Quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới

Minh Đức

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo Tờ trình đánh giá, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) của các nước trên thế giới và Việt Nam không thể đứng bên ngoài sự phát triển này.

Tháng 6 năm 2018, Tổ chức Hải quan thế giới công bố Khung tiêu chuẩn về thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo Khung tiêu chuẩn này, thương mại điện tử xuyên biên giới có thể được hiểu là việc đặt hàng, bán hàng, liên hệ trao đổi là trực tuyến và việc thanh toán thì có thể là trực tuyến hoặc không trực tuyến đồng thời hàng hóa hữu hình được vận chuyển qua biên giới.

Vẫn theo đánh giá của Bộ Tài chính, tại Việt Nam sau hai mươi năm xuất hiện Internet đã tác động sâu sắc và toàn diện tới kinh tế và xã hội. Theo số liệu công bố của Statista (Hãng nghiên cứu thị trường của Đức), năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 2,269 tỷ USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất năm 2018.

Qua báo cáo ba năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2019) về Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình năm từ 25% đến 30%.

Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.

Tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi, … mà tốc độ tăng trưởng doanh số của các trang thương mại điện tử này đều cao, điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam không còn xa lạ trong việc mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Thương mại điện tử phát triển là xu thế chung trên thế giới, vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định cụ thể để thực hiện việc quản lý tránh trường hợp các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử muốn thực hiện đúng theo quy định nhưng không có quy định để thực hiện.

Với đặc điểm nổi bật của thương mại điện tử xuyên biên giới là thời gian để thực hiện các giao dịch là rất nhanh, thuận tiện trong việc thanh toán, nhận hàng do đó, cơ quan quản lý cũng cần thay đổi phương thức quản lý theo hướng đơn giản, nhất quán, minh bạch, không phân biệt và tìm ra những biện pháp quản lý nhằm giải phóng nhanh hàng hoá trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu về tuân thủ pháp luật.

Bộ Tài chính nhận thấy khi thương mại điện tử qua biên giới phát triển mạnh mẽ, các cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Với cơ quan hải quan, số lượng các lô hàng nhỏ giá trị thấp tăng nhanh do vậy cần nguồn lực phù hợp để đảm bảo thời gian xử lý nhưng vẫn phải đảm bảo tốc độ thông quan nhanh của hàng hóa.

Bên cạnh đó, số lượng người tham gia giao dịch rất lớn, đa số là cá nhân nên thông tin, khai báo thiếu hoặc không chính xác, không có hồ sơ tuân thủ của người mua do người mua là các đối tượng không thường xuyên dẫn đến khó ngăn chặn các lô hàng cấm, hàng hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu, hàng buôn lậu do số lượng hàng hoá gửi nhỏ lẻ.

Việc kiểm soát, chống gian lận về phân loại và xuất xứ hàng hóa để được hưởng các mức thuế suất ưu đãi đặc biệt cũng là vấn đề đặt ra với hải quan.

Sự tham gia trong chuỗi cung ứng của các sàn giao dịch là đối tượng mới chưa được điều chỉnh cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan.

Đối với cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử, số lượng các sàn giao dịch thương mại điện tử, các website thương mại điện tử bán hàng tăng với tốc độ cao, nên việc quản lý gặp nhiều khó khan nếu không có các biện pháp quản lý cải tiến.

Việc kiểm soát thông tin về hàng hóa trên các sàn giao dịch và thực tế hàng hóa là rất khó khăn. Vì vậy, có thể có hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái nhưng cơ quan nhà nước không thể kiểm soát được.

Đối với cơ quan quản lý về cơ chế thanh toán, bảo lãnh, số lượng các giao dịch thanh toán lớn, cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát giao dịch nào thực hiện thanh toán cho đơn hàng nào, sự phù hợp giữa thực tế thanh toán với đơn hàng.

Còn với các cơ quan quản lý về chuyên ngành, mỗi lô hàng thường có có số lượng nhỏ vì vậy cơ quan kiểm tra chuyên ngành không thể đủ nguồn lực thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành đối với tất cả các lô hàng nhỏ trên.

Trong khi đó, người mua hàng thường không có kiến thức về kiểm tra chuyên ngành nên gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục cấp phép liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo quy định.

Hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hiện nay đang chịu sự quản lý của Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính.

Nhận thấy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là cần thiết, cấp bách

Việc xây dựng “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” với mục tiêu tìm được những giải pháp tốt nhất trong việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa.