Quảng cáo trên online rất long lanh nhưng giao hàng… vớ vẩn
Hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử” thu hút nhiều người tham gia.

Hiện có nhiều tình trạng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử thông tin rất hấp dẫn, hình ảnh rất long lanh nhưng giao hàng lại là hàng vớ vẩn.

Sáng nay, 14-1 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử”.

Đây là buổi hội thảo cuối cùng được tổ chức nhằm ghi nhận thêm ý kiến của các chuyên gia kinh tế, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo, trình lên Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, số lượng các đại biểu tham gia rất đông đảo.

Thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ bị quản lý?

Theo bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 52 tập trung vào 4 nhóm chính sách.

Đó là là thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; minh bạch hóa thông tin hàng hóa và dịch vụ trong thương mại điện tử (TMĐT); quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài.

Ở góc độ bảo vệ người tiêu dùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ban soạn thảo cần bổ sung thêm vào dự thảo các hành vi bị cấm là cấm đưa thông tin không chính xác, không đầy đủ, sai sự thật.

Vì hiện có tình trạng hàng hóa trên sàn TMĐT thông tin rất long lanh, hình ảnh rất hấp dẫn nhưng giao hàng lại là hàng… vớ vẩn. Khi phát hiện ra thì số điện thoại lại không có thật.

Ông Hùng cũng góp ý nên bổ sung các thông tin tối thiểu, cụ thể ngoài nhãn hàng hóa thì phải có tên người chịu trách nhiệm về hàng hóa, để khi có vấn đề gì xảy ra người tiêu dùng dễ dàng liên hệ, phản ánh.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng chia sẻ rất hoan nghênh khi dự thảo quy định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp sàn giao dịch TMĐT phải liên đới chịu trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn nếu không đảm bảo các nghĩa vụ được quy định.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cũng góp ý về quy định các sàn TMĐT phải cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước công cụ tra cứu các thông tin liên quan tới người bán để phục vụ công tác thanh tra.

Luật sư Hà nhận xét quy định này về mặt kỹ thuật sẽ khó và cũng tạo ra áp lực rất lớn cho các sàn khi xây dựng bộ công cụ. Phân tích về khía cạnh pháp lý, Luật sư Hà lo ngại quy định này có thể vi phạm hoặc mâu thuẫn, trái với quy định tại điểm 1, Điều 17 của Luật An toàn thông tin mạng hay khoản 3 Điều 38 của Bộ Luật dân sự 2015.

“Tôi kiến nghị ban soạn thảo có nên chăng bỏ quy định này, nghĩa là các sàn TMĐT không phải xây dựng cái công cụ nữa, gây ra nhiều khó khăn, chi phí không tên, vấn đề tài chính, nhân lực và kỹ thuật tương đối khó” – Luật sư Hà góp ý.

Nhiều băn khoăn về thương mại điện tử xuyên biên giới

Về quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, quy định của dự thảo chỉ cho phép nhà bán hàng ở nước ngoài bán hàng xuyên biên giới thông qua các sàn giao dịch TMĐT Việt Nam bằng các phương thức như: thực hiện quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, tức xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền nhập khẩu và chỉ được trực tiếp bán hàng nhập khẩu cho các thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó.

Hoặc sàn TMĐT tổ chức việc thực hiện hoạt động nhập khẩu theo ủy thác của người mua đối với hàng hóa do thương nhân, tổ chức nước ngoài giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho rằng quy định các sàn TMĐT phải “xác minh” danh tính của nhà bán hàng nước ngoài, là một yêu cầu không khả thi.

Góp ý về quy định này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho rằng không phù hợp với vai trò của sàn TMĐT. Vì trong trường hợp này sàn TMĐT có thể bị xem là đóng vai trò là người mua/bán hàng hóa theo ủy thác hoặc là bên cung cấp dịch vụ nhập khẩu theo ủy thác.

Hơn nữa với số lượng người mua rất lớn của sàn, công ty vận hành sàn không thể có đủ nguồn lực để thực hiện hoạt động nhập khẩu theo ủy thác theo dự thảo.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định các sàn TMĐT phải “xác minh” danh tính của nhà bán hàng nước ngoài, là một yêu cầu không khả thi, thuộc thẩm quyền cơ quan nhà nước.

“Quy định này là không cần thiết và chỉ nên dừng ở chỗ sàn TMĐT phải yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 của Nghị định 52/2013/NĐ-CP khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Việc “xác minh” trong trường hợp cần thiết sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện với sự phối hợp của sàn TMĐT” – Luật sư Hà chia sẻ.

Nêu ý kiến góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đánh giá quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của sàn TMĐT hơi “nặng”, nghĩa vụ tuân thủ và chi phí để tuân thủ Nghị định mới này khi được ban hành sẽ tạo áp lực khá lớn cho kinh doanh TMĐT.

Góp ý về quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, ông Hưng lo ngại với những quy định đưa ra như dự thảo thì khi áp dụng có thực sự ổn?

“Hiện nay chúng ta đang đưa ra ba loại sàn như loại sàn để cung cấp thông tin, loại sàn có hỗ trợ giao kết hợp đồng, loại sàn cho phép người tham gia đăng tin sản phẩm mua bán… Nếu ba loại sàn này mà quản lý giống hệt nhau thì thực sự rất khó. Ví dụ như sàn mà có giao kết hợp đồng như Sen Đỏ thì phải khác biệt so với mua bán trên Webtretho” – ông Hưng góp ý

Theo PL TPHCM

Nguồn: https://plo.vn/kinh-te/quang-cao-tren-online-rat-long-lanh-nhung-giao-hang-vo-van-961569.html