gặp nhiệu khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai dồn dập nhưng tỉnh vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế, thuộc 2 nhóm dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2019, khi chưa bị tác động của dịch Covid-19, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 10,7%/năm (cao hơn so với Nghị quyết 10%-10,5%). Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thiên tai nên GRDP 2016-2020 tăng bình quân 6,85%/năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 5 năm gần đây thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số tốt.
Quảng Nam đã xác định phát triển công nghiệp và chỉ phát triển công nghiệp mới tạo sự bứt phá, mở con đường ngắn nhất để đưa địa phương thoát khỏi một tỉnh vốn thuần nông.
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn thiếu thốn, để đáp ứng nhu cầu phát triển đầu tư, Quảng Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kinh tế nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư.
Tuy nhiên với sự gia tăng mạnh mẽ của dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI từ các năm qua đòi hỏi Quảng Nam phải huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, để không ngừng mở rộng và thu hút đầu tư.
Đến nay, Quảng Nam đã có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, ngày càng được củng cố và mở rộng như đường nối từ tuyến Hồ Chí Minh đến quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (đoạn qua Quảng Nam), mở tuyến hàng hải quốc tế từ cảng biển Chu Lai, nâng cấp sân bay Chu Lai… đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.

Để kích hoạt tiềm năng và lợi thế của vùng kinh tế, Quảng Nam đang xây dựng chiến lược phát triển vùng đông nam một cách bài bản, lâu dài với nòng cốt là triển khai những nhóm, các dự án trọng điểm nhằm tạo sự thúc đẩy phát triển lan tỏa vùng.
Đó là nhóm công nghiệp cơ khí ô tô đa dụng, mà hạt nhân là Chu Lai – Trường Hải; nhóm công nghiệp hàng không với sân bay Chu Lai là hạt nhân; nhóm dự án khí – điện với hạt nhân là mỏ khí Cá Voi Xanh đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch các nhà máy điện khí tại Chu Lai và Dung Quất; nhóm du lịch – dịch vụ với hạt nhân là Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; nhóm công nghiệp dệt may – da giày với hạt nhân là Công ty Panko (Hàn Quốc) và cuối cùng là nhóm dự án thủy – hải sản mà hạt nhân là cảng cá Tam Quang.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, tập trung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất. Lấy cơ chế mở làm tư tưởng đột phá xuyên suốt và được xem xét điều chỉnh thích ứng với thị trường toàn cầu.
Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Nam sẽ trở thành một trong những tỉnh phát triển của vùng và cả nước, hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức với các ngành định hướng phát triển mạnh về công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững.
Theo định hướng của UBND tỉnh, để đạt mục tiêu trên, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung phát triển cụm ngành động lực lợi thế của tỉnh, đảm bảo năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững gắn liền với các trung tâm đô thị.
Quảng Nam sẽ chú trọng thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường; khuyến khích và ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài vào những loại hình dịch vụ chất lượng cao; xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế, nhất là tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh..
Nhiệm kỳ này mặt dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thiên tai dồn dập nhưng kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Nam tiếp tục tăng trưởng.
Quy mô nền kinh tế được mở rộng và dịch chuyển theo hướng tích cực, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thuộc nhóm dẫn đầu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung..