Quảng Nam cải thiện môi trường đầu tư, hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp

Trọng Tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - phát biểu tại hội nghị

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh tại Hội nghị trực tuyến về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025, và công bố chỉ số DDCI của tỉnh Quảng Nam, diễn ra ngày 15/12 diễn ra tại hội trường UBND tỉnh Quảng Nam

Hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) với sự tham gia của các đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp lớn của các tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Hội nghị cũng nhằm thực hiện các kế hoạch (số 6444/KH) và Quyết định (số 595) của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành Bộ chỉ số DDCI Quảng Nam.

Theo báo cáo của DDCI của tỉnh Quảng Nam năm 2019, được Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam thực hiện qua hình thức khảo sát ý kiến của 37 nhóm  1329 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ghi nhận trên 5000 ý kiến đánh giá cấp sở, ban, ngành và các huyện có hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và độc lập với Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) do VCCI công bố hằng năm.

Theo báo cáo của lãnh đạo sở KH & ĐT tỉnh Quảng Nam. Căn cứ báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng thương mại và công nghiệp và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ ban hành và công bố giai đoạn 2015 – 2019.

Cụ thể trong 5 năm 2015 – 2019, Chỉ số tính năng động của tỉnh Quảng Nam tiếp tục tăng về điểm số và thứ hạng trên bản xếp hạng (PCI), từ mức 5,13 điểm năm 2015 lên 7,32 điểm năm 2019 xếp hạng thứ 6 của cả nước.

Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết; cắt giảm thủ tục hành chính phải hướng đến việc không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức

Ông Nguyễn Tấn Văn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư cho hay, cắt giảm thủ tục hành chính phải hướng đến việc không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức, thực hiện “4 tại chỗ” trong tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả hồ sơ hạn chế doanh nghiệp đi lại nhiều lần.

Cùng với đó là triển khai Chính phủ điện tử bằng việc kết nối liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 & 4, hướng đến cơ quan nhà nước “không giấy tờ”.

Cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, quán triệt cấp dưới, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp.

Công khai, minh bạch về quy hoạch. Cải thiện hạ tầng đồng bộ, tháo gỡ điểm nghẽn về tiếp cận đất đai thông qua việc tạo quỹ đất sạch, ưu tiên các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hiện đại. Xác định nhân lực theo nhu cầu phát triển…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, PCI 2019 Quảng Nam tăng 1 bậc, giữ vị thứ 6/63 tỉnh thành là thứ hạng cao nhất từ trước đến nay và là một trong số ít địa phương thuộc nhóm điều hành tốt liên tục trong 5 năm liền.

Đây cũng là minh chứng rõ nét nhất cho sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam mà còn thể hiện sinh động nhất về sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước về năng lực chỉ đạo, chất lượng điều hành kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn tồn tại những bất cập, công tác giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp tại các địa phương vẫn chưa được linh hoạt.

Qua thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp, có 57% doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo tỉnh có chủ trương chính sách đúng đắn, nhưng khi thực hiện thì các sở ngành và các địa phương thực hiện chưa chuẩn mực, các thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm quyết tâm bứt phá hơn nữa về điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh Quảng Nam để tiếp tục xếp vào nhóm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước.

Để làm được điều đó cần tạo môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ công chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số PCI; về trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc nâng cao thứ bậc xếp hạng PCI của tỉnh, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp…